Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhớ, vì cảnh sắc Lồ Cồ cứ để lại trong tôi cảm giác trống trải, heo hút. Con đường tuần tra biên giới ngoằn ngoèo uốn lượn, nổi cao ở giữa đồng bưng. Những cây cầu vổng cao phô mình giữa mênh mông trời nước.
Vâng! Tôi cũng đang nhớ đến miền đất từng mang tên Lồ Cồ đây! Dù mới đi qua hồi cuối tháng 10.2022 giữa mùa nước nổi. Nhớ, một phần cũng vì chưa ai, kể cả bác gái bán tạp hoá trong ấp cho đến anh Phó Chủ tịch UBND xã còn rất trẻ tên là Phước giải thích vì sao lại gọi Lồ Cồ.
Nhớ, vì cảnh sắc Lồ Cồ cứ để lại trong tôi cảm giác trống trải, heo hút. Con đường tuần tra biên giới ngoằn ngoèo uốn lượn, nổi cao ở giữa đồng bưng. Những cây cầu vổng cao phô mình giữa mênh mông trời nước. Xóm dân cư của ấp bên bờ sông Vàm Cỏ Đông khi nước tràn bờ giống một cù lao. Không ít đâu! Bà hàng tạp hoá bảo, xóm có tới gần 150 nóc nhà. Vậy là dân ấp Lồ Cồ xưa (Tân Định nay) đã biết quy tụ, tập họp sống bên nhau ngay từ thời mở đất.
Đấy là phương án tốt nhất khi người lưu dân tìm đến khai phá trên một vùng đất hoang vu, nhiều cọp dữ thú hoang và vắng bóng con người. Nhân đây cũng kể luôn rằng miền đất xã Biên Giới đã có đơn vị hành chính chính thức từ năm 1877. Mục từ Khán Xuyên trong sách Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ (Nxb Chính trị Quốc Gia, năm 2008) ghi rằng: “Khán Xuyên là tổng thuộc hạt tham biện Tây Ninh từ 16.8.1877 trên phần đất hữu ngạn sông Vàm Cỏ gồm các làng mới lập cùng ngày…”.
Trong 6 tên làng được kể ra có làng Đây Xoài Praha Miết và Tan Heng Prey Chẹt, ngày 17.12.1936 tách làng Bình Thạnh (Việt hoá làng Prey Chẹt) sang tổng Mỹ Ninh, quận Trảng Bàng. Do vậy, sau năm 1956 thì tổng Khán Xuyên vẫn thuộc quận Châu Thành nhưng chỉ còn 5 xã: Phum Xoài, Ta Pang Robon, Praha Miêt, Đây Xoài, Tà Nốt.
Đến ngày 28.3.1957 thì tổng Khán Xuyên (cùng 2 tổng Bang Chrum và Tabal Jul) đều nhập vào tổng Chơn Bà Đen. Ngày 4.3.1958 đổi tên tg Chơn Bà Đen thành tổng Lộc An. Các xã cũng được đổi sang tên mới. Đây Xoài trở thành xã Phước Lộc, chính là xã Biên Giới ngày nay.
Xã Biên Giới trải dài theo biên giới, suốt từ Tân Định tới Tân Long trên chiều dài gần 18km đường biên. Do vậy, qua cầu Tân Định 2 chỉ hơn cây số nữa là đã thấy những phum, sóc trải ra bên đất bạn. Nhưng ngôi nhà sàn màu đỏ màu xanh nhô lên giữa các vườn cây. Cánh đồng xanh như tấm thảm xanh non trải dọc.
Thốt nốt cô đơn hay mọc thành từng khóm trải ra trên khắp cánh đồng. Thấp thoáng cả mái chùa tháp Khmer màu tươi đỏ… Cảnh sắc hai bên thật hiền hoà, tươi sáng. Điều đó không thể không gợi nhớ đến những trang sử bi thương do tội ác của Khmer đỏ năm nào.
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005), năm 2010 còn ghi: “Trong năm 1976 xảy ra gần 200 vụ xô xát, khiêu khích, 20 người dân Việt Nam đi làm ăn trên biên giới bị chết vì trái gài, bị chúng bắt giết hoặc mất tích, hàng trăm trâu bò bị chết, bị thương trên các khu vực Ba Chàm (huyện Châu Thành), Kà Tum (Tân Biên), Long Thuận (Bến Cầu)…”. Ba Chàm nay chính là ấp Tân Long, mà cột cây số ở đầu cầu Tân Định 2 ghi là còn cách 11km.
Còn sách Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Dương Minh Châu (2015) kể về chuyện Đại đội 31 của huyện lên giúp nhân dân xã Biên Giới khắc phục hậu quả chiến tranh hồi năm 1979. Khi ấy: “Tại xã Biên Giới, 90% nhà ở của dân bị giặc đốt phá, hơn 80% hộ dân tài sản bị giặc cướp sạch; 70% diện tích ruộng, vườn bị hoang hoá.
Hàng vạn các loại trái nổ nằm rải rác khắp xóm ấp do giặc và cả do ta gài lại. Nhiều ấp trước chiến tranh là nơi trù phú, sau chiến tranh cây, gai, cỏ dại mọc thành rừng… nhân dân phần lớn đi sơ tán…”. Sách viết tiếp: “Nét văn hoá của người Việt là không ở đâu bằng quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, nơi có mồ mả tổ tiên ông bà…
Bà con đã bồng bế nhau díu dắt trở về với bàn tay trắng. Bộ đội cùng với dân dựng lại nhà cửa…” để có được một ấp dân cư Tân Định (Lồ Cồ) hôm nay trùm trong bóng cây xanh như mọi làng quê Việt có lâu đời trên đất Tây Ninh. Nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu khi đi trên những con đường tuần tra biên giới xuyên qua ấp.
Hay là thiếu những con đường xe bò “lộc cộc lồ cồ” thuở trước. Bởi tất cả đã láng lẫy bê tông xi măng hay bê tông nhựa. Và còn nữa! Là còn thiếu một màu lúa mơn mởn xanh trên những cánh đồng. Bởi vào tháng 10 tôi lên thì nước đã tràn đồng, trắng xoá khắp đồng bưng…
Thế nhưng, nỗi nhớ của tôi, của bạn hay những gì ghi trong sách sử cũng không đáng là bao. Nếu so với nỗi nhớ của học sinh và các thầy cô giáo Trường Hoàng Lê Kha trong kháng chiến chống Mỹ. Theo chủ trương của Tỉnh uỷ Tây Ninh, được Khu uỷ miền Đông Nam bộ chấp thuận, trường được thành lập vào quý III năm 1962.
Đến nay cũng đã tròn 60 năm. Theo bà Lê Thị Bân- nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh, nguyên giáo viên của trường từ năm 1968 thì: “Trường Hoàng Lê Kha được thành lập sớm nhất ở miền Nam, trước cả Trường Nguyễn Văn Trỗi… Trường Hoàng Lê Kha đã đào tạo, cung cấp nguồn cán bộ cho tỉnh nhà. Chính vì vậy, có nhiệm kỳ, rất đông các đồng chí từng là thầy, cô và học sinh của trường tham gia Ban Thường vụ Tỉnh uỷ…”.
Một số học sinh đến từ các tỉnh miền Đông, sau này cũng trưởng thành là lãnh đạo quản lý hay nhà khoa học. Như ông Nguyễn Minh Tân- nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai hay Tiến sĩ Hồ Thị Như Liên ở TP. Hồ Chí Minh… (sách Truyền thống và hồi ký Trường Hoàng Lê Kha (1962-1975)- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh, năm 2017).
Trong hồi ký của sách trên, lớp học sinh đầu tiên của trường đã kể đến rất nhiều địa danh nay thuộc ấp Tân Định (Lồ Cồ). Những cầu Đương, Rạch Tre hay rạch Lồ Cồ. Ông Tân không thể quên tấm gương hy sinh của anh Hiệp, Bí thư Đoàn bên Rạch Tre; khi anh phát hiện máy bay địch đang rà soát trên sông, đã một mình chèo xuồng ra giữa dòng, đánh lạc hướng địch để bảo vệ cho 10 em học sinh Hoàng Lê Kha đang tắm trên bến Cây Xoài (Phước Vinh): “Chiếc L19 phóng rốc két về phía chiếc xuồng. Anh trúng đạn và bị thương. Anh đã thể hiện một bản chất, một hình ảnh tuyệt vời của người cộng sản kiên trung, anh dũng, quên mình vì đồng bào…”.
Tiến sĩ Hồ Thị Như Liên thì kể lại những kỷ niệm không thể nào quên về những ngày ở Căn cứ Rạch Lồ Cồ, khi giặc càn quét thì thầy cô lại dẫn học trò chạy lánh qua bên kia biên giới… Ông Trần Văn Châu, cựu học sinh Hoàng Lê Kha (1962-1969) kể về những năm 1965-1966, trường được phiên chế thành các trung đội tham gia chiến đấu chống càn. Trong đó có trận phối hợp Đoàn Văn công Tây Ninh đánh Mỹ trong trận càn Attleboro tháng 10.1966. Khi ấy là: “Tuy đóng ở Đồi Thơ nhưng trường vẫn tổ chức sản xuất bên rạch Lồ Cồ…”.
Trung tướng Nguyễn Minh Dũng- nguyên Tổng Cục phó Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an, cựu học sinh và giáo viên Trường Hoàng Lê Kha những năm 1963 đến 1971, thì ôn lại những chặng đường mà “Trường Hoàng Lê Kha nâng bước tôi đi”, trong đó có đoạn kể về “thầy cô và học sinh lớn của trường cùng với Ban Tuyên huấn đi dân công phục vụ chiến trường” trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Khi ấy: “Từ căn cứ Gò Cầy, học sinh đi vác đạn ở Cầu Đương, qua Tà Păng, về Trà Vong, phần lớn là đạn DK, cối 82 phục vụ chủ yếu cho Đại đội 5 pháo chủ lực (C5)…”, biết bao là kỷ niệm không quên. Lồ Cồ đã khắc sâu vào ký ức một thời gian khổ và cũng là tươi đẹp nhất của thầy và trò của một ngôi trường kháng chiến.
TRẦN VŨ