Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
2/3 chặng đường của năm 2021 đã đi qua với nhiều khó khăn, thách thức. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, kinh tế xã hội dần khôi phục.
Công nhân sản xuất tại một doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ
Kiểm soát dịch vững chắc
Ðể bảo đảm thực hiện thành công “mục tiêu kép”, các cấp, các ngành của tỉnh đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp phục hồi kinh tế trên nguyên tắc an toàn, linh hoạt, dần thích nghi với tình hình dịch bệnh, tiến tới mở lại toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đồng thuận, chung sức của toàn dân, dịch bệnh trong tỉnh được kiểm soát tốt. Ðáng chú ý là sự chỉ đạo kịp thời của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh trong điều hành, phân bổ nguồn lực, nhân lực, xây dựng kế hoạch trong công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tập trung và điều trị cho bệnh nhân.
Ông Võ Ðức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, từ khi địa phương có những ca nhiễm đầu tiên, tỉnh đã nhanh chóng truy vết, xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Tỉnh áp dụng phương pháp tập trung điều trị phân tầng bệnh nhân, chuyển đổi công năng các bệnh viện hiện có, thành lập 32 bệnh viện dã chiến trên toàn tỉnh với quy mô 4.220 giường bệnh.
Ðồng thời, tập trung điều trị cho bệnh nhân tầng 1 và tầng 2 để hạn chế bệnh nhân chuyển biến nặng phải chuyển tầng 3, nhờ đó xây dựng được hơn 90% địa phương thuộc vùng xanh- vùng an toàn dịch bệnh.
Ngày 10.8, Tây Ninh triển khai xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên diện rộng. Ðến nay, Tây Ninh đã triển khai 3 đợt sàng lọc trên diện rộng, kịp thời bóc tách F0 đưa đi điều trị, ngăn chặn dịch lây lan. Song song đó, Tây Ninh triển khai công tác tiêm ngừa vaccine toàn dân. Hiện có 48% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1.
Tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Từ ngày 3.9, Tây Ninh chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các phương án tái sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo phương châm “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Tỉnh cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, tiếp tục duy trì sản xuất.
Ðối với các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp tại các địa phương, phải làm thế nào để duy trì sản xuất mà vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Theo đó, các địa phương đều tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”.
Huyện Tân Châu có 40 doanh nghiệp và 1 cụm công nghiệp, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực chế biến mì, cao su… Bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết, để khôi phục sản xuất, các doanh nghiệp phải bảo đảm các phương án phòng, chống dịch Covid-19.
Doanh nghiệp phải có phương án “3 tại chỗ” cho công nhân ngoài huyện; đối với công nhân trong huyện cư trú tại "vùng xanh" thì doanh nghiệp thực hiện phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Trong trường hợp doanh nghiệp và công nhân cùng 1 địa bàn và là vùng xanh thì tạo điều kiện cho công nhân đi làm bằng xe gắn máy nhưng phải bảo đảm “1 cung đường, 2 điểm đến”. Ðến nay, UBND huyện Tân Châu đã giải quyết, thẩm định 16/17 phương án cho công ty, doanh nghiệp trên địa bàn có phương án khôi phục sản xuất sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Thành phố Tây Ninh có trên 500 doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ. Trong điều kiện giãn cách xã hội do dịch bệnh, các doanh nghiệp này gần như “đóng băng”.
Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Chủ tịch UBND TP. Tây Ninh cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đã có phương án khôi phục sản xuất và được thẩm định theo quy định của UBND tỉnh. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang nỗ lực thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế để sớm trở lại hoạt động.
Thành phố sẽ cố gắng đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dân, yêu cầu thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, tạo điều kiện để các cơ sở, doanh nghiệp thương mại dịch vụ có thể tái hoạt động.
Tây Ninh có khoảng 130.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Dịch bệnh bùng phát, chỉ còn khoảng 23.000 công nhân làm việc. Sau khi dịch được kiểm soát, có khoảng 55.000 lao động trở lại làm việc.
“Trước mắt, Tây Ninh vẫn tập trung cho các công tác phòng, chống dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu làm sao để an toàn nhất trong điều kiện “bình thường mới”. Ðồng thời điều chỉnh lại công tác truy vết, phân tầng bệnh viện điều trị, không để quá tải hệ thống y tế; tổ chức lại các bệnh viện dã chiến để trả các cơ sở, nhất là trường học để học sinh được học trực tiếp. Ðặc biệt sẽ đẩy mạnh phục hồi sản xuất một cách an toàn theo chủ trương “an toàn mới sản xuất”- ông Võ Ðức Trong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết.
Tấn Hưng - Vũ Nguyệt