BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trẻ em và smartphone:

Lợi bất cập hại  

Cập nhật ngày: 08/06/2019 - 07:04

BTN - Việc cho trẻ tiếp xúc quá sớm với điện thoại di động, tiếp thu nhiều ngôn ngữ cùng lúc khiến trẻ dễ bị rối loạn. Hệ quả là trẻ bức bách cảm xúc, rối loạn ngôn ngữ, có những hành vi xa lánh mọi người và nguy hiểm hơn là tự kỷ.

Những hình ảnh này ngày càng vắng ở các vùng quê.

Trong một cuộc trò chuyện, tiến sĩ Nguyễn Thị Dung, giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh cho rằng, hiện nay, trẻ em có môi trường sống tốt, chế độ dinh dưỡng cao, nên phát triển tâm lý nhanh. Bên cạnh sự phát triển tích cực cũng có những vấn đề tiêu cực, điển hình như trẻ bị nhiễu tâm lý, biểu hiện qua các mặt nhận thức, xúc cảm, ngôn ngữ, hành vi.

Nguyên nhân do phụ huynh chưa có sự quan tâm sát sao đến con trẻ. Việc cho trẻ tiếp xúc quá sớm với điện thoại di động, tiếp thu nhiều ngôn ngữ cùng lúc khiến trẻ dễ bị rối loạn. Hệ quả là trẻ bức bách cảm xúc, rối loạn ngôn ngữ, có những hành vi xa lánh mọi người và nguy hiểm hơn là tự kỷ. Theo tiến sĩ Dung, để một đứa trẻ phát triển tốt, ngoài chăm sóc dinh dưỡng, phụ huynh cần quan tâm đến sự phát triển tâm lý, ngôn ngữ của trẻ. Những vấn đề như: “Trẻ tiếp xúc với ai?”; “Người lớn dạy trẻ những gì?”, luôn là những mấu chốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ.

Nhà ở một xóm nhỏ thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Châu, chị B.L vừa chăm con chưa tròn tuổi vừa cạo hạt điều kiếm thêm thu nhập. Đứa con lớn 6 tuổi của chị cùng ba đứa trẻ khác là anh em họ chụm đầu vào chiếc điện thoại mà không chú ý xung quanh. Chị B.L nói rằng các cháu chỉ chịu ngồi yên khi được xem phim trên điện thoại. Tụi nhỏ không quấy phá thì chị mới yên tâm làm việc.

Những đứa trẻ nhà chị B.L khi buông chiếc điện thoại ra thì rụt rè đến kỳ lạ. Chúng chỉ trả lời nhát gừng vài tiếng hoặc lắc đầu khi có người hỏi chuyện. Hình ảnh những đứa trẻ chỉ biết chăm chú chơi trò chơi trên điện thoại thông minh không còn quá xa lạ ở vùng quê này, khi mà cha mẹ chúng còn mải lo với công việc mưu sinh. Không ít người đã xem chiếc điện thoại như là… “một vú em”.

Cô Đặng Ngọc Kim Loan, giáo viên Trường mầm non Tân Hưng, huyện Tân Châu cho biết cô đã gặp không ít trường hợp trẻ có biểu hiện lạ hơn so với các bạn cùng trang lứa. Trong năm học này, trong lớp của cô Loan có một bé trai không thể nói chuyện lưu loát và rõ ràng. Cô Loan kể: “Không cần biết hỏi về vấn đề gì, bé chỉ trả lời hai từ Yes hoặc No mà không nói ngôn ngữ bình thường như các bạn”.

Qua tìm hiểu, cô Loan được biết bé thường xuyên được cha mẹ cho xem phim trên điện thoại, đến nỗi phụ huynh còn than: “Về đến nhà là nó chỉ đòi ôm điện thoại”. Cô Loan đã phải bỏ nhiều công sức hơn để dạy bé cách giao tiếp bằng tiếng Việt như những trẻ khác trong lớp; đồng thời nhắc nhở người nhà chú ý, hạn chế cho bé chơi điện thoại, dành thời gian trò chuyện với bé nhiều hơn.

Không ít phụ huynh đã thừa nhận việc cho con mình chơi điện thoại để có thời gian cho công việc khác. Ngay cả họ cũng không biết con mình đang xem gì trên chiếc điện thoại ấy. Điện thoại thông minh có nhiều tính năng hỗ trợ đặc biệt, như Youtube có tính năng tìm kiếm bằng giọng nói giúp trẻ dù chưa biết chữ vẫn có thể dễ dàng tìm ra những chương trình chúng muốn xem.

Nhưng việc phát âm không chuẩn của trẻ sẽ dẫn đến việc xuất hiện những video clip có nội dung không tốt, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Việc xem quá nhiều video clip tiếng nước ngoài đối với một đứa trẻ ở độ tuổi chưa hoàn thiện ngôn ngữ cũng như nhận thức mà thiếu sự định hướng của người lớn là không tốt.

Trẻ bi bô tập nói là niềm vui lớn của các bậc làm cha mẹ, ông bà. Tuổi này, các cháu dễ tiếp thu và học hỏi những từ ngữ đơn giản, mới lạ và vận dụng chúng. Một phụ huynh từng tiếc nuối chia sẻ rằng, lúc con chị bắt đầu bi bô tập nói, cháu được tiếp xúc với rất nhiều người trong xóm. Sau đó, con của chị thỉnh thoảng có nói vài từ tục tĩu theo cách người lớn hay dùng mỗi khi tức giận.

Lúc đầu, những từ này phát ra từ miệng đứa trẻ khiến chị và những người lớn trong nhà thấy ngộ nghĩnh, vui vui. Dần dần con của chị dùng thường xuyên những từ tục tĩu để giao tiếp và vận dụng “đúng ngữ cảnh” thì chị và gia đình mới giật mình. Chị nói: “Tôi và gia đình đã dùng rất nhiều biện pháp trong đó có đánh đòn để uốn nắn và dạy dỗ lại con mình. Sau này, tuy nó nói ít đi nhưng tôi thật sự cảm thấy lo lắm!”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Dung, đối với việc trẻ vận dụng từ ngữ có nghĩa không tốt trong cuộc nói chuyện, người lớn không nên đánh mắng vì như vậy không hiệu quả. Trước hết, phụ huynh phải giải thích cho trẻ hiểu đó là từ không hay, không nên nói. Nếu trẻ còn tiếp diễn, phụ huynh có thể dùng cách mạnh hơn là tiếng gằn mạnh thể hiện sự nghiêm khắc khiến cháu sợ mà thay đổi.

Bài, ảnh: VI XUÂN

Video: Tâm Giang

Từ khóa
VI XUÂN