Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Trong năm qua, từ phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo Tây Ninh đã làm rõ một cơ sở nuôi dạy trẻ có nhiều hoạt động mờ ám ở huyện Tân Châu hơn 2 năm qua, nhưng chính quyền địa phương “thiếu quan tâm”. Đó là “Gia đình cô nhi” của bà Nguyễn Thị Ánh ở ấp 2, xã Suối Dây, nhận nuôi những đứa trẻ không rõ nguồn gốc mà các ngành chức năng địa phương không xử lý đến nơi, đến chốn.

Phóng viên và Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường đi bắt “cát tặc” tại xã Hưng Thuận vào tháng 2.2014.
Đó là những lĩnh vực được Báo Tây Ninh phản ánh khá đậm nét và được bạn đọc quan tâm nhiều nhất, thể hiện qua 190 đơn thư và nhiều cuộc điện thoại của bạn đọc gọi đến Toà soạn trong năm 2014.
Mặc dù số lượng đơn thư gửi đến Toà soạn giảm nhiều so với năm 2013 (190/292 đơn), nhưng không vì thế mà trang báo Bạn đọc – Pháp luật của Báo Tây Ninh kém sôi động, bởi nhiều vấn đề “nóng” của xã hội được các phóng viên phản ánh khá thường xuyên trên mặt báo, được nhiều bạn đọc quan tâm theo dõi.
Vào tháng 2.2014, khi mà mọi người còn đang vui với không khí tết nguyên đán, thì nhiều bạn đọc đã phản ánh về Toà soạn tình trạng các bãi giữ xe tư nhân thu phí giữ xe quá giá, trái quy định tại Khu du lịch núi Bà Đen. Hiện tượng các nhân viên của bãi giữ xe đứng ngoài đường chèo kéo khách bằng gậy (giống công cụ hỗ trợ của lực lượng chức năng) đã gây phản cảm với nhiều du khách. Các phóng viên đã đi thực tế, kịp thời phản ánh sự việc trên và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, tình trạng thu tiền giữ xe giá “cắt cổ” phần nào kéo giảm.
Trong năm qua, từ phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo Tây Ninh đã làm rõ một cơ sở nuôi dạy trẻ có nhiều hoạt động mờ ám ở huyện Tân Châu hơn 2 năm qua, nhưng chính quyền địa phương “thiếu quan tâm”. Đó là “Gia đình cô nhi” của bà Nguyễn Thị Ánh ở ấp 2, xã Suối Dây, nhận nuôi những đứa trẻ không rõ nguồn gốc mà các ngành chức năng địa phương không xử lý đến nơi, đến chốn.
Đến khi Báo nêu lên những bất thường về mặt pháp lý- từ những giấy khai sinh của những đứa trẻ mà bà Ánh cung cấp cho cơ quan chức năng, giấy kê khai nguồn gốc... đến sự “mất tích” bí ẩn của một cháu bé từng được bà Ánh nuôi dưỡng tại đây, thì cơ quan chức năng huyện Tân Châu mới vào cuộc mạnh mẽ để xử lý. Thế nhưng một lần nữa, sự thiếu kiên quyết của các ngành chức năng huyện Tân Châu đã để cho nhóm người của bà Ánh kịp thời “tẩu tán” 5 đứa trẻ sang tận tỉnh Đồng Nai.
Rất may Chủ tịch UBND xã Suối Dây với tinh thần trách nhiệm cao đã nhanh chóng liên hệ với các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai, nên 5 đứa trẻ trên được đưa vào Trung tâm huấn nghệ và nuôi dạy trẻ mồ côi thành phố Biên Hoà. 3 đứa trẻ còn lại được các cơ quan chức năng huyện Tân Châu đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh.
Trên lĩnh vực đất đai, môi trường, đáng chú ý là những vụ việc xảy ra ở thành phố Tây Ninh, Hoà Thành, Châu Thành, Trảng Bàng… qua các bài viết. Trong đó có bài phản ánh một khu đất công nằm ở ngay trung tâm Thành phố, bị ông Cao Duy Hậu chiếm giữ trái phép để kinh doanh, nhưng chính quyền địa phương chậm xử lý, gây dư luận không tốt.
Sau khi báo phản ánh, chính quyền đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm, thực hiện việc cho thuê đất đúng quy định. Đáng chú ý hơn là tình trạng hàng loạt các hộ dân ven đường Phạm Văn Đồng thuộc xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành cất nhà, xây dựng công trình trái phép trên đất lúa khi chưa chuyển mục đích, nhưng chính quyền địa phương thiếu kiên quyết trong xử lý dẫn đến tình trạng “phạt cứ phạt, xây cứ xây”.
Có trường hợp cá nhân xây dựng công trình nhà ở, sân tennis, hồ bơi quy mô lớn, tạo dư luận xấu trong xã hội, người dân phản ánh đến Toà soạn và Báo Tây Ninh đã có bài phản ánh khá chi tiết thực trạng trên, sau đó ngành chức năng ra quyết định đình chỉ thi công công trình trên.
Cũng từ phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo Tây Ninh đã cùng ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thâm nhập thực tế và tận mắt chứng kiến hoạt động khai thác cát lậu ở xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng. Điều đáng nói là hoạt động này diễn ra thời gian khá dài, nhưng chính quyền địa phương “không biết”, dẫn đến việc gây sạt lở bờ sông, đất ven sông mất dần, ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều hộ dân. Sau khi đăng bài phản ánh tình trạng này, cơ quan chức năng đã xử lý đối tượng sai phạm và hiện nay tình trạng khai thác cát lậu trên địa phận xã Hưng Thuận giảm hẳn.
Vụ việc Công ty xử lý phế liệu rắn Việt Nam tại xã Hoà Hội, huyện Châu Thành chôn khoảng 800m3 chất thải xuống lòng đất, bị Cục Cảnh sát Môi trường phát hiện cũng được các phóng viên phát hiện và nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
Sự việc Nhà máy mì Đỗ Phủ ở ấp 6, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu gặp sự cố vỡ bờ bao ao chứa nước thải, làm hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng đến đời sống cũng được báo phản ánh, nhà máy và chính quyền địa phương cũng nhanh chóng khắc phục sự cố, ổn định cuộc sống người dân. Rồi hiện tượng cá chết hàng loạt diễn ra thường xuyên trên các kênh rạch Tây Ninh, sông Vàm Cỏ Đông... lần nào các phóng viên cũng có mặt kịp thời, quan sát, ghi nhận và phản ánh trên báo.
Lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý dự án xây dựng, quy hoạch đất đai… cũng được báo phản ánh khá chi tiết khi nhận được thông tin từ bạn đọc. Thực trạng bất cập trong quy hoạch “treo” đường sá, khu dân cư, công viên; hiện trạng xây dựng trái phép, xây dựng sai nội dung giấy phép, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ… đều được báo phản ánh đậm nét, liên tục, từ đó các cơ quan chức năng ở tỉnh đã kịp thời điều chỉnh, xử lý nghiêm, đúng pháp luật những trường hợp vi phạm.
Riêng sự kiện nhà đầu tư Nguyễn Văn Cư được giao thực hiện dự án Khu C-D Trung tâm thương mại Long Hoa nhưng cơ quan chức năng thẩm định năng lực tài chính chưa tốt, quá trình giám sát thực hiện đầu tư chưa chặt chẽ, nên dẫn đến tình trạng dự án kéo dài. Rồi nhà đầu tư bị các đối tác tố cáo, khiếu nại, gây mất ANTT cũng được báo phản ánh sâu sát, sau đó UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi dự án.
Trên lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, từ bức xúc của bạn đọc, phóng viên Báo Tây Ninh đã tìm hiểu và bước đầu xác định việc Ban quản lý xây dựng và đầu tư công trình huyện Hoà Thành, khi thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đã có nhiều sai phạm như: tạm ứng ngân sách số tiền hàng tỷ đồng không trả đúng đối tượng (đơn vị thi công công trình Huyện uỷ- UBND huyện và các công khác), nhưng gần 4 năm chưa thu hồi được. Vụ việc cho thấy việc quản lý dự án đầu tư xây dựng ở đơn vị này có nhiều dấu hiệu sai phạm, đang được ngành chức năng tiến hành thanh tra lại để xử lý đúng quy định pháp luật.
Mới đây nhất, cũng từ thông tin bạn đọc phản ánh, phóng viên Báo Tây Ninh đã tiến hành điều tra việc Công ty Tadashi lợi dụng danh nghĩa tổ chức hội thảo để bán hàng cho người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh với giá trên trời bằng những thủ đoạn tặng, bán hết sức tinh vi. Kết quả, sau khi báo đăng bài đầu tiên, Công ty Tadashi đã “bỏ hội thảo… chạy lấy người” và dần hé lộ một kiểu tiếp thị bán hàng thiếu chân chính.
Điểm lại những vụ việc nổi cộm trên, chúng tôi nhận thấy rằng, với nhiệm vụ được giao, các phóng viên phụ trách lĩnh vực bạn đọc đã tiếp nhận và xử lý khá tốt những thông tin từ bạn đọc, không phụ lòng tin từ bạn đọc, từ đó tạo niềm tin để bạn đọc gắn bó với tờ báo của Đảng bộ tỉnh nhà. Những bức xúc, phản ánh của bạn đọc từ thực tiễn cuộc sống, chuyển tải qua cơ quan báo tỉnh nhà là những thông tin quý giá để chính quyền các cấp nắm bắt và thực hiện chức năng “công bộc” của mình được tốt hơn.
Đối với những người làm báo, thường xuyên nhận và xử lý thông tin từ bạn đọc, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, vẫn còn những bài viết chưa góp phần giải quyết đến nơi, đến chốn những bức xúc của người dân nói chung và bạn đọc nói riêng. Bởi có những vụ việc bạn đọc phản ánh, chúng tôi đi xác minh, thu thập chứng cứ, phản ánh trên báo, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý của các ngành chức năng liên quan để chúng tôi trả lời bạn đọc.
Năm 2015 đến, bộ phận phóng viên trang Bạn đọc – Pháp luật sẽ tiếp tục cố gắng nhanh chóng và kịp thời hơn nữa để có thể nắm bắt và xử lý những thông tin người dân phản ánh tốt hơn, thật sự là kênh thông tin, là chiếc cầu nối giữa Đảng, chính quyền và người dân.
Phòng bạn đọc - tư liệu