Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Liệu Pakistan có còn là ‘đồng minh ngoài NATO’ của Mỹ?
Thứ ba: 08:41 ngày 04/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Là đồng minh của nhau, nhưng quan hệ giữa Mỹ với Pakistan lâu nay đã có rất nhiều “cơn sóng gió” xuất hiện.

Nằm ở vị trí chiến lược tại khu vực Nam Á, nhất là giữa hai cường quốc khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ, ngoài ra Pakistan có vai trò trọng yếu trong cuộc chiến chống khủng bố, nên Mỹ không thể không xây dựng mối quan hệ với quốc gia này để thực hiện các mục tiêu địa chính trị của mình.

Trong nhiều thập niên qua, Mỹ đã đầu tư nguồn lực rất lớn cho Pakistan để xây dựng quân đội, vực dậy nền kinh tế…, cũng như thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan. Theo truyền thông Mỹ, Pakistan từng là một trong 16 quốc gia được Mỹ coi là “các đồng minh lớn ngoài NATO” và nhận được nhiều ưu đãi từ Washington với hơn 33 tỷ USD kể từ năm 2002.

Nhưng những năm gần đây, Mỹ vẫn luôn tỏ ra lo ngại vì “sự trung thành” của Islamabad đối với mình. Sự kiện đáng chú nhất là hồi 2011, lực lượng biệt kích Mỹ đã bí mật tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden ngay trên lãnh thổ Pakistan mà không hề báo trước cho Islamabad.

Khi nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, mối quan hệ giữa Pakistan và Mỹ ngày càng có chiều hướng xấu đi. Hồi tháng 1/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng: “Mỹ đã ngớ ngẩn khi viện trợ hơn 33 tỷ USD cho Pakistan trong 15 năm qua. Họ không mang lại cho chúng tôi điều gì ngoài những lời dối trá, nghĩ rằng các lãnh đạo của chúng tôi là kẻ ngốc".

Ông Trump tố Pakistan đã cung cấp nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố mà Mỹ đang truy lùng ở Afghanistan. Vì thế, Mỹ lên kế hoạch cắt giảm viện trợ 500 triệu USD cho Pakistan

Về phía Islamabad, từng nhiều lên tiếng lần bác cáo buộc "nhắm mắt làm ngơ" phiến quân, đồng thời chỉ trích Mỹ vì đã phớt lờ hàng nghìn trường hợp phiến quân bị tiêu diệt trên đất Pakistan và nước này cũng đã chi hàng tỷ USD để đối phó những kẻ cực đoan.

Đáp trả sự chỉ trích “có đi, không có lại” của Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khurram Dastgir-Khan hồi tháng 1/2018 đã từng nói rằng, Mỹ đã được sử dụng các căn cứ quân sự, hạ tầng liên lạc trên không, trên bộ và hợp tác tình báo “miễn phí” ở Pakistan suốt 16 năm qua, nhưng đổi lại Mỹ chỉ mang lại cho Pakistan “những lời chỉ trích và sự hoài nghi”. Còn Ngoại trưởng Pakistan Kahwaja Asif cũng nói: “Cách hành xử của Mỹ không giống như của một đồng minh hay người bạn. Đó như kiểu của một kẻ chuyên phản bội bạn bè”.

Tuy nhiên, hôm ngày 1/9, trước chuyến thăm Pakistan của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (dự kiến vào ngày 5/9), Lầu Năm Góc thông báo đã đưa ra quyết định cuối cùng hủy bỏ khoản viện trợ 300 triệu USD cho Pakistan.

Đây là khoản viện trợ mà Mỹ đã trì hoãn trước đó do cáo buộc chính quyền Islamabad không có hành động nhằm đối phó với những tay súng ẩn náu trên lãnh thổ nước mình.

Trong một thông báo, người phát ngôn Lầu Năm Góc, trung tá Kone Faulkner, khẳng định: “Do Pakistan thiếu các hành động quyết định trong việc ủng hộ Chiến lược Nam Á, khoản tiền 300 triệu USD còn lại đã được đưa vào chương trình mới". Người phát ngôn này cho biết thêm Lầu Năm Góc sẽ chi số tiền trên cho các ưu tiên khẩn cấp khác nếu được Quốc hội phê duyệt.

Ngoài khoản tiền trên, Mỹ cũng đã cắt một khoản viện trợ trị giá 500 triệu USD cho Pakistan vào đầu năm nay, nâng tổng số tiền viện trợ bị cắt lên tới 800 triệu USD.

Quyết định trên của Lầu Năm Góc cho thấy Mỹ vẫn đang gia tăng sức ép lên bộ máy an ninh của Pakistan với hy vọng Pakistan sẽ thay đổi thái độ của mình. Nhất là Pakistan phải trấn áp các "chân rết"của lực lượng vũ trang Hồi giáo Taliban và mạng lưới khủng bố Haqqani đang hoạt động trong lãnh thổ Pakistan.

Cùng ngày, trang mạng Wion đưa tin tân Thủ tướng Pakistan Imran Khan khẳng định nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu cầu đơn phương nào từ phía chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Theo Thủ tướng Imran Khan, chính sách của Pakistan là thúc đẩy quan hệ với Mỹ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

Thủ tướng Khan cũng cho biết Chính phủ của ông sẽ hủy bỏ mọi thỏa thuận đi ngược lại lợi ích quốc gia của đất nước.

Diễn biến đó cho thấy quan hệ Pakistan-Mỹ lại trở nên “sóng gió”, vì thế chuyến thăm Pakistan của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong vài ngày đến có hóa giải được các bất đồng hay không là điều vô cùng khó khăn.

Trong khi đó, cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan ngày càng khó khăn, tình hình địa chính trị trong khu vực phức tạp đang thách thức vai trò của Mỹ.

Vì thế quan hệ Washington-Islamabad lại đang đứng trước một câu hỏi là liệu Pakistan có còn “đồng minh lớn ngoài NATO” của Mỹ hay không!

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục