BAOTAYNINH.VN trên Google News

Linga vàng ròng - bảo vật dưới nền tháp cổ 

Cập nhật ngày: 31/03/2024 - 07:59

Được tìm thấy ở di tích tháp Pô Tằm, hơn 10 năm trước, linga bằng vàng, niên đại thế kỷ 8-9 đang được bảo vệ nghiêm ngặt ở Bảo tàng tỉnh Bình Thuận.

Linga vàng được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ học tại nhóm đền tháp Pô Tằm, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong năm 2013. Cổ vật hình trụ được chế tác bằng kỹ thuật gò tán, cao 6,6 cm; đường kính thân gần 5,5 cm; đường kính vành 6 cm; nặng hơn 78 gram, với tỷ lệ hơn 90% là vàng ròng, còn lại là bạc và đồng.

Linga là những vật thờ quan trọng trong các di tích kiến trúc tôn giáo cổ thuộc văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam và các nền văn hóa cổ đại khác trong khu vực Đông Nam Á. Linga tả thực bộ phận sinh dục của nam giới, tượng trưng cho nguồn sự sống, sự sinh sôi nảy nở. Trong đạo Bà La Môn, Linga tượng trưng cho thần Shiva, vị thần huỷ diệt và tái sinh.

Linga vàng đang được bảo vệ nghiêm ngặt trong kho cổ vật của Bảo tàng Bình Thuận. Ảnh: Trung Hoà

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Lý, nguyên giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, đã nghỉ hưu - người trực tiếp tham gia khảo cổ tại tháp Pô Tằm, cho biết Linga vàng được phát hiện rất tình cờ. Thời điểm đó, khi cả đoàn hơn 20 người đang làm việc, một công nhân reo lên khi phát hiện một vật màu vàng nằm sâu dưới lớp đất trộn sỏi và gạch vỡ khoảng nửa mét.

Các chuyên gia của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ sau đó đã khai quật và đưa lên một di vật kim loại màu vàng. Để bảo vệ di vật, sau khi lập biên bản hiện trường và các thủ tục khác theo quy định, ông Lý đã yêu cầu nhanh chóng đưa cổ vật về bảo tàng tỉnh trước khi mặt trời lặn.

"Linga là vật thờ của người Chăm, nếu để tại chỗ lâu quá, có thể người ta sẽ tụ tập lên chiêm bái, phát sinh tình hình phức tạp", nguyên giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận giải thích.

Các nhà khảo cổ cùng đại diện cộng đồng Chăm bản địa tại hiện trường khai quật trên tháp Pô Tằm, huyện Tuy Phong, năm 2013. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Bình Thuận

Qua giám định và hội thảo, các nhà khoa học khẳng định đây là chiếc Linga bằng vàng ròng, có độ tinh khiết cao, niên đại khoảng thế kỷ 8-9 (cùng niên đại với tháp Pô Tằm). Cổ vật có tính thẩm mỹ cao, thể hiện tài nghệ của người thợ kim hoàn thời đó và bản sắc văn hoá Champa. Linga vàng được tìm thấy nguyên vẹn, không sứt mẻ, nhưng bề mặt bị cấn móp ở nhiều vị trí.

"Giá trị chính của Linga này không phải bởi nó có hàm lượng vàng lớn, mà ở cấu trúc của nó, tính hiếm thấy và nghệ thuật chế tác thủ công", ông Lý nói, cho biết từ trước đến nay, hầu hết những hiện vật loại này được tìm thấy đều bằng đá. Linga phát hiện tại tháp Pô Tằm là hiện vật độc bản, trường hợp duy nhất về loại hình Linga làm bằng kim loại vàng trong văn hóa Champa được tìm thấy, đến lúc này.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Lý, bảo vật Linga vàng là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, quan hệ ngoại giao, tôn giáo, kỹ thuật luyện kim, nghề kim hoàn... của vương quốc Champa xưa.

Một số cổ vật bằng gốm và kim loại cũng được tìm thấy trong đợt khai quật tháp Pô Tằm năm 2013. Ảnh: Việt Quốc

Sau hơn 10 năm được tìm thấy, tháng 1/2024, Linga vàng được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Lễ công bố quyết định của Thủ tướng về việc công nhận bảo vật quốc gia Linga vàng dự kiến sẽ được tổ chức tại di tích tháp Pô Sah Inư (TP Phan Thiết) trong dịp lễ hội Katê 2024 sắp tới.

Ông Đoàn Văn Thuận, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, cho biết do chưa có không gian trưng bày nên Linga vàng quý giá này đang được bảo quản nghiêm ngặt trong kho cổ vật của bảo tàng trên đường Bà Triệu, phường Phú Trinh, TP Phan Thiết.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao nhiệm vụ cho ngành văn hoá và công an địa phương lên phương án bảo vệ, đảm bảo an ninh, an toàn cho bảo vật. Khi đưa ra trưng bày, triển lãm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bảo tàng tỉnh, chính quyền địa phương với lực lượng công an.

Di tích tháp Pô Tằm (tên quốc tế: Po Dam) nằm dưới chân núi Ông Xiêm, làng Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong. Nhóm đền tháp này được xây dựng theo phong cách Hoà Lai thế kỷ 8-9. Ban đầu các tháp này thờ thần Siva, đến thế kỷ 15 thờ thêm vua Pô Tằm (tên tiếng Việt là Trà Duyệt), người có công lớn giúp dân làm thuỷ lợi canh tác nông nghiệp trong vùng.

Đầu thế kỷ 20, nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier đã khảo sát, nghiên cứu tháp Pô Tằm. Lúc ấy do không có điều kiện khai quật, ông chỉ khảo sát, đo vẽ những kiến trúc trên mặt đất và kết luận nhóm tháp chỉ có 6 tháp, hai tháp phía Bắc đã bị sụp đổ, còn lại phần đế cao khoảng một m.

Sau hơn một thế kỷ, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện thêm hai đế tháp mới. Cả hai đã bị sụp đổ, vùi lấp qua hàng thế kỷ nên không ai biết. Từ đó, các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm có cơ sở khẳng định nhóm đền tháp Pô Tằm có tất cả 8 tháp, 4 tháp bị sụp đổ, 4 tháp đã được trùng tu như dáng vẻ ban đầu.

Trong cuộc khai quật 2013-2014, bên cạnh những phế tích các đế tháp và những bộ phận kiến trúc khác được tìm thấy, các nhà khảo cổ còn phát hiện được lượng lớn di vật đá, gốm sứ, đất nung, kim loại và bàn nghiền. Cùng đó, một bia ký bằng đá bằng chữ Phạn (cổ ngữ Ấn Độ) ghi niên đại năm 710 cũng được phát hiện có giá trị về lịch sử.

Nguồn VNExpress