Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sau nhiều năm chờ đợi, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, ngoại ngữ thứ hai và tin học đã chính thức được loại bỏ.
Học sinh hệ giáo dục thường xuyên trong giờ học vi tính.
Theo quy định mới nhất về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập vừa được Bộ GD - ĐT ban hành (tất cả bốn thông tư) từ ngày 20.3.2021, các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, ngoại ngữ thứ hai sẽ được loại bỏ hoàn toàn.
Ngoài việc lương giáo viên được xếp theo thứ hạng của từng chức danh đối với giáo viên mầm non, phổ thông, quy định mới nhất liên quan đến trình độ đào tạo không còn đề cập đến chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và ngoại ngữ thứ hai.
Cụ thể, đối với giáo viên mầm non chỉ còn yêu cầu có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tuỳ theo thứ hạng. Đối với giáo viên tiểu học, thông tư mới nhất quy định có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Giáo viên có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tuỳ theo từng thứ hạng chức danh. Giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.
Đối với giáo viên cấp trung học cơ sở, có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưỏng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.
Tương tự, giáo viên cấp trung học phổ thông có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học phổ thông theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. G
iáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Trường hợp giáo viên trung học phổ thông mới được tuyển dụng thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.
Những quy định nêu trên thay thế hoàn toàn các quy định được ban hành trong nhiều giai đoạn trước, gần đây nhất là năm 2015.
Quy định viên chức nói chung, viên chức ngành giáo dục nói riêng phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và ngoại ngữ thứ hai (đối với giáo viên ngoại ngữ) đã từng gây ra nhiều bất cập, tiêu cực. Tại nhiều kỳ họp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng đã chất vấn lãnh đạo Bộ GD - ĐT, Bộ Nội vụ về loại “giấy phép con” này. Hai vị Bộ trưởng cũng nhiều lần hứa với cử tri, Quốc hội là sẽ sớm bỏ những quy định, điều kiện nặng tính hình thức, thiếu tính thực chất.
Nay, bằng loạt thông tư mới ban hành, viên chức ngành giáo dục như thoát được cảnh “chạy chứng chỉ”. Bộ trưởng Bộ GD -ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giữ đúng lời hứa, loại bỏ giấy phép con.
Riêng viên chức các ngành còn lại, Bộ Nội vụ cũng đã bắt đầu thực hiện lời hứa bằng việc dở bỏ một số quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, tuỳ theo nhóm đối tượng. Tuy vậy, đến thời điểm này, Bộ Nội vụ vẫn chưa thực hiện một cách dứt khoát như Bộ GD - ĐT.
Đ.V.T