Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lợi ích của tập luyện với người bệnh gout, thực hành thế nào?
Thứ bảy: 09:09 ngày 28/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bệnh gout là tình trạng viêm đau có liên quan đến việc ăn quá nhiều thực phẩm giàu đạm, đặc biệt trong và sau Tết. Để tránh bệnh tái phát, người bệnh nên thực hiện các bài tập thể dục. Tuy nhiên, nên áp dụng loại bài tập nào và khi nào là những yếu tố quan trọng.

1. Hậu quả khi bị bệnh gout

Bệnh gout là một loại viêm khớp do nồng độ axit uric trong cơ thể quá cao.

Axit uric là một chất bình thường xuất hiện trong cơ thể được bài tiết qua nước tiểu. Nhưng nếu có quá nhiều, các tinh thể axit uric có thể tích tụ trong khớp, gây đau dữ dội, đỏ, sưng ở khớp, gân và các mô xung quanh (thường ở chi dưới).

Nếu không được điều trị, bệnh gout có thể gây các cơn đau mạn tính, tổn thương khớp không hồi phục cũng như biến dạng khớp.

Ngoài ra, khi triệu chứng xuất hiện, người bệnh ngại di chuyển vì bị đau, điều này dẫn đến gia tăng các vấn đề về thiếu vận động, yếu cơ và cứng khớp.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản gần đây cho thấy hoạt động thể chất ở cường độ thấp đến trung bình và điều chỉnh chế độ ăn uống có thể giúp kiểm soát nồng độ axit uric và ngăn ngừa xuất hiện các triệu chứng của bệnh gout.

Bệnh gout cấp tính gây đau dữ dội.

2. Có nên tập thể dục khi bệnh gout bùng phát?

Theo TS. Stella Bard, chuyên gia về bệnh khớp tại Mỹ, tốt nhất là không nên tập thể dục trong cơn gout cấp tính mà nên tập thể dục giữa các đợt bùng phát. Trong thời gian bùng phát bệnh gout, bạn nên nghỉ ngơi, chườm đá tại chỗ và kê cao chân nếu cơn đau do gout ở một trong các khớp ở phần dưới cơ thể.

Thông thường, trong đợt cấp tính của bệnh gout, quá trình viêm gây đau nhất nên việc tăng chuyển động tại các khớp có xu hướng làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh. Hơn nữa, trong thời gian bùng phát, các hoạt động chịu trọng lượng như đứng và đi lại cũng có thể gây đau đớn.

Do đó, điều trị ngay lập tức các đợt bùng phát bệnh gout đòi hỏi phải kiểm soát tình trạng viêm và giảm nồng độ axit uric bằng thuốc chống viêm (NSAID) và thuốc giảm axit uric.

3. Tại sao tập thể dục lại quan trọng khi bị bệnh gout?

3.1 Tập thể dục làm giảm nồng độ axit uric

Tập thể dục không chỉ làm giảm nồng độ axit uric trong máu, một số nghiên cứu trên thế giới còn phát hiện ra rằng, tập thể dục đều đặn có thể kéo dài tuổi thọ thêm 4 - 6 năm ở những người có nồng độ axit uric cao.

Do tăng cân và béo phì làm tăng nồng độ axit uric, nên việc khắc phục những vấn đề này cũng sẽ làm giảm nguy cơ bùng phát cơn gout cấp. Hơn nữa, tập thể dục đã được chứng minh là có tác dụng giảm viêm.

3.2 Phục hồi sự linh hoạt của khớp sau cơn cấp tính

Cơn đau làm giảm mức độ hoạt động của khớp và khi cơ thể không di chuyển nhiều, các khớp có thể cứng lại và kém linh hoạt hơn. Một đánh giá lâm sàng gần đây của nhiều nhà khoa học trên thế giới cho thấy các phương thức tập thể dục có thể có lợi cho việc phục hồi khả năng vận động sau khi cơn gout bùng phát.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Đài Loan cho thấy những người mắc bệnh gout tập thể dục thường xuyên ít có khả năng phát triển cục tophi do tích tụ tinh thể axit uric.

Các động tác yoga nhẹ nhàng phù hợp với người bệnh gout

4. Các loại bài tập tốt nhất cho người bị bệnh gout

Các bài tập vận động hệ tim mạch của cơ thể là tốt nhất để kiểm soát nồng độ axit uric và giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể. Ví dụ về các loại bài tập này bao gồm đi bộ, đạp xe và bơi lội, tránh tập cường độ cao như chạy nước rút, nhảy dây, đạp xe nhanh…

Ngoài ra, nếu đã bị nhiều đợt bùng phát bệnh gout, người bệnh có thể gặp phải những thay đổi vĩnh viễn ở khớp. Điều này có thể hạn chế phạm vi chuyển động của khớp. Do đó, các bài tập tác động thấp hơn như bơi lội và thể dục nhịp điệu dưới nước liên quan đến sức nổi có tác dụng giảm căng thẳng cho khớp.

Ngoài ra, các bài tập linh hoạt nói chung cũng có thể hữu ích. Các bài tập như yoga có thể có lợi cho việc duy trì khả năng vận động.

Người bệnh gout không nên tập thể dục cường độ cao như nhảy dây.

5. Lời khuyên cho việc tập thể dục với bệnh gout

Người bệnh gout nên bắt đầu từ từ với một chương trình tập thể dục, nhưng phải nhất quán. Các hướng dẫn tập thể dục hiện tại là thực hiện ít nhất 150 phút cường độ vừa phải mỗi tuần.

Tránh tập thể dục cường độ cao, đặc biệt là trong và ngay sau khi bệnh gout bùng phát, do có thể làm tăng nồng độ axit uric.

Mất nước có liên quan đến sự gia tăng nồng độ axit uric nên người bệnh cần uống đủ nước mỗi ngày và tránh đồ uống có đường do cũng liên quan đến mức axit uric cao hơn.

Tập trung vào việc giảm cân, tốt nhất nên sử dụng các bài tập thể dục kết hợp với chế độ ăn kiêng để giảm cân dần dần do giảm cân đột ngột cũng có thể liên quan đến việc tăng nồng độ axit uric.

Nguồn suckhoedoisong

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục