Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhiều gia đình lắp đặt camera giám sát nhưng không đổi mật khẩu khiến lộ hình ảnh riêng tư hay bị tin tặc theo dõi.
Đang nửa đêm, chị Ánh Hồng (Vĩnh Phúc) nhận được điện thoại từ thợ lắp camera giám sát cho gia đình. Người này thông báo rằng nhà chị đang có một số đối tượng lai vãng xung quanh và khuyên chị nên cẩn thận. Chị ra ngoài kiểm tra và quả thực đúng như lời người thợ kia nói.
Nhờ lời nhắc, gia đình chị Hồng hôm đó an toàn, nhưng bản thân chị lại nảy ra một mối lo khác: Người thợ kia có thể theo dõi được nhà chị từ xa. Mặc dù người thợ sau đó cũng giải thích rằng họ đang trong quá trình kiểm tra xem những camera mới lắp hoạt động có ổn định không, nhưng chị cũng không khỏi băn khoăn.
Bộ đôi camera này được chị Hồng đặt của một cửa hàng gần nhà với giá hơn 3 triệu đồng. Trong đó, một chiếc lắp ngoài sân, một chiếc đặt trong phòng khách và có thể nhìn thấy cả phòng ngủ. Gia đình chị sau đó đã đề nghị cửa hàng giúp đổi mật khẩu, điều chỉnh lại góc camera tránh xa những khu vực nhạy cảm, đồng thời hủy ý định lắp camera trong phòng ngủ của con cái.
Khác với chị Hồng, Ngọc Hà (Hà Nội) cũng từng "tá hỏa" khi phát hiện ra hình ảnh của nhà mình xuất hiện trên mạng xã hội. Sau khi tìm hiểu, hóa ra đơn vị lắp đặt đã mượn hình ảnh từ camera nhà chị Hà để quảng cáo cho thiết bị của cửa hàng. Mật khẩu truy cập chị Hà đã cung cấp cho họ trong một lần nhờ bảo trì từ xa.
Camera giám sát tiềm ẩn nhiều nguy cơ rò rỉ thông tin nếu người dùng chủ quan. Ảnh: Lưu Quý.
Việc hình ảnh từ camera giám sát của gia đình bị rò rỉ ra ngoài không hiếm ở Việt Nam. Ngoài việc "lén" vào xem camera của khách hàng, sưu tầm những đoạn video từ camera giám sát để đăng lên mạng quảng cáo, một số nhân viên lắp camera còn lợi dụng việc nắm được quyền truy cập, trích xuất những hình ảnh nhạy cảm của khách hàng đăng lên web "đen".
Theo anh Lưu Hải, một người kinh doanh camera giám sát tại Vĩnh Phúc, do camera giám sát hiện nay thiết lập vẫn phức tạp, hầu hết chủ nhà đều giao toàn quyền cho đơn vị lắp đặt và hiếm khi hỏi về các vấn đề liên quan đến an toàn thông tin. Với IP camera (camera có thể điều khiển, theo dõi qua mạng Internet), nhiều chủ nhà sợ quên mật khẩu, hoặc đôi khi cần hỗ trợ từ xa, nên cũng giao luôn thông tin đăng nhập cho nhân viên kỹ thuật.
"Mục đích giữ tài khoản là để hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng, nhưng nếu gặp nhân viên này có ý đồ xấu, hoặc vô tình cửa hàng để lộ mật khẩu của khách thì hậu quả khó lường", anh nói. Theo anh Hải, người dùng camera an ninh, nếu không rành kỹ thuật, hãy chọn cho mình các đơn vị uy tín để lắp đặt.
Tuy nhiên, một số đơn vị lắp đặt không chịu đổi mật khẩu mà dùng luôn mật khẩu mặc định của hãng, dẫn đến tin tặc có thể quét và truy cập hàng loạt. Năm 2015, một website đã tổng hợp hình ảnh trực tiếp từ hàng chục nghìn camera giám sát trên khắp thế giới. Đây là các camera không được đặt mật khẩu bảo vệ, hoặc dùng mật khẩu mặc định của nhà sản xuất. Website này hiện vẫn tồn tại và trong danh sách cũng có hàng trăm camera với địa chỉ IP từ Việt Nam.
Nhiều camera bị chia sẻ hình ảnh lên mạng vì sự tắc trách của nhân viên lắp đặt.
Ngoài lý do lộ mật khẩu, một yếu tố khác gây rò rỉ hình ảnh đến từ chính thiết bị. Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Mạng máy tính và Truyền thông Đại học Công nghệ thông tin TP HCM, những mẫu camera giá rẻ tiềm ẩn hiểm họa bảo mật. Với camera giá rẻ, nguy cơ bị đánh cắp thông tin, bị theo dõi cao hơn rất nhiều, do nhà sản xuất ít chú tâm hơn ở khâu bảo mật, thậm chí cài vào những thứ đáng ngờ.
Để camera giám sát phát huy tối đa tác dụng và hạn chế những rắc rối có thể xảy ra, các chuyên gia khuyên người dùng nên chọn đơn vị cung cấp uy tín, camera của thương hiệu có tên tuổi, đồng thời tự đặt mật khẩu cho tài khoản giám sát từ xa. Ngoài ra, người dùng cũng hạn chế lắp đặt IP camera ở những nơi nhạy cảm như phòng ngủ, phòng tắm, nơi chứa tài sản giá trị...
Nguồn VNE