Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đó là câu hỏi của nhiều hộ dân sống gần đập Tha La (khu phố 4, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu), nhất là những hộ đang nuôi cá bè trong lòng suối.
Ngay phía dưới phao đập Tha La bốc mùi hôi và có rất nhiều bọt khí trôi nổi kéo dài hàng trăm mét (ảnh chụp ngày 5.4.2017)
Đỉnh điểm mùi hôi của nước thải khoai mì bốc lên dữ dội ngay tại đập Tha La vào khoảng từ ngày 1 đến ngày 5.4.2017. Một tiểu thương bán cá ngay gần con đập kể lại: “Nước suối trở nên khác thường, lúc đập không xả nước thì lớp váng xanh dồn ứ tại đó. Khi đập xả nước, lớp ô nhiễm tuôn đổ về hướng hạ lưu, nước ngay điểm xả có màu vàng đục, nhiều bọt khí nổi trên bề mặt, bốc mùi hôi thối, ai đi ngang cũng phải bịt mũi”.
Một tiểu thương khác tiếp lời, chỉ tội nghiệp cho mấy ông nuôi cá bè, cá chết, thua lỗ nặng. Cá trong suối tự nhiên cũng không chịu nổi, mấy đêm trước mọi người rủ nhau đi vớt cá “ngộp” về bán.
Điển hình là trường hợp của anh Mai Văn Vương (ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Châu), anh làm nghề phơi xác mì, vợ chồng cố gắng làm lụng gom góp được ít tiền đầu tư nuôi bè cá diêu hồng ngay phía trên con đập.
Ngày 2.4.2017 vừa qua, 700kg cá diêu hồng sắp đến kỳ thu hoạch của anh Vương đều bị chết ngộp, anh nghi ngờ là do chính nguồn nước ô nhiễm gây ra: “Bởi trước khi nước suối bốc mùi, cá của tôi nuôi vẫn khoẻ mạnh bình thường. Thay vì bán được giá 40.000 đồng/kg, gặp phải tình trạng này chỉ bán tháo cho người ta xay cá mồi được 6.000 đồng/kg, ước tính thiệt hại khoảng 25 triệu đồng”, anh Vương cho biết.
Chủ nhân của bè cá diêu hồng bị “bức tử” dùng vỏ lãi chở chúng tôi đi xem xác cá còn sót lại trong suối. Ngược dòng về hướng thượng nguồn, quả đúng là có cá lăng, cá mè hoa, cá dảnh, rô phi chết trôi nổi trên mặt nước nhưng rải rác chứ không tập trung. Anh Vương giải thích, sống trong nguồn nước ô nhiễm, cá dưới suối thường “nổi đầu” vào khoảng từ 2 đến 4 giờ sáng, mấy đêm trước người ta tranh thủ rủ nhau đi vớt về bán hoặc xay cá mồi, những xác cá trôi dạt này là số ít còn sót lại.
Được biết, tháng 4.2015, bè cá chình (một loại cá đặc sản có giá trị cao) của anh Trương Công Dũng (cùng ngụ khu phố 4) cũng bị chết theo kiểu tương tự. “Ước tính thiệt hại vào thời điểm đó khoảng 300 triệu đồng, có cơ quan chức năng vào chứng kiến và lấy mẫu nước về thử nghiệm, nhưng rồi tình trạng này vẫn cứ lặp lại. Bà con chúng tôi rất muốn biết lò mì nào phía trên thượng nguồn là thủ phạm”, anh Dũng đặt câu hỏi.
Có mặt tại đập Tha La vào ngày 5.4.2017, chúng tôi nhận thấy đúng là có mùi hôi giống như mùi chất thải khoai mì bốc lên từ dòng suối. Ngay phía dưới phao đập có rất nhiều bọt khí trôi nổi kéo dài hàng trăm mét vẫn không tan. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần làm rõ nghi vấn của người dân.
Quốc Sơn