Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Linh hồn Chămpa
Thứ bảy: 08:38 ngày 08/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chiều hè, men theo con đường mòn dưới chân đồi, tôi tìm đến Tháp Bà Ponagar. Ánh nắng cuối ngày đan qua từng tán lá, đọng lại trên lối đi và lung linh trên khuôn mặt người qua lại. Trong tiếng trống Ghinăng ấm áp, điệu kèn Sranai u buồn và níu kéo, thấp thoáng bóng các cô gái chân trần đang múa Apsara dưới chân tháp, tôi như lạc trôi vào xứ sở của đất nước Chămpa xưa kia.

Nữ thần Thiên Y A Na

Tháp Bà Ponagar, một trong những quần thể kiến trúc Chămpa, có quy mô lớn nhất tại miền Trung Việt Nam, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km về phía Bắc. Ban đầu, tháp được làm bằng gỗ, dựng trên ngọn đồi, cạnh dòng sông Cái, thờ nữ vương Jagaldharma (công chúa Tchou Koti, còn gọi là Thiên Y Thánh Mẫu), người cai trị Lâm Ấp từ năm 646-653. Sau đó, vua Chămpa Prithi Indravarman xây dựng lại kiên cố hơn, thờ nữ thần Bahagavati, còn gọi gọi là Po Nagar (tượng bằng vàng ròng). Bước vào bên trong, tôi ngỡ ngàng trước tượng nữ thần cao 2,6m, tạc bằng đá hoa cương màu đen, ngồi uy nghiêm trên đài sen, lưng tựa vào một phiến đá lớn hình lá bồ đề. Có thể nói, đây là kiệt tác về điêu khắc Chămpa, sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Ngước nhìn lên trên, trong lòng tháp, tôi thấy bề mặt của các viên gạch đều được "sơn" một màu đen tuyền. Khi hỏi vì sao như vậy, người trông coi di tích nói rằng, đó là "dấu ấn" của việc thắp hương trên bàn thờ đức thánh Bà.

Hơn 1.000 năm, với sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian và chiến tranh, Tháp Bà vẫn sừng sững tồn tại như một minh chứng cho trí tuệ và sự khéo léo của người Chăm. Cho dù có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về chất kết dính các viên gạch trong quá trình xây dựng tháp nhưng đến nay, câu chuyện này vẫn mãi là một ẩn số. Năm 1979, Tháp Bà được Bộ văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia, chứng nhận tầm quan trọng, giá trị nhân văn đặc sắc của kiến trúc Chămpa trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt  Nam. Tháp Bà cũng là nguồn cảm hứng trong đời sống tinh thần, đi vào thi ca với vẻ đẹp huyền bí và mê hoặc...

Theo truyền thuyết, nữ vương Po Ina Nagar  là nữ thần được tạo nên bởi những áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng trái đất, sản sinh gỗ quý, cây cối và lúa gạo. Bà có 97 người chồng, trong đó chỉ một mình Po Yan Amo là người có uy quyền, được tôn trọng hơn cả. 38  người con gái của bà đều hóa thân thành nữ thần. Riêng, có ba cô con gái được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai, thờ cúng cho tới ngày nay. Đó là Po Nagar Dara, nữ thần Kauthara tại Khánh Hòa, Po Rarai Anaih, nữ thần Panduranga tại Ninh Thuận và Po Bia Tikuk, nữ thần Manthit tại Phan Thiết. Tương truyền, Po Nagar theo tín ngưỡng phồn thực, nên tượng bà không có quần áo. Sau này, Po Nagar được khoác trang phục Phật giáo. Văn bia về Thiên Y A Na tại tháp Po Nagar do Phan Thanh Giản soạn vào năm 1857 (bản dịch của Quách Tấn) viết: "Khi đất Kauthara thuộc về người Việt thì nữ thần Po Nagar cũng trở thành vị nữ thần của người Việt với tên gọi là Thiên Y A Na và sự tích của bà cũng được Việt hóa".

Chuyện kể rằng, xưa kia tại núi Đại An (nay là Đại Điền - Diên Khánh - Khánh Hòa), có vợ chồng tiều phu già, không có con. Hàng ngày, họ vào rừng phát rẫy, trồng dưa. Đến mùa thu hoạch, những trái dưa chín của họ thường bị hái trộm. Một hôm, ông lão bắt được thủ phạm. Khi biết được kẻ hái trộm là một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp và mồ côi, ông liền mang về nuôi. Không ngờ, cô gái ấy là tiên nữ. Thời gian trôi đi. Một hôm, trời mưa lớn, cảnh vật tiêu điều, khiến tiên nữ nhớ cảnh tiên xưa. Cô lấy đá, cây cối tạo thành một một hòn non bộ để vơi bớt nỗi buồn ở trần thế. Cho rằng, việc làm đó không thích hợp đối với phụ nữ, người cha nuôi nặng lời quở mắng. Trong lúc giận cha, nhìn ra dòng sông, thấy một khúc kỳ nam trôi dạt, cô nhập thân rồi xuôi ra đại dương, tấp vào bờ biển  Trung Hoa. Mùi hương kỳ nam lan tỏa khắp vùng, nhiều người kéo đến xem nhưng không một ai có thể nhấc lên nổi. Tin đồn lan truyền, thái tử nước Trung Hoa tìm đến, nhẹ nhàng vác khúc gỗ kia mang về cung. Một đêm khuya, thái tử thấy có bóng người lạ ẩn hiện từ khúc kỳ nam. Rình rập mấy đêm, chàng bắt được Thiên Y A Na. Nghe chuyện của cô, ngày hôm sau, thái tử tâu với vua cha cho phép cưới nàng làm vợ. Sống với thái tử, Thiên Y A Na sinh được một cháu trai, đặt tên là Tri và một bé gái đặt tên là Quí.

Một đêm khuya, nhớ cảnh cũ người xưa, Thiên Y A Na bèn trốn chồng, dắt hai con nhập lại khúc kỳ nam, vượt biển trở về cố quốc. Khi biết cha mẹ nuôi đã mất, bà cho xây đắp mồ mả, sửa sang lại nhà cửa để có chỗ thờ phụng. Thấy dân chúng ở Đại An còn thật thà, chất phác, bà liền đem những gì học được ở quê chồng như phép tắc, lễ nghi, cày cấy, kéo sợi dệt vải dạy dỗ người dân mưu sinh. Một hôm, trời bỗng nổi cơn giông, từ đám mây vẫn vũ xuất hiện một con chim hạc to lớn dị thường bay xuống, rước bà và hai con về trời. Nhớ ơn công đức, người Chăm cùng nhau xây tháp, tạc tượng phụng thờ Bà. Không thấy Thiên Y A Na cùng 2 đứa con trở về, thái tử bằng cất thủy quân, vượt biển đến Đại An tìm kiếm. Không tin vợ con về trời, cho rằng người dân nơi đây cố tình che giấu mẹ con Thiên Y A Na, quân lính của thái tử đã tra khảo người dân rất dã man. Quá đau đớn, oan ức, họ thắp hương nguyện cầu bà. Ngay lập tức, một trận cuồng phong nổi lên khiến "cát chạy, đá bay". Toàn bộ những người đến từ phương Bắc và thuyền bè của họ đều bị vùi thây, đánh chìm dưới đáy biển. Ngày nay, trước cửa tháp Bà, giữa cửa sông Cái, còn lại những cụm đá to lớn như minh chứng cho phép thuật của Thiên Y A Na dùng đá đánh đắm đoàn thuyền của người Trung Quốc.

Múa Chăm bên Tháp Bà Ponagar.

Vũ điệu Chămpa

Khi chúng tôi đến, dưới chân tháp có 5 cô gái và 3 nhạc công đang biểu diễn một điệu múa Chămpa. Các vũ nữ đội những chiếc bình gốm trên đầu, chân bước nhịp nhàng, uyển chuyển như những tiên nữ khiến du khách nước ngoài xuýt xoa, trầm trồ khen ngợi. Đội biểu diễn đến từ làng quê hẻo lánh vùng Ninh Thuận. Họ sống bằng tiền của du khách bỏ vào trong chiếc hũ gốm đặt phía trước. Cô Thiên Thị Mỹ Duyên, nước da nâu đen như bức tượng Chămpa, tươi cười: "Từ nhỏ, chúng em đã được học múa trong làng. Có những điệu rất khó như Apsara, Siva... phải được thầy dạy từng đoạn, từng động tác, từng điệu rồi ráp vào như một bài văn vậy". Duyên tâm sự, tụi em là "thanh nữ", người nào trong đội múa, nếu lấy chồng, phải dừng công việc này. Hướng về 3 nhạc công với trang phục màu trắng, cô giải thích, trong âm nhạc truyền thống, người Chăm  có nhiều loại nhạc cụ nhưng chúng em chỉ sử dụng 3 loại cơ bản. Đó là trống Ghinăng, trống Paranưng và kèn Sranai. Hiện nay, cả 3 nhạc cụ này đều được đưa vào diễn tấu, phục vụ cho du khách tại tháp bà Ponagar Nha Trang.

Múa Chăm có nhiều bài diễn như múa quạt, múa đội lu, múa đạp lửa, múa âm dương, múa Apsara... Bằng điệu múa trên nền nhạc truyền thống, người Chăm thể hiện tình cảm của mình, tình yêu lứa đôi nam nữ, ca ngợi tinh thần lao động... Đội múa Chăm ở Tháp Bà Ponagar Nha Trang biểu diễn hàng ngày, chỉ trừ những hôm mưa, gió. Có lẽ, đây là nơi duy nhất ở miền Trung không chọn người Việt và sân khấu để múa Chăm. Khi biểu diễn xong một tiết mục, các vũ công lại trở về với công việc đang dang dỡ. Đó là dệt thổ cẩm, một nghề truyền thống mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Dưới gốc một cây cổ thụ, những mô hình thu nhỏ bằng đất sét nung, nặn bằng tay rất đẹp như tượng Tháp bà, các vị thần Chămpa, những linh vật,... được bày bán cho du khách. Chỉ về mô hình Tháp Bà, người bán hàng nói rằng, những người phụ nữ Chăm đều có quyền nặn các tượng ngoại trừ tượng Tháp Bà. Khi hỏi vì sao như vậy, một cô gái Chăm đứng bên giải thích, chỉ có người đàn ông mới có quyền nặn tượng mô hình Tháp Bà...

Hoàng hôn buông xuống trên Tháp Bà. Vài cánh chim tìm về tổ ấm. Tôi cùng những người du khách cuối cùng rời khỏi tháp cổ. Ánh nắng vàng vọt cuối ngày còn vương nhẹ trên thảm cỏ xanh. Chiều sâu thẳm và yên ả đến lạ thường, thoảng chút gió từ dòng sông Cái thổi vào, mơn man một miền ký ức đẹp lung linh.

Theo Công an Đà Nẵng

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục