Đầu tháng 4.1975, Trung ương Cục miền Nam mở hội
nghị khẩn cấp. Trong đó, giao nhiệm vụ cho Tây Ninh “…tự lực giải phóng
và khoá chặt đường rút lui của địch, quyết không cho chúng rút chạy về cố thủ
Sài Gòn…”.
 |
Bộ đội cách mạng vượt Cầu Quan vào
giải phóng thị xã Tây Ninh ngày 30.4.1975. |
Chấp hành Chỉ thị của Trung ương Cục, Tỉnh uỷ
Tây Ninh đề ra nhiệm vụ cụ thể cho các cấp trong tỉnh: “…Xã tự giải phóng xã,
huyện tự giải phóng huyện, không để địch rút chạy, co cụm, cố thủ sang địa bàn
khác; nhất là không cho chúng rút chạy về Sài Gòn…”.
Từ đầu tháng 4.1975 tại Tây Ninh, LLVT tỉnh có 3
tiểu đoàn (D14, D16, D18). Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng bộ tỉnh, đến ngày
25.4.1975 có gần một vạn thanh niên gia nhập lực lượng cách mạng (LLVT tỉnh đã
tăng lên 12 tiểu đoàn và các đại đội binh chủng, hàng nghìn dân công hoả
tuyến…), nhân dân đóng góp hàng trăm tấn gạo và hơn 200 triệu đồng cho chiến
dịch giải phóng tỉnh nhà, ta còn được trên tăng cường Trung đoàn 201 chủ lực
Miền. Ngày 26.4.1975, ta thực hành chiến dịch tổ chức tổng tiến công địch trên
toàn tỉnh: Khoá chặt quốc lộ 22, các tỉnh lộ 26, 19; bất ngờ, tiến công dồn dập
lực lượng địch trên toàn tỉnh. LLVT Tây Ninh đã thực sự đủ lực để hình thành thế
bao vây, tiêu hao, làm tan rã toàn bộ lực lượng địch trên địa bàn tỉnh. Ngày
29.4.1975, ta giải phóng huyện Trảng Bàng, làm chủ quốc lộ 22, phía Nam huyện
Toà Thánh, chợ Thương Binh, Trảng Dài, Bình Minh, Ninh Thọ (nay thuộc Ninh Sơn,
Thị xã), phía Tây huyện Châu Thành… Lực lượng cách mạng ở Tây Ninh cùng với toàn
chiến trường miền Nam đã mở đường cho 5 cánh quân chủ lực của ta áp sát Sài Gòn
từ 5 hướng.
Sáng ngày 30.4.1975, ta dùng máy bộ đàm kêu gọi
tỉnh trưởng nguỵ quyền đầu hàng tại sân vận động Long Hoa (công viên thị trấn
Hoà Thành ngày nay). Trước sức tiến công và bao vây của ta, lúc 11 giờ ngày
30.4.1975, Đại tá Bùi Đức Tài, Tỉnh trưởng Tây Ninh hạ lệnh cho nguỵ quân, nguỵ
quyền tại Tây Ninh phải buông súng đầu hàng. Tây Ninh đã hoàn toàn giải phóng.
30 phút sau, đại quân ta đánh chiếm Dinh Độc lập và các mục tiêu quan trọng của
bộ máy Trung ương nguỵ quyền, Sài Gòn-Gia Định và miền Nam được hoàn toàn giải
phóng.
Chiến thắng 30.4.1975 đã đi vào lịch sử dân tộc
như một trang vàng và mốc son chói lọi, một bản hùng ca bất diệt. Bài học lịch
sử chiến thắng 30.4.1975 là minh chứng hùng hồn về đường lối chiến tranh nhân
dân và nghệ thuật Quân sự độc đáo của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài
tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh mở ra thời đại mới cho
Tổ quốc ta.
Với những thành tích trong kháng chiến cứu nước,
năm 1980, nhân dân và LLVT tỉnh Tây Ninh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng
danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta
tiếp tục phong tặng nhiều phần thưởng cao quý trong sự nghiệp giải phóng dân tộc
và bảo vệ Tổ quốc cho các địa phương, các ngành, cho 411 Bà mẹ Việt Nam Anh
hùng, cho 38 cá nhân Anh hùng LLVT nhân dân. Chính phủ Vương quốc Campuchia cũng
tặng nhiều huân, huy chương cho quân và dân Tây Ninh do có thành tích trong việc
làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp bạn thoát khỏi hoạ diệt chủng trên đất nước
Chùa Tháp.
Qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, của Đảng uỷ, BCH QS tỉnh, LLVT tỉnh được trui
rèn từ sự hy sinh, chịu đựng gian khổ trong thực tiễn chiến tranh; được tổ chức,
chỉ huy chặt chẽ, được huấn luyện tốt và kỷ luật nghiêm, có trình độ về mọi mặt;
được các ban ngành, đoàn thể nhân dân tin yêu, đùm bọc, giúp đỡ. LLVT Tây Ninh
luôn là lực lượng nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc, tạo nên khối đoàn
kết thống nhất, thành sức mạnh vô địch để chiến thắng mọi kẻ thù hung bạo nhất.
Ngày nay bước vào giai đoạn cách mạng mới, phát
huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước và đấu tranh bất khuất
của dân tộc, của quê hương “Tây Ninh trung dũng kiên cường” trong sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, cách mạng Việt Nam đang đứng trước những
thời cơ và thách thức mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT Tây Ninh phải ra
sức học tập, rèn luyện, phấn đấu hơn nữa để thực hiện tốt 3 chức năng: Là đội
quân chiến đấu, công tác và lao động sản xuất trong xây dựng quân đội chính
quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ
của tình hình mới.
Thượng tá
TrẦn ĐiỀn Sinh
(Ban Khoa học - Lịch sử Quân sự, Bộ CHQS tỉnh)