BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lĩnh vực Bưu chính- Viễn thông ở Tây Ninh: Chỉ ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam bộ

Cập nhật ngày: 09/10/2009 - 05:53

Ăng- ten Viễn thông Tây Ninh.

Theo đánh giá của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tổng thể phát triển Bưu chính- Viễn thông Tây Ninh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 thì lĩnh vực viễn thông ở Tây Ninh trong những năm qua tăng trưởng khá mạnh.

Cụ thể, trong năm 2008 dịch vụ điện thoại di động tăng đến 140%, dịch vụ Internet tăng đến 90% so với năm trước. Mật độ thuê bao điện thoại cố định đạt 15,4 thuê bao/100 dân, mật độ điện thoại di động đạt 64,2 thuê bao/100 dân và mật độ Internet đạt 1,61 thuê bao/100 dân. Riêng mạng lưới bưu chính ở Tây Ninh hiện có 28 bưu cục, 93 điểm bưu điện văn hoá xã, 157 số điểm đại lý với bán kính phục vụ bình quân là 2,15 km và số dân phục vụ bình quân là 3.789 người.

Trong những năm qua, mạng lưới bưu chính- viễn thông ở Tây Ninh ngày càng được đầu tư hiện đại hoá, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, đảm bảo yêu cầu hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hiệu quả sản xuất- kinh doanh ngành bưu chính- viễn thông ngày càng được nâng cao. Vốn, tài sản, năng suất lao động, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành bưu chính- viễn thông ngày càng được nâng lên, sự đóng góp vào ngân sách địa phương cũng ngày càng nhiều hơn.

Tuy nhiên, nếu so sánh với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam bộ thì lĩnh vực bưu chính- viễn thông ở Tây Ninh vẫn còn ở mức “khiêm tốn”. So sánh các chỉ tiêu cơ bản về bưu chính thì Tây Ninh chỉ đứng hàng thứ 5, dưới các tỉnh, thành như: Thành phố HCM, Rà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương. Lĩnh vực viễn thông ở Tây Ninh, so với các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ thì chỉ tiêu điện thoại cố định và di động cũng đứng hàng thứ 5, chỉ tiêu về Internet đứng hàng thứ 4.

Nhìn chung, so với khu vực Đông Nam bộ thì lĩnh vực bưu chính, viễn thông của Tây Ninh đều được Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông đánh giá là ở mức trung bình. Tuy nhiên nếu so từng chỉ tiêu thì có một số chỉ tiêu về viễn thông ở Tây Ninh thấp hơn mức bình quân trong khu vực và cả nước như: mật độ điện thoại di động, mật độ điện thoại cố định, mật độ Internet. Sở dĩ một số chỉ tiêu lĩnh vực viễn thông còn thấp là do Tây Ninh còn có sự chênh lệch đáng kể về mật độ mạng lưới, số lượng và chất lượng dịch vụ… giữa khu vực nông thôn và thành thị. Tuy từ nhiều năm trước đây Tây Ninh đã hình thành được hệ thống Bưu điện văn hoá xã, nhưng thực chất chất lượng phục vụ chưa được như mong muốn. Riêng mạng thông tin di động- tuy đã được phủ sóng tương đối rộng khắp trên địa bàn tỉnh, nhưng vẫn còn nhiều khu vực sóng yếu, chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguyên nhân sâu xa tạo ra sự chênh lệch được đánh giá là dù tốc độ phát triển kinh tế ở Tây Ninh khá cao, nhưng không đồng đều, đồng thời quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực bưu chính- viễn thông và các ngành liên quan chưa có sự phối hợp đồng bộ để phát triển hạ tầng.

Internet đến với học sinh vùng sâu.

Để có sự phát triển nhanh và đồng bộ lĩnh vực bưu chính- viễn thông, Tây Ninh đã lập Quy hoạch tổng thể phát triển bưu chính- viễn thông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, lĩnh vực bưu chính mục tiêu đến năm 2015 là toàn tỉnh có 330 điểm phục vụ với bán kính phục vụ là 1,97 km/điểm phục vụ và số dân phục vụ bình quân là khoảng hơn 3.200 người/điểm phục vụ. Còn lĩnh vực viễn thông, chỉ tiêu đến năm 2015 là: mật độ thuê bao cố định đạt 28 thuê bao/100 dân; mật độ thuê bao di động đạt 85 thuê bao/100 dân; mật độ thuê bao Internet đạt 12,5 thuê bao/100 dân. Để đạt được chỉ tiêu này, lĩnh vực viễn thông phát triển mạng lưới công nghệ NGN, nâng cấp mạng thông tin di động lên công nghệ 3G, ngầm hoá mạng ngoại vi và tăng cường xây dựng hạ tầng viễn thông.

S.T