Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lời hứa của EVN
Thứ ba: 10:47 ngày 21/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
EVN sẽ tổng hợp số liệu về lượng điện năng tiêu thụ của các khách hàng theo các bậc thang, đánh giá tình hình tiêu thụ thực tế để có phương án điều chỉnh bậc thang giá điện sinh hoạt và biểu giá điện, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trình Thủ tướng quyết định- lời hứa của chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành.

Việc EVN và Bộ Công Thương, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đều đề cập tới việc “điều chỉnh giá điện bậc thang”, quả thực là tin tức tích cực trong thời điểm biểu đồ nhiệt độ cả nước như là “cháy đỏ” thế này.

Năm 2014, khi biểu giá điện bậc thang 6 bậc được áp dụng, giá bán lẻ điện cho hộ sinh hoạt hiện đang được chia thành 6 bậc theo chỉ số sử dụng bậc 1 từ 0 đến 50 kwh, bậc 2 là 51-100 kwh, 101-200 kwh là bậc 3. Bậc 4 từ 201 đến 300 kwh, bậc 5 là 301-400 kwh và bậc 6 từ 401 kwh trở lên. 

Việc áp giá điện 6 bậc thang, theo lý giải của nhà chức trách ở thời điểm đó nhằm giúp người có thu nhập thấp được hưởng mức giá thấp nhất, ít chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá điện, trong khi đó các hộ gia đình ở mức thu nhập cao sẽ phải trả nhiều tiền điện hơn. 

Tuy nhiên, trong thực tế, các chuyên gia tính toán rằng định mức dùng điện bậc 1, giới hạn trong 50 kWh là quá thấp khi chỉ với một thiết bị điện thông thường của một hộ gia đình bình dân như chiếc quạt, tivi có công suất 1.000w chạy trong hai ngày là hết định mức này.

Với định mức quá thấp, thực tế, tỉ lệ % các hộ gia đình “hưởng lợi” từ bậc 1, như thuyết minh ban đầu- quả thực không đáng là bao. Huống chi, thật khó nói đến sự hợp lý của một “bậc thang” phải tiết kiệm cả đến bật chiếc quạt, hay coi tủ lạnh là một thứ tiêu dùng xa xỉ.

Điện là loại hàng hoá đặc biệt, sản xuất và tiêu thụ không cùng thời điểm, không thể dự trữ nên tiết kiệm phải trở thành một ưu tiên trong chính sách mà “giá điện bậc thang” - không chỉ được áp dụng riêng ở Việt Nam- chính là để khuyến khích người dân sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm.

Nhưng với một biểu giá đã không còn phù hợp, nhất là khi thực tế tỷ trọng dùng điện đã thay đổi thì chỉnh sửa phải là lẽ tất nhiên, cần thay đổi.

Những tín hiệu về sự thay đổi từ EVN và Bộ Công Thương để “đánh giá tác động gián tiếp về ảnh hưởng của việc tăng giá điện” hay việc “điều chỉnh giá điện bậc thang” đang cho thấy ít nhất các cơ quan này đã lắng nghe tiếng nói từ dư luận, từ người dân.

Và việc thiết kế bậc thang mới chắc chắn sẽ hợp lý hơn nhiều, sẽ tạo ra được sự đồng thuận nếu nó được “lấy ý kiến người dân” như lời hứa của EVN.

Nguồn LĐO

Tin cùng chuyên mục