BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lộc Khê rừng miễu trữ tình

Cập nhật ngày: 04/05/2011 - 08:32

Xin mượn ngay một câu trong bài thơ của nhà thơ nông dân ký tên Tư Lỹ để làm tựa đề cho bài viết kỳ này. Bài thơ ấy được viết ngay trên mặt ngoài tường miễu. Hầu như tất cả những người có mặt quanh ngôi miễu ấy đều nhất trí đây là bài thơ hay nhất mô tả được toàn bộ lịch sử ngôi cổ miễu; cho dù nay miễu đã hoá “tân thời”.

Đi trên tỉnh lộ 782 một ngày cuối tháng 4.2011 mới biết đoạn đường Hồ Chí Minh từ Bình Phước, Bình Dương đi qua Tây Ninh đã được thi công tới giáp lộ tỉnh 782, trên địa bàn ấp Lộc Khê, xã Gia Lộc, Trảng Bàng. Đá dăm, đá mi mới trải xong còn tung bụi trắng phớ sau bánh xe lăn. Ngay đầu đoạn đường ấy, nhìn sang phải sẽ thấy ngay một ngôi miễu mới tinh khôi, tường vôi vàng, ngói đỏ. Trước mặt miễu là một cánh đồng trước khi ra tới lộ. Đang mùa gặt, máy chạy phăm phăm. Các anh chị thợ gặt ung dung ngồi hóng mát dưới bóng cây trước miễu, đợi khi thóc đã đầy khoang máy thì mới ra đóng bao, vác về. Sau lưng miễu vẫn nổi bật một khoảng rừng xưa với những cây già còng queo, khắc khoải nhoai lên, như muốn bứt khỏi những lùm bụi và chằng chịt dây leo tầng thấp. Hỏi thêm ông Năm Mắt, phó ban Hội miễu thì được biết phần đất rừng miễu gồm 1 ha, thuộc về hai chủ Huỳnh Văn Nha và Huỳnh Văn Hùm. Phần của ông Hùm đã hết, do hứng trọn con đường mới đi qua. May còn được khoảng 5 công thuộc quyền sử dụng của ông Nha. Dù chẳng khai thác được gì ở ngôi rừng miễu này nhưng các ông vẫn có công gìn giữ. Để nhờ thế mà dẫu cho miễu có “tân thời” nhưng cảnh quan xưa cũ vẫn còn đây, làm chứng cho bao chuyện vật đổi, sao dời. Những chuyện này cũng đã có trong bài thơ, thôi không nói nữa. Chỉ xin kể thêm những gì thơ chưa kể hết mà thôi!

Miễu Bà Cậu - Lộc Khê.

Đấy là miễu xưa khá nhỏ, chỉ hơn hai mét mỗi bề. Nay miễu mới đã có mặt bằng vuông, mỗi chiều 3 mét 60. Do có hành lang rộng 0m90 phía trước nên bên trong miễu chỉ còn lại kích thước: (2,70 x 3,60) mét. Miễu được xây bằng tường gạch dày 2 tấc. Hai cột xây đỡ hành lang, thêm hai trụ đỡ sắt tròn. Bên trong chỉ có một bàn thờ chính nằm sát tường hậu. Trên tường có 5 dòng Hán tự viết dọc theo lối đại tự. Do có phiên âm tiếng Việt chú giải ngay bên, nên có thể đọc được ngay. Theo đó dòng chính giữa đề: “Tiên sư, Tổ sư chứng minh”. Dòng bên trái là: “Chủ ngọc thiên y”. Dòng bên phải là: “Cửu huyền nữ nương nương”. Hai dòng bên ngoài nữa là: “Cậu Bảy, Cậu Ba” và “Cậu Trài Á nặt”. Trên các trụ, hai bên cửa cũng như ngang trên tường hậu cũng còn vài câu liễn đối. Đôi dễ hiểu nhất là ở trụ ngoài hành lang có phiên âm như sau:

“- Xuất thánh, nhập thần, cơ năng giai mạc trắc

- Tế Nhân, độ vật, đức chí hạnh vô cương”

Tạm hiểu là quyền năng của các vị được thờ nơi đây là vô hạn và không thể chuyển lay nghiêng ngả.

Nhằm ngày 7 tháng Giêng khai hạ mỗi năm thì bà con quanh vùng lại nhớ về cúng miễu. Xưa là gà, rượu có gì mang nấy đến góp làm vật phẩm cúng và sau đấy vui chung. Sau năm 2000, miễu mới thay đổi cách này bằng chuyện góp tiền làm lễ cúng. Bà con nông dân coi miễu này là nơi thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng thắng lợi nên ai thu nhập khá cũng đều đến góp cúng, có khi gồm cả heo quay. Xưa còn có lệ cúng đầu heo cho chúa sơn lâm là “Ông cọp”. Trước đêm mùng bảy, bà con đem đầu heo cùng một tờ giấy trắng đặt bên cạnh trong rừng miễu. Bữa sau vô coi thì đầu heo đã mất, chỉ còn lại dấu chân cọp trên giấy là coi như “Ông cọp” đã ký nhận rồi. Chuyện này cũng đã có từ thời ông cố nội của các vị cao niên trong ban Hội miễu ngày nay, khi một cụ cố thấy cọp con, lại tưởng mèo nên bắt về nuôi, bị cọp mẹ đến tận nhà đòi lại… Nay ban Hội miễu vẫn giữ lệ xưa, nhưng không phải heo sống, heo quay mà đầu heo luộc. Dĩ nhiên cũng chẳng còn “ông Cọp” nào đến nhận. Nếu đầu heo không còn thì chắc chỉ là do mấy trẻ chăn trâu. Cũng xin nói thêm: miễu được người trong vùng gọi là miễu Bà Cậu, do thờ cả Bà Chúa Ngọc lẫn Cậu Trài, Cậu Quý theo tục lệ thờ Mẫu ở nhiều nơi trong nước. Sau đây là trích một số đoạn bài thơ “Rừng miễu” của tác giả Tư Lỹ, được viết chữ to trang trọng trên tường:

 “Rừng miễu Bà Cậu nơi đây/ Ngày nay thay đổi chỗ này văn minh/ Lộc Khê rừng miễu hữu tình/ Xóm làng yên ổn hành trình xưa nay/ Mỗi năm khai hạ nơi này/ Nông dân ba xã nơi đây hội hè/ Rủ nhau tát cá suối tre/ Đem lên nấu nướng cúng Bà khai sơn/ Gà vịt cũng có giản đơn/ Trâu bò tựu lại cánh đồng bao la…/ Trong thời Pháp thuộc bùi ngùi/ Núi Bà, núi Cậu ngược xuôi khó lòng/ Xe bò đi bộ dài công/ Tổ chức khai hạ cánh đồng nơi đây/ Giặc Pháp ác liệt vùng này/ Tiếp theo giặc Mỹ gieo đầy đau thương/ Miễu Bà dời đổi nhiều phương/ Nay độc lập, mở đường Hồ Chí Minh/ Bốn xã giáp lại chương trình/ Gia Lộc, Thanh Phước, Phước Đông, Gia Bình/ Cầu cũ Cây Trường chứng minh/ Miễu Bà xây cất nhiệt tình quy mô/ Con đường lịch sử dễ vô/ Lòng Hồ Dầu Tiếng nước về quanh năm/ Đất đai màu mỡ vàng cầm/ Năm ba bốn vụ âm thầm ai hay…”.

TRẦN VŨ