Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Có nhiều ý kiến lo ngại, nếu bỏ biên chế suốt đời, người lao động khó an tâm làm việc, vì vừa làm vừa lo sau 3 năm không biết có được người đại diện cho Nhà nước ký hợp đồng nữa hay không.
Thí sinh dự thi tuyển dụng viên chức tại Trường CĐSP Tây Ninh.
DÀNH CHỖ CHO NGƯỜI CÓ TÀI
Cách nay chỉ vài ngày, trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tiến đến bỏ biên chế suốt đời. “Quán triệt nghiêm túc các nghị quyết Trung ương và kết luận của Bộ Chính trị, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đã được phân công, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương tinh giản biên chế, chính sách tinh giản biên chế đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, trong đó chú trọng công tác hoàn thiện thể chế.
Rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; xây dựng đề án vị trí việc làm phù hợp; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trước mắt, Chính phủ sẽ bổ sung biên chế sự nghiệp y tế, giáo dục cho một số địa phương tăng dân số cơ học để bảo đảm nguyên tắc có học sinh có giáo viên đứng lớp, có người bệnh có cán bộ y tế theo kết luận của Bộ Chính trị.
Có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ “biên chế suốt đời”. Kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khoẻ, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.
Chú trọng công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thực chất; tăng cường tự thanh tra, kiểm tra công vụ, phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm. Thực hiện nghiêm túc việc phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm để đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ phẩm chất, năng lực trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…”- trích văn bản của Thủ tướng Chính phủ trả lời đại biểu Quốc hội.
Sau khi Quốc hội thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và mới nhất, sau khi Thủ tướng đã có văn bản trả lời, nhiều ý kiến tiếp tục bày tỏ sự quan tâm về câu chuyện nêu trên.
Theo ý kiến của ông Trịnh Ngọc Phương- Bí thư Huyện uỷ Tân Biên, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh, chủ trương bỏ biên chế suốt đời là cần thiết và đúng đắn. “Hiện nay, biên chế đã và đang là một bài toán khó đối với Chính phủ. Mặc dù chính sách tinh giản biên chế đã đạt được phần nào kết quả nhưng số lượng người làm công ăn lương vẫn rất nhiều.
Tổ chức bộ máy, như đã đề cập nhiều lần, còn cồng kềnh, hiệu quả hoạt động, năng suất lao động chưa cao. Mặt khác, chủ trương của Đảng và Nhà nước là thu hút những người thật sự có trình độ, có khát vọng cống hiến vào làm việc trong khu vực công mà chúng ta thường nghe nói là thu hút nhân tài. Vấn đề đặt ra là, mình thu hút, kêu gọi họ về phục vụ, cống hiến nhưng hết biên chế rồi, còn chỗ đâu sắp xếp? Đã đề cao và triển khai thực hiện chính sách đào tạo, thu hút người có tài mà lại cứ duy trì chính sách như hiện nay thì không có cách nào bố trí việc làm cho người tài.
Nếu một lãnh đạo hết tuổi, nghỉ hưu hoặc vì một lý do đặc biệt nào đó, bị kỷ luật chẳng hạn mới rời khỏi vị trí đang ngồi. Chờ đến đó thì rõ ràng cơ hội dành cho những người có trình độ, tâm huyết đã qua mất rồi”- ông Trịnh Ngọc Phương nói.
Nếu không bỏ biên chế suốt đời, tiếp tục duy trì chính sách như hiện tại thì làm thế nào để cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức? Trả lời câu hỏi này, ông Phương đề xuất: “Trước hết phải rà soát thật nghiêm túc để loại bỏ, sa thải những người không có khả năng làm việc hoặc chây ỳ, không chịu làm việc. Tiếp theo, trao quyền cho người đứng đầu được quyền tuyển dụng cũng như có quyền sa thải người lao động.
Thực tế hiện nay, việc tuyển một công chức, viên chức thì dễ nhưng để sa thải họ là không đơn giản, trừ khi người đó liên tiếp hai năm không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm pháp luật. Có một thực tế chúng ta nên nhìn nhận thẳng thắn, đó là chuyện đánh giá, xếp loại công chức, viên chứcphần lớn không chính xác, bởi vì việc làm đó còn nặng tính hình thức. Điều này giải thích vì sao, việc sa thải một công chức, viên chức vô cùng khó khăn, dù thái độ, ý thức lao động, hiệu quả làm việc thấp”.
Có nhiều ý kiến lo ngại, nếu bỏ biên chế suốt đời, người lao động khó an tâm làm việc, vì vừa làm vừa lo sau 3 năm không biết có được người đại diện cho Nhà nước ký hợp đồng nữa hay không. Về vấn đề đó, theo đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương, một khi đã quyết định bỏ biên chế suốt đời thì nên nhìn nhận vấn đề đó theo một hướng khác. Đó là gì? công chức, viên chức phải ý thức rằng, tiền lương hằng tháng mà mình lãnh là từ nguồn ngân sách, nói khác đi, đó là tiền thuế của người dân.
Do vậy, đòi hỏi người làm công ăn lương phải thật sự nghiêm túc, tận tuỵ trong công việc, nhiệm vụ được giao. Tới đây, Nhà nước trả lương theo vị tri việc làm, đồng thời căn cứ vào năng suất lao động để đánh giá, xếp loại công chức, viên chức. “Anh cần biết rằng, nếu anh có ý thức, thái độ làm việc đàng hoàng, hoàn thành nhiệm vụ được giao thì không ai vô cớ sa thải anh được.
Đồng tiền Nhà nước bỏ ra thì Nhà nước có quyền đòi hỏi anh phải làm xứng đáng chứ không phải để anh “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Anh làm việc tốt thì anh tồn tại, không ai làm gì anh hết. Còn nếu không, trong cơ quan, chuyện có vào có ra, có đến có đi là bình thường.
CHỈ NÊN ÁP DỤNG ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC ?
“Theo tôi, chủ trương bỏ chế độ biên chế suốt đời đối với viên chức là đúng. Nhưng đối với công chức thì nên giữ, duy trì chính sách như hiện nay”- ông Phan Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ bày tỏ quan điểm. Là người giàu kinh nghiệm về công tác tổ chức, cán bộ, ông Phan Văn Sử phân tích, những người làm trong bộ máy Nhà nước, ở đây là công chức, lãnh đạo khi có vấn đề gì đó buộc phải áp dụng các biện pháp chế tài hoặc thôi việc hoặc nghỉ hưu theo nguyện vọng thì đó là điều bình thường.
Nhưng nếu những công chức, lãnh đạo không gặp phải các tình huống nêu trên thì nên duy trì chính sách như hiện nay để bảo đảm tính hài hoà, có như thế đội ngũ công chức mới yên tâm làm việc. Tất nhiên, chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhưng rõ ràng, nếu bỏ luôn biên chế đối với công chức thì không phải không có những băn khoăn. “Bỏ biên chế đối với viên chức thì dễ hiểu, vì thực chất đó là những người hợp đồng theo công việc. Còn bỏ luôn biên chế đối với công chức thì hơi... căng, vì công chức là cái khung sườn của bộ máy Nhà nước, không thể cho nghỉ việc một cách đơn giản”- ông Phan Văn Sử nói.
Trước băn khoăn về việc người lao động (viên chức) lo sợ bị sa thải sau khi đã bỏ biên chế, ông Phan Văn Sử nhìn nhận, viên chức là người làm việc theo hợp đồng công việc và những băn khoăn đó cũng có lý do chính đáng. Vậy làm thế nào để phòng ngừa chuyện sa thải người lao động theo cảm tính? Theo ông Phan Văn Sử, cần phải có chế tài, ràng buộc người đứng đầu để họ- những người sử dụng viên chức bảo đảm quyền lợi cho viên chức một cách công bằng, khách quan, hợp lý nhất để không xảy ra chuyện thích thì dùng không thích thì cho thôi việc. Để làm được điều đó phải xây dựng hành lang pháp lý để hai bên, gồm người sử dụng viên chức và viên chức ý thức được trách nhiệm, quyền hạn của mỗi bên, không để xảy ra lạm quyền.
BỎ CHẾ ĐỘ TUYỂN THẲNG ĐỐI VỚI THỦ KHOA
Liên quan đến công tác tuyển dụng công chức (lưu ý là công chức, không phải viên chức) không qua thi tuyển, trung tuần tháng 5 vừa qua, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được quy định từ năm 2010.
Theo tinh thần của Thông tư 03, nhóm đối tượng thuộc trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, tức tuyển dụng và bổ nhiệm thẳng đã có sự thu hẹp.
Cụ thể, nhóm đối tượng được tuyển thẳng (trường hợp đặc biệt) bao gồm: viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đã có thời gian làm viên chức từ đủ 5 năm trở lên, tính từ thời điểm được tuyển dụng viên chức, không kể thời gian tập sự; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang và người làm công tác cơ yếu, đã có thời gian công tác từ đủ 5 năm trong lực lượng vũ trang hoặc làm công tác cơ yếu, tính từ thời điểm có quyết định tuyển dụng chính thức vào quân đội, công an hoặc tại các tổ chức của lực lượng cơ yếu….
Do kỹ thuật văn bản và khuôn khổ bài viết không tiện liệt kê hết các nhóm đối tượng được tuyển thẳng. Tuy nhiên, có hai nhóm đối tượng đã bị loại bỏ khỏi chế độ tuyển thẳng, gồm người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước và người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài.
Như vậy, sau một thời gian dài áp dụng, chế độ tuyển thẳng vào vị trí công chức đối với những sinh viên đạt danh hiệu thủ khoa cả trong và ngoài nước đã bị loại bỏ. Không thấy sự giải thích nào từ cơ quan xây dựng chính sách. Song nguyên nhân của việc thu hẹp diện tuyển thẳng có lẽ xuất phát từ thực tế: văn bằng chưa chắc đã phản ánh đúng trình độ người học và nhất là khi làm việc trong môi trường thực tế. Cũng có một giả thiết khác, những thủ khoa không mặn mà gì vào làm việc trong cơ quan hành chính, sự nghiệp.
Được biết, Thông tư 03 này có hiệu lực từ ngày 1.7.2019.
VIỆT ĐÔNG