Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Loại rau tính mát giải nhiệt ngày nóng
Thứ ba: 18:45 ngày 23/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Rau má, diếp cá, rau muống, dền, mồng tơi... nhiều nước giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể.

Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Rau má thường dùng để làm thuốc sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, mụn nhọt, rôm sảy. 

Rau má có thể ăn sống, luộc hoặc nấu canh, xay lấy nước uống, trộn salad với thịt bò xào hay muối dưa. Tuy nhiên, ăn quá nhiều rau má có thể gây choáng. Người đang dùng thuốc hạ đường huyết, thuốc giảm đau hay hạ huyết áp nên thận trọng bởi rau má có thể làm tăng tác dụng của thuốc.

Diếp cá mọc hoang khắp nơi, thường ở vùng đất ẩm, làm rau ăn hoặc dùng làm thuốc. Diếp cá kích thích tiêu hóa, tăng mùi vị món ăn, tạo cảm giác ngon miệng. Rau có tác dụng kháng khuẩn, diệt ký sinh trùng... Ăn diếp cá giúp giảm cân, giữ dáng, lợi tiểu, giải độc, chữa bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, mùi vị lá diếp hơi tanh nên khá kén người ăn.

Diếp cá có thể ăn sống, xay lấy nước, làm nộm hoặc dưỡng trắng da. 

Ở nước ta rau dền có nhiều loại, phổ biến là rau dền xanh và rau dền đỏ.

Thân và lá dền vị ngọt, nhiều protid, lipid, glucid, vitamin, sắt và chất khoáng rất tốt cho sức khỏe. Rau dền cũng dồi dào lượng canxi lại không chứa axit oxalic nên cơ thể rất dễ hấp thu.

Rau dền có thể luộc, nấu canh ăn kèm với cà hoặc xào với tỏi, hành...

Theo Đông y, rau muống vị ngọt nhạt, tính mát, tác dụng giải độc, thông đại tiểu tiện, chữa táo bón, đái rắt. Thành phần trong rau muống gồm 90% nước, 3 g chất xơ, 3 g protein, vitamin C, vitamin E, chất béo, khoáng chất như sắt, kẽm, magie.

Rau muốn được trồng trọt nơi ao hồ nên dễ nhiễm nhiều loại ký sinh trùng có thể gây đầy bụng, khó tiêu, dị ứng. Do đó khi sơ chế rau muống cần rửa sạch, ngâm muối và phải nấu chín.

Hạn chế ăn rau muống nếu bạn bị gout, viêm nhiễm đường tiết niệu do sỏi thận, huyết áp cao. Người đang có vết thương mềm ngoài da, ăn rau muống dễ để lại sẹo lồi. Người đang điều trị nội khoa, ngoại khoa hoặc bị đau xương khớp, viêm, đau nhức, cũng không nên ăn.

Theo lương y Bùi Hồng Minh, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội, lá rau ngót tính mát nên nấu chín sẽ bớt lạnh. Ngoài tác dụng thanh nhiệt, giải độc, rau ngót còn lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ. Rễ rau ngót vị hơi đắng, lợi tiểu, thông huyết. Lá rau ngót chữa ban sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt, tiêu độc. 

Rau ngót nấu canh giải nhiệt mùa hè, giải rượu, bồi dưỡng sau sinh, chữa nám da, nhức xương. Không nên vò rau kỹ trước khi nấu vì có thể làm mất đi đáng kể lượng vitamin.

Phụ nữ có thai không nên ăn rau ngót bởi có thể gây co thắt tử cung dẫn đến sảy thai.

Theo Đông y, rau mồng tơi có tính hàn, vị chua, tán nhiệt, mát máu, lợi tiểu, giải độc, đẹp da, trị rôm sảy mụn nhọt hiệu quả… rất thích hợp trong mùa nóng. Chất nhầy pectin của mồng tơi phòng chữa nhiều bệnh, giúp rau có tác dụng nhuận tràng, chống béo phì, thích hợp cho người có lượng mỡ và đường cao trong máu. 

Ngoài ra, rau mồng tơi chứa axit folic có lợi với phụ nữ mang thai, giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh bẩm sinh ở thai nhi như nứt đốt sống, đồng thời tăng cường sức khỏe tim mạch và phòng chống ung thư.

Rau mồng tơi có thể nấu canh với ngao, hến, thịt. 

Nguồn VNE

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục