Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Linh hoạt trong đánh giá học sinh tiểu học
Thứ tư: 00:59 ngày 22/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhà trường, giáo viên hướng dẫn để cha mẹ học sinh tham gia vào quá trình đánh giá học sinh, khuyến khích, hỗ trợ học sinh tự học, luyện tập, thực hành, vận dụng, trải nghiệm kiến thức đã học vào cuộc sống hằng ngày để...

Học sinh tiểu học tham khảo các bài học online tại nhà giữa mùa dịch. Ảnh: Huy Hoàng

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có văn bản gửi trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, hiệu trưởng các Trường TH-THCS-THPT IGC Tây Ninh, Trường Khuyết tật tỉnh về việc hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch Covid-19. Văn bản này, Sở GD&ĐT thực hiện theo tinh thần Công văn số 5766/BGDĐT-GDTH ngày 13.12.2021 của Bộ GD&ĐT.

Công văn của Sở GD&ĐT nêu, thực hiện linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học, các đơn vị nêu trên tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục xây dựng, bổ sung kịp thời giải pháp tổ chức dạy học một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả.

Căn cứ diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón học sinh trở lại học trực tiếp tại nhà trường khi điều kiện cho phép, đồng thời xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó với các tình huống dịch xảy ra trong nhà trường theo quy định.

Tiếp tục tổ chức hình thức học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình kết hợp với việc giao phiếu học tập, nhiệm vụ học tập bằng các hình thức linh hoạt và phù hợp; phối hợp hiệu quả với gia đình học sinh tổ chức các hoạt động tự học ở nhà, giúp học sinh trải nghiệm các môn học để hình thành các kỹ năng, năng lực theo yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục theo quy định.

Giáo viên tăng cường theo dõi, giám sát, nhận định, đánh giá thường xuyên về sự tiến bộ của học sinh, hướng dẫn cha mẹ học sinh cùng tham gia vào hoạt động đánh giá, thực hiện tổng hợp đánh giá thường xuyên để làm căn cứ đánh giá học sinh vào giữa, cuối mỗi học kỳ và cuối năm học theo quy định.

Đối với những học sinh không đủ điều kiện, khả năng tiếp cận các hình thức học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình khi chưa được đến trường, các cơ sở giáo dục phân công, hướng dẫn giáo viên chuyển tài liệu học tập đến các em.

Tuỳ điều kiện cụ thể, cần linh hoạt các hình thức tổ chức, phối hợp với cha mẹ, người thân của học sinh để hướng dẫn học sinh được học các nội dung cốt lõi và duy trì thói quen học tập. Nhà trường theo dõi, hỗ trợ, giám sát, đánh giá thường xuyên về sự tiến bộ của học sinh.

Khi học sinh đi học trở lại, các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học bổ sung, ôn tập, củng cố kiến thức, kiểm tra, đánh giá học sinh vào thời điểm phù hợp, phản ánh đúng chất lượng kết quả học tập và bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Đánh giá học sinh phù hợp với hình thức tổ chức dạy học ứng phó dịch Covid-19, Sở GD&ĐT yêu cầu, việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện theo quy định hiện hành, bảo đảm đúng chất lượng học tập của học sinh, linh hoạt trong tổ chức thực hiện để ứng phó với dịch Covid-19 và cần chú ý thực hiện một số nội dung quan trọng.

Trước hết, về đánh giá thường xuyên, đối với hình thức học tập qua truyền hình, giáo viên giao nhiệm vụ học tập thông qua các hình thức linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Chú ý hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tự học, tự hoàn thành nhiệm vụ học tập gắn với nội dung dạy học trên truyền hình.

Tổ chức thực hiện phiếu học tập để hướng dẫn học sinh tự học, hoàn thành nhiệm vụ học tập theo yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục. Phối hợp với gia đình học sinh tổ chức dạy học và đánh giá học sinh trong quá trình học tập với hình thức phù hợp. Hướng dẫn học sinh phản hồi thông tin qua phiếu học tập, ứng dụng công nghệ thông tin để giao bài, nhận bài và sản phẩm học tập của học sinh qua các phần mềm phổ biến như zalo, facebook, e-mail…

Quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên chú trọng việc giao nhiệm vụ học tập cho học sinh, thực hiện linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật đánh giá thường xuyên theo quy định. Tăng cường khuyến khích, động viên, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tự học, tự hoàn thành nhiệm vụ học tập, hoàn thành phiếu học tập, thu thập thông tin phản hồi qua các buổi học trực tuyến để đánh giá học sinh.

Nhà trường, giáo viên hướng dẫn để cha mẹ học sinh tham gia vào quá trình đánh giá học sinh, khuyến khích, hỗ trợ học sinh tự học, luyện tập, thực hành, vận dụng, trải nghiệm kiến thức đã học vào cuộc sống hằng ngày để hình thành các phẩm chất, năng lực theo yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục.

Việc đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục (hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành) về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực (tốt, đạt, cần cố gắng) theo quy định chỉ thực hiện khi học sinh đã học nội dung chương trình các môn học, hoạt động giáo dục tương ứng, được giáo viên tổ chức thực hiện đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập.

Tổ chức bài kiểm tra định kỳ nghiêm túc, đúng quy định, đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh, có thể chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ, linh hoạt thực hiện vào các thời điểm phù hợp với từng đối tượng và tình hình dịch Covid-19 tại địa phương.

Trong đó, đối với lớp 1, lớp 2, bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, các cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế bảo đảm an toàn trong phòng dịch.

Cụ thể, lập kế hoạch thời gian thực hiện kiểm tra định kỳ, tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện; chia nhỏ số học sinh/lớp bảo đảm an toàn phòng dịch để tổ chức hướng dẫn ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung cốt lõi cho học sinh trước khi kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, môn Tiếng Việt linh hoạt vào các thời điểm, phù hợp với từng đối tượng và diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT.

Đối với các lớp 3, 4, 5, bài kiểm tra định kỳ được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, phù hợp với tình hình ở địa phương vào thời điểm tổ chức đánh giá.

Thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với các môn Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc tại các thời điểm cuối học kỳ I và cuối năm học. Riêng lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra định kỳ vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II đối với môn Toán và môn Tiếng Việt theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT.

Nội dung đề kiểm tra định kỳ phù hợp với yêu cầu cần đạt về nội dung học tập và các thành phần năng lực của môn học, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế bảo đảm các mức theo quy định, tập trung vào nội dung học tập cốt lõi theo Công văn số 3049/SGDĐT-GDTH của Sở GD&ĐT.

Quá trình triển khai thực hiện, nếu kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 được quy định tại Quyết định số 1985/QĐ-UBND của UBND tỉnh không đủ để thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, các cơ sở giáo dục báo cáo Phòng GD&ĐT tổng hợp về Sở. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT báo cáo UBND tỉnh phương án, đề nghị Bộ GD&ĐT điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 phù hợp với thực tế tại địa phương.

Liên quan hình thức làm bài kiểm tra định kỳ, cách nay vài ngày, Bộ GD&ĐT cho phép học sinh lớp 1, lớp 2 ở các tỉnh, thành phố có dịch bệnh Covid- 19 đang diễn biến phức tạp được làm bài tại nhà.

VIỆT ĐÔNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục