Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tổ hợp tác máy cày:
"Lợi đơn, lợi kép"
Thứ hai: 11:59 ngày 10/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ khi có Tổ hợp tác máy cày xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu), nông dân canh tác trên cánh đồng thuộc hai ấp Bến Đình và Bến Mương không phải nặng lo việc tìm thuê máy cày làm đất để sạ lúa.

Những năm gần đây, nông dân canh tác trên cánh đồng thuộc hai ấp Bến Đình và Bến Mương (xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu) không phải nặng lo việc tìm thuê máy cày làm đất sạ lúa, và cũng không lo vay mượn tiền trả công làm đất ngay cho chủ máy.

Lý do là địa phương đã thành lập Tổ hợp tác máy cày chạy đất giúp nông dân sản xuất lúa (gọi tắt Tổ hợp tác máy cày). Tổ này nhận làm đất "bao vụ" cho nông dân trong khu vực, đến khi thu hoạch lúa mới nhận tiền công. 

Ông Trương Anh Dũng (trái)-  Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Đức trao đổi với anh Ton, Tổ trưởng Tổ hợp tác máy cày.

Cánh đồng thuộc hai ấp Bến Đình và Bến Mương rộng khoảng 180 ha, chuyên canh lúa mỗi năm hai vụ Đông Xuân và Hè Thu (vụ Mùa không ngập lụt nên không sản xuất được).

Trước kia, mỗi khi chuẩn bị xuống giống, nông dân mạnh ai nấy tìm thuê máy cày làm đất. Trong khi thời gian làm đất mùa vụ có hạn nhưng số lượng máy cày tại địa phương ít nên nông dân gặp khó khăn trong việc tìm thuê phương tiện làm đất. Khi thuê được máy cày, nông dân còn phải lo tiền trả cho chủ phương tiện trong khi đồng vốn sản xuất của nông dân hạn hẹp.

Trong khi đó, một số hộ trên địa bàn hai ấp này có máy cày, chuyên nhận làm đất thuê cho nông dân. Tuy nhiên, do làm ăn riêng lẻ nên thường xảy ra tình trạng "người kiếm việc không ra, người làm không hết việc". Trước thực trạng này, Hội Nông dân xã Thạnh Đức nhận thấy cần tập hợp các chủ máy cày theo hình thức tổ hợp tác để hoạt động hiệu quả hơn, cùng có lợi.

Anh Nguyễn Thành Ton- Tổ trưởng Tổ hợp tác máy cày cho biết, Tổ được thành lập vào năm 2015, hiện  gồm 6 hộ thành viên với 6 chiếc máy cày. Các thành viên trong tổ nhận làm đất cho nông dân trong trong khu vực. Mỗi ha đất, tổ viên giảm cho nông dân 100.000 đồng. Nông dân không phải trả tiền công làm đất ngay mà được các thành viên trong Tổ cho nợ (không tính lãi) đến khi thu hoạch lúa mới trả tiền. Nhờ vậy mà nông dân an tâm sản xuất.

Anh Ton cho biết thêm, việc thành lập Tổ hợp tác máy cày không chỉ có lợi cho nông dân trong khâu làm đất mà chính các thành viên trong Tổ cũng có lợi. Trước hết là thành viên trong Tổ ai cũng có việc làm. Những năm qua, Tổ hoạt động rất ổn định. Bình quân mỗi vụ lúa, mỗi thành viên trong tổ nhận làm đất cho bà con khu vực khoảng 30 ha. Trừ chi phí xăng dầu, công lao động (có chủ máy phải thuê tài xế), mỗi vụ, mỗi thành viên trong Tổ kiếm được khoảng 20 triệu đồng.

Không chỉ nhận làm đất, mỗi thành viên còn trang bị một chiếc máy cù lúa để làm thêm dịch vụ vận chuyển lúa từ dưới ruộng lên bờ. Đây là loại máy chạy được dưới ruộng bùn sình (như máy cày) để vận chuyển lúa. Bình quân mỗi vụ, mỗi thành viên trong Tổ hợp tác kiếm được khoảng 10 triệu đồng từ việc vận chuyển lúa.

Ông Trương Anh Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Đức cho biết, việc thành lập Tổ hợp tác máy cày còn giúp nông dân xuống giống được đồng loạt. Nhờ vậy mà ngành chức năng và nông dân dễ kiểm soát trong khâu phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời, nhờ xuống giống đồng loạt mà việc thu hoạch bằng máy gặp đập liên hợp được dễ dàng, giảm chi phí đầu tư.

N.H

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục