BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lộc cộc xe ngựa

Cập nhật ngày: 02/09/2009 - 05:43

Hiện nay, ở tỉnh ta chỉ còn chợ Tân Biên (thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên) và chợ Kà Tum (xã Tân Đông, huyện Tân Châu) là còn loại xe ngựa hoạt động. Đây là phương tiện không thể thiếu để vận chuyển hàng hoá từ trước tới nay ở hai huyện biên giới kể trên. Tuy nhiên, trước tình hình ngày càng có nhiều xe cộ cùng lưu thông trên đường thì vấn đề an toàn giao thông đối với xe ngựa cũng cần phải đặt ra.

* Nét văn hoá vùng biên

Từ hàng chục năm nay, ở đầu con đường đất đỏ đối diện chợ Tân Biên hầu như lúc nào cũng có năm, bảy chiếc xe ngựa tụ tập lại để chờ chở hàng hoá. Sáng sớm thì chở hàng nông sản của các bạn hàng từ nhà ra chợ. Buổi trưa, buổi chiều thì từ chợ về nhà. Ngoài việc đáp ứng yêu cầu cho những người đi chợ, các chủ xe ngựa cũng sẵn sàng phục vụ bất cứ ai cần chuyên chở: chở gỗ gạch, cát, đá, xi măng, tủ, bàn, ghế… Trên mỗi thùng xe lúc nào cũng có đủ những vật dụng cần thiết như cuốc, xẻng, bạt che mưa để đáp ứng mọi nhu cầu của khách.

Trưa ngày 1.9, khi tôi đến bến xe ngựa trên thì thấy có bốn chiếc đang chờ khách. Các chủ xe ngồi đong đưa trên thùng xe, mắt rảo về hướng chợ để chờ một cái vẫy tay, một tiếng kêu của khách. Trong lúc rảnh, ông Nhi (58 tuổi, nhà ở khu phố 4, thị trấn Tân Biên) tâm sự về nghề nghiệp của mình. Quê ông ở Nghệ An, vào Tây Ninh lập nghiệp từ năm 1980, ông có 1 ha đất trồng điều nhưng thu nhập không đủ nuôi vợ và hai người con nên hơn 10 năm nay phải làm thêm nghề đánh xe ngựa. Ông cho biết: “Từ sáng đến giờ mới chạy được hai cuốc, kiếm được gần 20.000 đồng. Ở bãi xe ngựa này có khoảng 15 chiếc, nhưng ít khi tập trung đầy đủ, vài chiếc vừa xuất bến thì một số khác vừa trở về hoặc kiếm được chút đỉnh thì các anh em rủ nhau vào quán nhậu bình dân lai rai vài ly”.

Xe ngựa đã trở thành một nét văn hoá rất riêng của vùng biên giới.

Trẻ nhất ở bến xe ngựa này là anh Tiến (28 tuổi, ở khu phố 1, thị trấn Tân Biên). Theo lời anh Tiến kể, nghề xe ngựa là nghề gia truyền của gia đình anh. Cha anh đã từng một đời hành nghề xe ngựa ở bến này. Khi cha anh “nghỉ hưu” đến lượt các anh em trong gia đình nối nghiệp. Mấy năm trước, anh Tiến cũng đã làm nghề xe ngựa, nhưng thấy thu nhập không bao nhiêu nên bỏ nghề đi làm công nhân ở một xưởng chế biến gỗ bên Bình Dương. Rồi anh lập gia đình, không tiện xa vợ, xa con nên anh nghỉ làm công nhân trở về với nghề xe ngựa. “Mình cũng muốn học thêm một nghề nào đó, nhưng không biết học nghề gì, thôi thì sẵn gia đình có xe, có ngựa, mình ra đây làm nghề luôn cho tiện. Thu nhập từ nghề xe ngựa cũng vô chừng, ngày nào trúng mánh có thể kiếm được vài ba trăm ngàn, hôm nào mưa gió thì có khi cũng đi không, về không”, anh Tiến bộc bạch.

Tương tự như thế, ở chợ Kà Tum cũng có một bến xe ngựa thường xuyên hoạt động. Chiều ngày 1.9, trời mưa tầm tã, nhưng vẫn có một vài chiếc chở hàng hoá chạy lộc cộc trên đường. Một chiếc khác, chất đầy gạo đang trú mưa trong một quán cà phê trước cửa chợ, mưa vừa ngớt, chiếc xe liền chở gạo vào trong chợ và vội vã trở ra tiếp tục đến địa điểm chất gạo lên xe. Ở chợ biên giới này có khoảng 12 xe ngựa, chỉ riêng gia đình ông Châu Minh Trí đã có đến 5 người con sống bằng nghề này. Tôi tìm đến nhà ông Châu Minh Trí (ở ấp Đông Tiến, xã Tân Đông). Vợ chồng ông đều là cán bộ quân đội về hưu, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên 5/7 người con ruột, con dâu của ông phải kiếm sống bằng nghề xe ngựa. Khi tôi đến nhà, trời đã chập choạng tối, những chiếc xe ngựa của gia đình ông cũng lần lượt kéo về.

Anh Châu Minh Thức, con trai thứ ba của ông Trí vừa buộc ngựa vào chuồng vừa kể: vợ chồng anh có 5 con. Đứa lớn năm nay đã 20 tuổi, đứa nhỏ 7 tuổi. Không ruộng vườn, nghề nghiệp nên 6 năm nay, vợ chồng anh kiếm sống nhờ vào chiếc xe ngựa. Anh làm tài ích chính, còn vợ anh theo phụ bốc xếp hàng hoá, bắt mối chở hàng. Anh Thức nói: “Đây là nghề lao động nặng nhọc mà thu nhập không bao nhiêu nên đòi hỏi phải có sức khoẻ, chịu đựng vất vả mới theo nghề được. Nhưng dù sao làm nghề xe ngựa cũng đỡ hơn đi làm thuê làm mướn. Ở đây làm mướn một ngày 35.000 đồng, nhưng nhiều khi đổ xăng xe, giở cơm tới ruộng xong, trời đổ mưa, chủ bảo nghỉ thì phải quay về là lỗ trắng tay. Còn chạy xe ngựa thì trung bình mỗi ngày cũng kiếm được vài ba chục ngàn đồng, lại không phụ thuộc vào người khác”.

Nghề xe ngựa không chỉ là phương tiện kiếm sống của những gia đình nghèo khó mà hoạt động của loại phương tiện này dần dần đã trở thành một nét văn hoá rất riêng của vùng biên giới.

* Nhìn từ góc độ an toàn giao thông

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ an toàn giao thông thì loại phương tiện thô sơ này còn nhiều khuyết điểm cần khắc phục. Mấy mươi năm trước, các huyện biên giới này còn đất rộng, người thưa nên những chiếc xe ngựa chở hàng hoá cồng kềnh, di chuyển chậm rãi trên đường không ảnh hưởng nhiều đến các phương tiện giao thông khác. Nhưng với tốc độ phát triển hiện nay, mật độ dân cư khá cao, trên đường có nhiều loại phương tiện cùng lưu thông nên xe ngựa chất hàng hoá cồng kềnh không khỏi gây cản trở giao thông.

Trưa ngày 1.9, khi có mặt ở bến xe ngựa chợ Tân Biên, tôi chứng kiến có một xe ngựa chở đầy bàn ghế suýt gây tai nạn giao thông: Con ngựa khá cao lớn, giở chứng kéo xe chạy vòng vòng giữa đường. Người xà ích liên tục giật dây cương và hò hét nhưng chú ngựa không chịu nghe theo sự điều khiển. Các chủ xe ngựa trong bãi phải ra tay giúp đỡ bằng cách xúm nhau dắt dây cương, dẫn chú ngựa giở chứng ra đường và quất vào mông nó mấy roi thật mạnh, nó mới chịu làm nhiệm vụ.

Buổi trưa cùng ngày, trên đường từ thị trấn Tân Biên lên cửa khẩu Xa Mát, tôi thấy một xe ngựa chở những tấm tôn dài khoảng 6 mét. Chủ xe ngựa phải đứng thẳng lưng trên xe vừa điều khiển con ngựa và lớn tiếng kêu gọi mọi người tránh đường. Khi chiếc xe chở quá tải quá khổ này di chuyển đến chỗ đông người, ai cũng đều giật mình né tránh.

Trước đó hai ngày, tại thị trấn Tân Biên, tôi cũng được chứng kiến một đoàn xe ngựa gồm bốn chiếc nối đuôi nhau, trên mỗi xe chở 3 – 4 lóng cây dừa, mỗi cây dài khoảng 3 mét. Khi đoàn xe nặng nề này băng ngang đường, nhiều người điều khiển phương tiện giao thông phải dừng lại, trong đó có người tỏ ra bực bội.

Ông Nhi, một người hành nghề xe ngựa ở chợ Tân Biên cho biết, mấy năm trước đây số lượng xe ngựa ở chợ này có lúc giảm xuống chỉ còn vài chiếc nhưng từ ngày tỉnh ta cấm xe lôi máy hoạt động, xe ngựa xuất hiện ngày càng nhiều, mặc dù hiện nay một số người chạy xe lôi máy đã mua xe lôi Trung Quốc hoạt động trở lại, nhưng các xe ngựa vẫn duy trì số lượng.

Anh Thức kể rằng: “Có những lúc tôi chở dàn giáo cồng kềnh trên đường, cảnh sát giao thông cũng có nhắc nhở nên cột bao ni lông làm dấu hiệu cho người đi đường nhìn thấy để hạn chế tai nạn giao thông có thể xảy ra”.

Trong tương lai không xa, cửa khẩu Xa Mát của tỉnh ta sẽ được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế. Khi đó, lưu lượng xe cộ ngang thị trấn Tân Biên sẽ nhiều hơn hiện nay rất nhiều. Vì vậy, các ngành chức năng cần có giải pháp giải quyết vấn đề xe ngựa, làm sao vừa giữ lại nét văn hoá đặc trưng của vùng biên giới vừa không gây cản trở giao thông. Có thể quy định lại bến bãi, tuyến đường, trọng tải, khối lượng hàng hoá, tốc độ của các xe ngựa…

ĐẠI DƯƠNG