Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
An táng cho mẹ xong, chiều chiều tôi hay ra đứng bên triền đê thẫn thờ nhìn đàn cò chấp chới bay qua rồi hướng mắt về xa xăm. Ở cuối tầm nhìn dường như có dáng mẹ liêu xiêu đang nhặt từng hạt thóc rơi.
Tháng ba đầy nắng, từng cụm mây trắng lững lờ trôi dưới vòm trời xanh thẳm. Hình như chút gió mùa xuân còn vương vít đâu đây. Trên đường về quê giỗ mẹ, tôi cố hít thở không khí trong lành mà bấy lâu nay thiếu vắng. Nhìn những chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất trên cánh đồng lớn ven đường, lòng tôi cảm thấy xốn xang và nhớ mẹ đến quay quắt.
Ngày ấy gia đình tôi nghèo lắm. Nhà chỉ có hai công đất nên ba phải đi cày thuê, mẹ đi cấy mướn và mót lúa để có thể nuôi bốn miệng ăn. Mẹ tôi, người đàn bà vóc dáng mảnh mai, chịu thương chịu khó lúc nào cũng gom hết cực nhọc về mình. Một ngày của mẹ bắt đầu từ ba, bốn giờ sáng. Mẹ tranh thủ thức dậy bắc nồi cơm lên, rồi quét dọn nhà cửa và xung quanh.
Cơm chín, mẹ gọi mọi người dậy ăn sáng, dỡ cơm cho ba đi cày, cho mẹ đi mót lúa và dành phần cho chị em tôi buổi trưa. Tôi chỉ biết giúp mẹ những việc vặt trong nhà như giặt đồ, chăm sóc em, nấu bữa cơm chiều. Mẹ thường căn dặn chị em tôi: “Ba mẹ không có ruộng sâu trâu nái, chỉ chia cho tụi con mớ chữ nghĩa sau này nhờ tấm thân”. Hiểu được điều đó, chị em tôi cố gắng học giỏi để ba mẹ vui lòng.
Thường mẹ đi mót lúa đến xế đã về. Hôm ấy, chiều tối rồi vẫn chưa thấy mẹ. Ba và tôi như ngồi trên đống lửa. Cuối cùng, hai cha con đành băng đồng tìm mẹ. Bóng mẹ thấp thoáng phía cuối cánh đồng. Không ai bảo ai, hai cha con chạy nhanh về hướng mẹ. Tôi ôm chầm lấy mẹ. Ba trách nhẹ: “Sao mẹ nó không về sớm một chút, tui và sắp nhỏ lo quá trời!”.
Mẹ kể: “Bữa nay nhiều người mót lúa quá, họ còn trẻ, nhanh nhẹn hơn nên khi họ về, tui mới được chừng hai lít lúa. Chú thím Hai chủ ruộng thấy vậy thương tình xúc cho mớ lúa này… Thím nói giúp cho tụi nhỏ thêm tiền sách vở. Bữa nay nắng quá, lại hơi mệt tui định mót thêm chút rồi về, không ngờ trời mau tối quá”. Biết mẹ không sao, tôi và ba mừng lắm. Ba vác bao lúa còn tôi dắt tay mẹ ra về. Ôi, bàn tay xương xẩu thô ráp của mẹ!
Hôm tôi lên thành phố bảo vệ luận văn tốt nghiệp, ở nhà mẹ đổ bệnh phải nhập viện. Ba sợ tôi phân tâm, lo lắng cho mẹ ảnh hưởng đến kết quả sau mấy năm miệt mài trên ghế giảng đường nên không cho hay. Vừa về đến nhà, biết được sự việc, tôi chạy thẳng vào nhà thương. Nhìn thân thể gầy còm của mẹ dán sát trên nệm ra trắng muốt, tôi không cầm được nước mắt. Nụ cười héo hắt trên môi mẹ xé cả lòng tôi. Sức tàn lực kiệt, chỉ hai hôm sau mẹ từ giã cõi đời, để lại muôn vàn nuối tiếc.
An táng cho mẹ xong, chiều chiều tôi hay ra đứng bên triền đê thẫn thờ nhìn đàn cò chấp chới bay qua rồi hướng mắt về xa xăm. Ở cuối tầm nhìn dường như có dáng mẹ liêu xiêu đang nhặt từng hạt thóc rơi.
Cánh đồng lúa ngày nào giờ vẫn còn nhưng chẳng mấy ai đi mót lúa nữa. Từng con chữ mẹ cho bằng những hạt lúa thấm đẫm mồ hôi của mẹ đã phát huy tác dụng. Tiếc một điều là tôi không được nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của mẹ khi biết tôi thành đạt. Đến bao giờ tôi mới tìm lại được mẹ, mẹ ơi!
NGUYÊN HẠ