Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thông tin tiếp theo vụ giấy báo tiền nước hơn 33,4 triệu đồng:
Lỗi do nhân viên “ghi khống”?
Thứ ba: 17:39 ngày 28/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 27.5, ông Nguyễn Thế Bảo- Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Tây Ninh xác nhận với phóng viên về sự việc một hộ dân nhận được giấy báo tiền nước tháng 5.2019 lên đến 33,4 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thế Bảo- Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Tây Ninh.

Hộ dân có hoá đơn tiền nước “khủng khiếp” trên là hộ của bà Nguyễn Kim Huê (72 tuổi, ngụ 172 Lý Thường Kiệt, ấp Hiệp An, xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành).

Theo bà Huệ, hằng tháng gia đình chỉ sử dụng từ 20- 26m3 nước, hóa đơn tiền nước nhiều nhất cũng chỉ khoảng 200.000 đồng. Nhưng mới đây, bà lại nhận giấy báo tiền nước tháng 5.2019 lên đến hơn 33,4 triệu đồng, khiến gia đình bà vô cùng bức xúc.

Tá hỏa trước giấy báo tiền nước tăng vọt, bà Huê đã phản ánh đến Công ty CP Cấp thoát nước Tây Ninh. “Chúng tôi đến phản ánh, xin giảm tiền nước, nhưng phía công ty không giảm, mà cho chúng tôi trả góp tiền nước mỗi tháng 2 triệu đồng, cộng với tiền nước tiêu thụ hằng tháng”, bà Huê nói.

Về vụ việc này, ông Nguyễn Thế Bảo- Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Tây Ninh cho biết, bước đầu phía công ty nhận được báo cáo từ nhân viên kỹ thuật là do bể đường ống dẫn đến thất thoát nước khi thấy các chỉ số trên đồng hồ đo quay nhanh bất thường.

Ngay sau khi nhận thông báo, phía công ty đã triển khai Đội quản lý thi công đến kiểm tra, đồng thời đề nghị gia đình cho khảo sát hiện tượng bể ống trong hệ thống để xác định vị trí khắc phục, tránh trường hợp thất thoát nước cho gia đình.

Tuy nhiên, do kết cấu hạ tầng nhà được xây dựng kiên cố, toàn bộ đường ống đi âm rất phức tạp ở dưới nền nhà, gia đình đề nghị không đào nền nhà tìm vị trí thất thoát, thay vào đó là lắp lại đường ống khác để gia đình có thể kiểm soát, tránh sự thất thoát.

“Trên cơ sở đây là thất thoát đường ống, nếu đào lên để tìm vị trí thì sẽ rất phức tạp và mất rất nhiều thời gian. Phía đại diện gia đình là ông Trịnh Quốc Tùng (cháu ruột bà Huê) đã đề nghị lắp lại đường ống khác để gia đình có thể kiểm soát, đồng thời tránh đi sự việc thất thoát trên. Trên cơ sở thỏa thuận yêu cầu của gia đình, phía đội thi công cũng đã cử nhân viên đấu nối đường ống lại”- ông Bảo cho biết.

Giấy báo tiền nước của gia đình bà Huê trong tháng 2, tháng 4 chỉ trên dưới 200 ngàn đồng/kỳ; đến tháng 5 tăng đột biến đến hơn 33 triệu đồng.

Nói về việc tiền nước tháng 5.2019 của nhà bà Huê tăng lên bất thường, ông Bảo giải thích, do nhân viên không đến ghi chính xác chỉ số trên đồng hồ nước mà “ghi khống” nên để xảy ra tình trạng trên. Tuy nhiên, ông Bảo cho biết, phía ông Trịnh Quốc Tùng cũng đã đề nghị công ty giãn thời gian thanh toán số tiền phát sinh theo định kỳ hàng tháng.

Theo đó, ngày 17.5.2019, ông Trịnh Quốc Tùng có đơn xin trả góp tiền nước với Công ty CP Cấp thoát nước Tây Ninh, trong thời gian 18 tháng, gia đình phải trả 2 triệu đồng/tháng, 6 tháng cuối mỗi tháng 1,5 triệu đồng (đến tháng 10.2020 hết kỳ) cộng với lượng nước thực tế sử dụng hàng tháng.

Ông Bảo nói “Trong qua trình làm việc và trao đổi, phía đại diện gia đình đã rất chia sẻ và thông cảm việc này. Chúng tôi cùng đi đến hướng giải quyết là thanh toán tiền nước qua nhiều kỳ, cộng với hóa đơn tiêu thụ hàng tháng”.

Tuy nhiên, người đứng đầu công ty này chia sẻ thêm: “Vấn đề này cũng có phần trách nhiệm của công ty. Nếu như trước đây nhân viên đến ghi đúng kỳ và kiểm tra đồng hồ nước chính xác thì chắc chắn tổn thất này sẽ được khắc phục sớm hơn”. Ông Bảo cũng khẳng định, hiện nay các hộ dân có hợp đồng cung cấp nước với công ty đều được lắp đặt đồng hồ nước đạt chuẩn, được các cơ quan chức năng kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng.

Trả lời thắc mắc của phóng viên, nếu đường ống ngầm bị vỡ với khối lượng nước 4.397m3 có thể gây sập nhà và gia đình bà Huê sẽ biết, ông Bảo nói: "Đáng tiếc là gia đình cũng không đồng ý cho anh em đội tìm cụ thể nguyên nhân và hiện trạng thực tế nó như thế nào. Vì vậy không thể đánh giá được mức độ đường ống theo hình thức nào”.

Ông Bảo cho biết thêm, do khu vực nhà bà Huê gần cống, khả năng nước sẽ bị ngấm xuống rất nhiều. Về mặt chuyên môn, ông Bảo đánh giá đây là sự thất thoát xảy ra ít nhất khoảng 2 tháng. Bởi vị trí lắp cho khách hàng có đường ống tải chính đưa từ Nhà máy nước về huyện Hòa Thành nên áp lực nước rất cao. Do đó, với đường ống khi đã thoát ra hoàn toàn thì khả năng tiêu hao trung bình 3- 4m3/giờ. “Nếu làm bài toán giả định, max tiêu hao khoảng 3m3/giờ, với áp lực khu vực này từ 2,5- 2,7kg, bình quân số lượng của 4.397m3 có khả năng đã bể trong khoảng 2 tháng gần đây”- ông Bảo giải thích.

Trước đó, ngày 6.5.2019 Công ty CP Cấp thoát nước Tây Ninh đã có thông báo về việc xử lý sản lượng nước của khách hàng tăng đột biến trên địa bàn huyện Hòa Thành, tập trung vào các tuyến đường Lạc Long Quân, Âu Cơ, Nguyễn Văn Linh và Tôn Đức Thắng.

Theo đó, nguyên nhân tình trạng này do nhân viên đến ghi chỉ số đồng hồ nước đã không ghi hoặc ghi chỉ số nhỏ hơn thực tế của đồng hồ nước kéo dài nhiều tháng, dẫn đến lượng nước sử dụng bị dồn qua nhiều kỳ và tăng đột biến.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục