Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lời đáp cho bài báo: 25 triệu đồng một học sinh “trái tuyến”?

Cập nhật ngày: 30/05/2011 - 10:57

Mùa hè 2011 các trường học trong tỉnh đồng loạt làm lễ bế giảng cùng ngày 20.5.2011 để chuẩn bị cho công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đây cũng là lúc các địa phương, các nhà trường bắt đầu có những động thái chuẩn bị cho việc tuyển sinh lớp đầu cấp. Và lại có tin từ một số bậc cha, mẹ học sinh ở Hoà Thành đàm luận rằng có khả năng năm nay Trường tiểu học thị trấn Hoà Thành thu cao hơn năm rồi đối với học sinh trái tuyến. Có người còn nói cụ thể là “36 triệu đồng cho mỗi học sinh lớp một - trái tuyến” (?!). Thật ra đây chỉ là lời đồn không có căn cứ, vì theo chúng tôi được biết, nhiều khả năng năm học tới ở Trường tiểu học thị trấn Hoà Thành sẽ không còn thu tiền học sinh trái tuyến.

Bạn đọc chắc hẳn vẫn còn nhớ hè năm ngoái, vào đầu năm học 2010-2011 trên Báo Tây Ninh có đăng bài “Có hay không việc “chạy trường” ở thị trấn Hoà Thành: 25 triệu đồng cho một học sinh vào lớp 1 trái tuyến (?!)”. Vấn đề này không chỉ các cơ quan truyền thông, mà còn có nhiều ngành chức năng của tỉnh, huyện quan tâm lên tiếng, kiểm tra thông tin, tìm hiểu, toạ đàm chung quanh việc thu tiền học sinh đầu cấp trái tuyến rất sôi nổi. Là công chức Nhà nước ở địa phương, tôi được biết, mặc dù không thấy cấp có thẩm quyền chính thức lên tiếng trả lời trên công luận, nhưng không có nghĩa là không quan tâm giải quyết sự việc trên. Thực tế trong vấn đề thu tiền học sinh trái tuyến ở Trường tiểu học thị trấn Hoà Thành “chẳng ai bắt buộc ai, tất cả chỉ vì số đông người có dư tiền, thừa khả năng hăm hở tự nguyện để tìm cho con em mình một “thương hiệu giáo dục cừ khôi”, cho nên “quý trường” dại gì không chớp lấy thời cơ “thu nhận” để phát triển cơ sở vật chất, chứ còn trông chờ vào ngân sách thì biết đến lúc nào trường lớp mới hoàn thiện được. Chỉ có điều tội cho một vài người không lấy gì khá giả cũng “làm liều” bằng mọi giá phải tìm cách cho con mình vào ngôi trường ấy. Trong bài báo nêu trên tác giả còn đặt ra việc thu chi sẽ thực hiện theo cơ chế nào? Ai quản lý? Ai là chủ đầu tư xây dựng? Liệu cách làm chưa có tiền lệ này có phòng, chống được tham nhũng đang có nguy cơ diễn ra trong học đường không?…

Học sinh Trường tiểu học thị trấn Hoà Thành trong ngày bế giảng năm học 2010-2011

Trong điều kiện có thể, tôi đã cất công tìm hiểu cặn kẽ quá trình tổ chức thực hiện và quản lý các khoản thu chi từ nhiều nguồn khác nhau của Trường tiểu học thị trấn Hoà Thành, đặc biệt là đối với số tiền của nhân dân “tự nguyện” đóng góp xây dựng 25 triệu đồng/học sinh lớp 1 trái tuyến từ các ngành chức năng địa phương, và được biết như sau:

Sau khi có phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng trong tháng 6.2010, lãnh đạo huyện Hoà Thành đã chủ động tăng cường giáo dục, nhắc nhở lãnh đạo nhà trường thị trấn thực hiện quản lý tốt các khoản thu, chi của đơn vị, tuyệt đối không để có tiêu cực xảy ra. Và từ đầu năm 2011 huyện đã chỉ đạo tiến hành thanh tra định kỳ công tác quản lý tài chính tại Trường tiểu học thị trấn Hoà Thành. Kết quả đáng mừng là nhìn chung toàn cục là không có tiêu cực xảy ra trong quá trình thực hiện các khoản thu, chi tài chính của đơn vị. Trong đó đặc biệc là số tiền thu từ “xã hội hoá” giáo dục, từ sự “tự nguyện” của cha mẹ học sinh. Và đã có những đánh giá sát thực cho thấy: “Tiền cơ sở vật chất là khoản thu từ việc tuyển sinh học sinh lớp 1 ngoài địa bàn theo chủ trương xã hội hoá giáo dục do Ban đại diện cha, mẹ học sinh chủ trương phối hợp cùng nhà trường tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện có xây dựng kế hoạch thu, chi thông Hội qua cha, mẹ học sinh làm cơ sở cho việc thực hiện”. Toàn bộ số tiền thu được của 2 năm học (2009-2010) và (2010-2011) cùng với số dư chưa sử dụng của năm học trước chuyển sang là: 3.054.100.911 đồng được chi cho việc cải tạo 12 phòng học, xây dựng mới 5 phòng học, xây dựng nhà ăn, nhà bếp với quy mô 100 bàn ăn rất khang trang… Cả 3 dự án đầu tư xây dựng trên đều do Ban đại diện hội cha, mẹ học sinh kết hợp cùng Ban giám hiệu nhà trường làm chủ đầu tư xây dựng có thuê các công ty thiết kế, xây dựng, giám sát thi công… với hồ sơ thể hiện đầy đủ cơ sở pháp lý. Mặc dù vẫn còn có những hạn chế về những công việc tổ chức quản lý, thiết lập hồ sơ xây dựng… nhưng không đáng kể”. Điều đáng mừng là qua kết quả thanh tra chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật như dư luận xã hội quan tâm.

Cái được ở quá trình thực hiện “xã hội hoá” giáo dục là 2 năm qua Trường tiểu học thị trấn Hoà Thành có thêm cơ ngơi khang trang, đủ tiêu chuẩn và điều kiện phục vụ cho nhu cầu học tập của con em ở địa phương, không ảnh hưởng nhiều đến khoản chi từ ngân sách. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo địa phương với cơ sở vật chất đạt được như hiện có, năm nay khả năng huyện sẽ chủ trương không thực hiện thu học sinh “trái tuyến” ngoài địa bàn.

Như vậy, mọi vấn đề đặt ra và quan tâm từ dư luận xã hội qua các phương tiện thông tin đại chúng đã được giải đáp tương đối đầy đủ. Với kết quả việc làm trên của huyện Hoà Thành phần nào nói lên tác dụng trong lộ trình thực hiện “xã hội hoá” giáo dục, có sự quản lý chặt chẽ. Dù sao đây cũng là chủ trương đã được nhiều địa phương trên cả nước thực hiện, nhưng vẫn còn mới đang được trải nghiệm từ thực tế, chưa có tiền lệ trong chỉ đạo cũng như tổ chức thực hiện nên việc phản biện từ nhiều góc độ xã hội là không tránh khỏi, và thật cần thiết để các ngành, các cấp nhất là ngành giáo dục quan tâm tổng kết rút kinh nghiệm nhằm phục vụ cho sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển.

N.Q.K