Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Liệu Việt Nam có trở thành con rồng Đông Nam Á của Apple?
Chủ nhật: 10:48 ngày 28/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mới đây, Việt Nam đã lọt vào top 7 cơ sở sản xuất lớn nhất toàn cầu của Apple. Tuy nhiên, liệu Việt Nam có tận dụng được lợi thế này và phát triển thành đối tác quan trọng bậc nhất của "Táo khuyết" tại khu vực Đông Nam Á?

Cơ sở sản xuất của Apple tại tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Google)

Khi các nhà sản xuất thực hiện nỗ lực di dời quy mô lớn để xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn, Apple đang mở rộng cơ sở cung cấp của mình ở hầu hết các quốc gia châu Á.

Theo nguồn tin từ Digitimes, số lượng cơ sở/địa điểm sản xuất của 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple đã tăng vào năm 2022 tại Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ. Tuy nhiên, các cơ sở/địa điểm sản xuất ở Mỹ và Hàn Quốc đã giảm lần lượt từ 72 xuống 62 và 42 xuống 36.

Ảnh: Digitimes

"Danh sách mới cho thấy Apple đã bắt đầu đa dạng hóa địa điểm sản xuất, đặc biệt ở Nam Á và Đông Nam Á. Đây là dấu hiệu thể hiện việc mở rộng của công ty Mỹ, chuẩn bị cho một hệ sinh thái sản xuất toàn cầu tách rời", Digitimes nhận định.

Bên cạnh đó, Digitimes cho biết một số nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc đã tham gia danh sách 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple, bao gồm Consumer HK Holdco II Limited, Bichamp Cutting Technology, Shenzhen Forceblack Technology, Sunny Optical và Zhuhai CosMX Battery.

Inventec, Kinsus Interconnect Technology và Ko Jia có trụ sở tại Đài Loan đã không lọt vào danh sách nhà cung cấp mới nhất của Apple, trong khi Platinum Optics, Primax, Radiant Opto-Electronics và Winbond Electronics đã gia nhập hàng ngũ các nhà cung cấp.

Tại Ấn Độ, Apple đã thêm Molex, Onsemi và Shenzhen Everwin Prevision Technology vào danh sách 200 nhà cung cấp hàng đầu của mình khi Apple tiếp tục yêu cầu các nhà sản xuất đầu tư vào Ấn Độ.

Theo DigiTimes, số lượng cơ sở sản xuất của Apple ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á đã tăng trong những năm gần đây. Vào năm 2016, khu vực Đông Nam Á chỉ có tổng cộng 94 cơ sở sản xuất cho Apple. Trong số đó, Malaysia là quốc gia có số lượng cơ sở sản xuất nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á, với 23 cơ sở. Thái Lan và Philippines lần lượt đứng thứ hai và ba, cả hai đều có 19 cơ sở sản xuất. Việt Nam chỉ có 18 cơ sở sản xuất cho Apple, đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, đến năm 2022, tổng số cơ sở sản xuất của các nhà cung cấp cho Apple tại khu vực Đông Nam Á đã tăng lên 123. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng cơ sở sản xuất của Apple tại các quốc gia Đông Nam Á cũng đã thay đổi đáng kể.

Cụ thể, Thái Lan đã trở thành quốc gia có số lượng cơ sở sản xuất của Apple lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 28 cơ sở, tăng thêm 9 cơ sở so với năm 2016. Việt Nam đã vươn lên đứng thứ hai với 27 cơ sở sản xuất, tăng 9 cơ sở so với năm 2016. Malaysia, Singapore và Philippines xếp sau với số lượng cơ sở sản xuất lần lượt là 25, 21 và 19.

Nếu xét trên toàn thế giới, trong năm 2022, cả Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Singapore và Philippines đều nằm trong top 10 quốc gia có số lượng cơ sở sản xuất cho Apple lớn nhất, trong đó Việt Nam đứng thứ 7. Được biết, Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ là ba quốc gia đứng đầu với số lượng cơ sở sản xuất của Apple lớn nhất trên thế giới.

Việt Nam và Ấn Độ được xem là hai điểm đến hấp dẫn bậc nhất của Apple bởi nguồn nhân lực rẻ dồi dào. Apple đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPhone qua Ấn Độ, cũng như đã mở cửa hàng Apple Store đầu tiên để thu hút người dùng và tăng sự hiện diện.

Vị thế của Việt Nam trước Apple

Theo các nhà phân tích của JP Morgan, Apple hiện đang chuẩn bị đưa Việt Nam trở thành những trung tâm sản xuất quan trọng trên toàn cầu của Tập đoàn.

Trong bối cảnh tái thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra trên quy mô lớn chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, JP Morgan ước tính rằng Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025.

Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất OEM cũng đánh giá, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất điện tử (EMS) đối với các sản phẩm có khối lượng nhỏ.

Cụ thể trước đó, Nikkei Asia cũng đã đưa tin, Apple có kế hoạch lắp ráp MacBook và Apple Watch tại Việt Nam. Hiện, Apple đang có 3 đối tác chuyên cung ứng các dòng AirPods, trong đó, có 2 đối tác đều có nhà máy ở tỉnh Bắc Giang.

Mới đây, Apple cũng đã lần đầu tiên mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ cá nhân hóa cho khách hàng tương tự như các cửa hàng Apple Store trên toàn thế giới.

“Chúng tôi vinh dự khi có cơ hội mở rộng tại Việt Nam, cũng như vô cùng phấn khởi khi có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ vượt trội của Apple đến cho khách hàng với sự ra mắt của Apple Store trực tuyến", Deirdre O’Brien, Phó Chủ Tịch Cấp Cao mảng Bán Lẻ của Apple cho biết.

Theo các chuyên gia, việc Apple mở cửa hàng trực tuyến là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự hiện diện của nhà Táo tại Việt Nam. Đây cũng được cho là một dấu hiệu cho thấy sự nâng cấp trong đánh giá thị trường của Apple đối với Việt Nam.

Dẫu vậy, hiện tại Việt Nam vẫn thiếu các tập đoàn lớn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của nhà Táo. "Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể phát huy tiềm năng của chính mình hay không, hay chỉ như một 'nền tảng lắp ráp' được coi trọng chủ yếu nhờ lao động giá rẻ", nhận định từ Financial Times.

Có lẽ, để trở thành một con rồng Đông Nam Á của Apple, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện ưu đãi đầu tư cũng như chuẩn bị một nguồn nhân lực công nghệ khổng lồ đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ cũng như nhu cầu chuyển đổi số của đất nước.

Nguồn viettimes

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục