Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Loạt tuyên bố mạnh miệng hé lộ số phận của Ukraine dưới nhiệm kỳ hai của Trump
Thứ hai: 03:30 ngày 28/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rất nhiều về cuộc chiến của Nga ở Ukraine, thường đưa ra những khẳng định táo bạo về việc ông sẽ làm gì nếu tái đắc cử.


Ông Trump từng đổ lỗi cho ông Zelensky vì đã để chiến tranh bắt đầu (Ảnh: Getty)

Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump nhiều lần nói rằng ông muốn xung đột chấm dứt nhưng lại chưa đưa cụ thể kế hoạch về cách mà ông sẽ giải quyết nó, đồng thời vẫn khá mơ hồ về việc Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

Mick Ryan, một thiếu tướng đã nghỉ hưu và là nhà quan sát chiến tranh Ukraine nổi tiếng, cho biết có rất nhiều lựa chọn mà chính quyền Trump có thể đưa ra. “Cố gắng dự đoán những gì chính quyền Trump có thể làm là rất khó, bởi có rất nhiều điều có thể xảy ra”, ông nhận định.

Ukraine đã nhiều lần yêu cầu Nga phải rời khỏi lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, bao gồm cả Crimea, như một phần của thỏa thuận hòa bình (Ảnh: Getty)

Đàm phán để chấm dứt chiến tranh

Ứng cử viên đảng Cộng hòa đã ca ngợi "mối quan hệ rất tốt" của ông với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông nói rằng chiến tranh sẽ không xảy ra dưới sự giám sát của ông và gợi ý rằng ông có thể làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Kiev và Moscow để chấm dứt xung đột.

“Tôi nghĩ rằng lợi ích tốt nhất của Mỹ là kết thúc cuộc chiến này. Hãy thương lượng một thỏa thuận”, ông nói trong cuộc tranh luận Tổng thống vào tháng 9.

Ông nói rằng cuộc xung đột "rất cần được giải quyết" và ông có thể giải quyết nó ngay cả trước khi nhậm chức. Ông nói: “Những gì tôi sẽ làm là nói chuyện với người này, tôi sẽ nói chuyện với người kia và tôi sẽ tập hợp họ lại với nhau”. Ông Trump trước đây đã nói rằng ông có thể chấm dứt xung đột trong vòng chưa đầy 24 giờ.

“Tôi sẽ hoàn thành việc đó. Tôi sẽ thương lượng, tôi sẽ thoát khỏi nó. Chúng ta phải thoát khỏi nó”, ông nói với đám đông người ủng hộ ở Georgia vào tháng trước.

Ông Trump đã nhấn mạnh rất nhiều vào việc đạt được thỏa thuận, nói với những người ủng hộ ở North Carolina vào cuối tháng 9 rằng "bất kỳ thỏa thuận nào – dù là thỏa thuận tồi tệ nhất - sẽ tốt hơn những gì chúng ta có hiện nay" và nói rằng nếu Ukraine chịu "từ bỏ một chút”, chiến tranh có lẽ đã kết thúc rồi.

Điều kiện trên chiến trường đang trở nên tồi tệ hơn đối với Ukraine khi Nga tăng cường tấn công trước mùa Đông (Ảnh: Getty)

Mỹ đã đứng ra làm trung gian đàm phán các lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình, nhưng đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Điều kiện chiến trường ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán và chỉ có sự nhượng bộ mới có thể đưa các bên tham chiến vào bàn đàm phán.

“Việc đứng ra làm trung gian cho bất kỳ hình thức giải quyết nào sẽ cực kỳ khó khăn vì quan điểm đàm phán và mục tiêu của các bên về cơ bản là khác nhau”, Seth Jones, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế và Dự án Các mối đe dọa xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết.

Xung đột Nga-Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng di cư lớn và tàn phá đất nước Ukraine (Ảnh: AFP)

Ông Trump chỉ trích Mỹ viện trợ cho Ukraine

Một khả năng thực sự có thể xảy ra dưới thời chính quyền Trump là sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine sẽ giảm hoặc chấm dứt hoàn toàn.

Cựu Tổng thống thường xuyên chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden vì đã gửi hàng tỷ USD viện trợ an ninh cho Kiev, đồng thời gọi ông Zelensky trong một cuộc phỏng vấn trên podcast gần đây là “một trong những người bán hàng vĩ đại nhất mà tôi từng thấy”.

“Ai khác có được số tiền như vậy trong lịch sử? Chưa bao giờ có được số tiền đó”, ông Trump nói. “Điều đó không có nghĩa là tôi không muốn giúp ông ta vì tôi cảm thấy rất tiếc cho những người đó. Nhưng lẽ ra ông ta không bao giờ nên để cuộc chiến đó bắt đầu. Cuộc chiến đó là một thất bại”.

Người đồng hành cùng tranh cử của ông Trump, J.D. Vance, cũng đã lên tiếng phản đối sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine.

Viện trợ của Mỹ cho Ukraine vấp phải sự phản đối gay gắt tại Quốc hội hồi đầu năm nay (Ảnh: AFP)

Các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội đã chặn việc chuyển viện trợ cho Ukraine trong nhiều tháng, bắt đầu từ cuối năm ngoái và tiếp tục kéo dài sang năm nay, và sự bế tắc đó khiến Ukraine rơi vào tình thế khó khăn cho đến khi một gói viện trợ nhỏ hơn có thể được thông qua vài tháng sau đó.

Việc trì hoãn đó, trong đó có sự tham gia của ông Trump, phản ánh tâm lý phản đối ngày càng tăng của một số đảng viên Cộng hòa đối với việc Mỹ viện trợ Ukraine. Nó cho thấy sự hỗ trợ của Mỹ trong tương lai không được đảm bảo và bất kỳ sự suy giảm viện trợ nào của Mỹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chiến đấu và giành chiến thắng của Ukraine.

Cuộc bầu cử vào tháng 11 cũng sẽ có tác động lớn, bất kể là ai đắc cử Tổng thống Mỹ. Các thành viên mới của Quốc hội Mỹ chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến gói viện trợ của Mỹ đối với Ukraine, dù ít hay nhiều.

Các cử tri đảng Cộng hòa đang chia rẽ về việc Mỹ nên viện trợ bao nhiêu cho Ukraine (Ảnh: AFP)

Ông Trump có thể tiếp tục viện trợ, nhưng kèm điều kiện

Cũng có khả năng ông Trump quyết định tiếp tục viện trợ Ukraine - kèm theo điều kiện - hoặc thậm chí tăng cường hỗ trợ cho Ukraine nếu ông thắng cử. Trong cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal tuần trước, ông Trump cho biết trước đây ông đã đe dọa Tổng thống Nga về vấn đề Ukraine.

"Vladimir, nếu ông tấn công Ukraine, tôi sẽ tấn công ông rất mạnh, ông thậm chí sẽ không tin điều đó. Tôi sẽ đánh ông ngay giữa Moscow", ông Trump kể ông đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin. "Chúng ta là bạn bè. Tôi không muốn làm điều đó, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác".

Ukraine cảnh báo nếu họ rơi vào tay Nga thì các nước NATO khác sẽ là nạn nhân tiếp theo (Ảnh: AFP)

Nhưng ông Trump cũng lưu ý đến sự sẵn sàng chiến đấu và khả năng hạt nhân của Nga.

"Ông ấy có thứ mà người khác không có. Ông ấy có vũ khí hạt nhân. Họ không bao giờ nói về điều đó. Ông ấy có vũ khí hạt nhân", ông Trump nói hồi đầu tháng này.

Cựu tổng thống đã gợi ý rằng viện trợ của Mỹ cho Ukraine có thể tiếp tục theo một loại chương trình cho vay-cho thuê, với kỳ vọng người Ukraine sẽ trả lại số tiền mà họ đã được trao cho.

Ông Trump chưa cho biết liệu ông có muốn Ukraine giành chiến thắng hay không. Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, cũng không tuyên bố gì về điều này, mặc dù bà đã ra tín hiệu sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. Trong cuộc tranh luận, bà Harris nói rằng "nếu Donald Trump là Tổng thống, ông Putin sẽ ngồi ở Kiev ngay bây giờ”.

Cả ông Trump và bà Harris đều không nói rõ rằng họ muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc tranh luận tháng 9 (Ảnh: Getty)

Và Ukraine không phải là bên duy nhất lo ngại duy nhất về chiến thắng của Trump. Ông đã chỉ trích các đồng minh NATO vì đã không đóng góp phần công bằng của họ, đặt câu hỏi về sự tham gia của Mỹ và hồi đầu năm nay ám chỉ rằng ông sẽ để Nga làm "bất cứ điều gì" mà họ muốn đối với các đồng minh không chịu đóng đủ tiền.

“Bất kỳ ý kiến nào cho rằng các đồng minh không bảo vệ lẫn nhau sẽ làm suy yếu toàn bộ an ninh của chúng ta”, cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.

Cuộc bầu cử diễn ra khi Ukraine nắm giữ một phần lãnh thổ của Nga và khi Nga tiếp tục đạt được nhiều bước tiến ở miền Đông Ukraine. Cả hai bên đang thúc đẩy các cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình sản xuất vũ khí đồng thời tiếp nhận sự hỗ trợ từ các nước khác. Tuy nhiên, mùa Đông đang đến gần và điều đó có thể làm chậm hoạt động chiến đấu.

Nguồn VietTimes

Tin cùng chuyên mục