Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có các cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong 2 ngày (21 và 22-2) tại thủ đô Washington, Mỹ (giờ địa phương).
Đây được đánh giá là các cuộc tiếp xúc vô cùng quan trọng trong bối cảnh thời hạn 90 ngày “đình chiến thuế quan” sắp kết thúc (ngày 1-3).
Cần thời gian
Nhận thức được tầm quan trọng của các cuộc tiếp xúc lần này trong việc giải quyết cuộc chiến thương mại gay cấn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi các bên “nắm bắt cơ hội”, cùng nỗ lực để đạt được một thỏa thuận đem lại lợi ích cho cả đôi bên.
Zhang Yansheng, nhà nghiên cứu trưởng của Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, nhận định ông Lưu Hạc sẽ cho Mỹ thấy “thành ý” của Trung Quốc với việc đưa ra các đề xuất thương lượng mạnh mẽ hơn so với các cuộc gặp trước. Cũng theo chuyên gia Zhang Yansheng, 2 bên phải đạt được một thỏa thuận trên nhiều khía cạnh. Thứ nhất, Mỹ và Trung Quốc phải có được sự thống nhất về thuế quan, không đưa ra thêm bất cứ một loại thuế nào khác để 2 bên có thể áp đặt lẫn nhau.
Nếu không có được sự đồng thuận về ngăn chặn đánh thuế, cả Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế khác trên thế giới sẽ không thể giải quyết được cuộc chiến thương mại hiện nay. Thứ hai, về những vấn đề cốt lõi, đôi bên cùng phải nhận thức được rằng không thể giải quyết trong thời gian ngắn.
Đậu nành là một trong những hàng hóa mà Trung Quốc cam kết tăng lượng nhập khẩu từ Mỹ
Mỹ đã nhiều lần than phiền rằng Trung Quốc không có chuyển biến trong việc thực hiện các cam kết và việc miễn cưỡng phải tin tưởng Bắc Kinh khiến Mỹ và Trung Quốc ngày một xa nhau trong một số vấn đề đàm phán. Washington nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào về cải cách cơ cấu phải được kiểm chứng và giám sát. Ông Zhang Yansheng cho rằng những điều Mỹ yêu cầu Trung Quốc, như vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Thỏa thuận thương mại là không đủ
Theo một tuyên bố của nhà chức trách Mỹ, tại cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc lần này, đôi bên cũng sẽ thảo luận về cam kết của Bắc Kinh mua một lượng lớn hàng hóa, dịch vụ của Washington. Tuy nhiên, Giáo sư Minxin Pei của Trường Cao đẳng Claremont McKenna lại cho rằng điều đó là chưa đủ. Ngay cả khi đạt được một thỏa thuận toàn diện, cuộc chiến vẫn sẽ tiếp tục dù giảm về cường độ và ít tốn kém hơn. Bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc không hoàn toàn về thương mại, đúng hơn, đó là biểu hiện của sự cạnh tranh chiến lược leo thang giữa 2 cường quốc.
Washington luôn chỉ trích Bắc Kinh về các hoạt động thương mại, trong đó bao gồm cả vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu Trung Quốc không phải là một đối thủ chiến lược, chưa chắc Mỹ đã khởi xướng một cuộc chiến thương mại toàn diện, gây thiệt hại về thương mại trị giá hàng trăm tỷ USD cũng như hàng tỷ USD lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ. Trung Quốc có thể thiệt hại nhiều hơn, nhưng tổn thất Mỹ phải gánh cũng không nhỏ.
Ở Mỹ, hiện có một sự đồng thuận ngày càng tăng rằng Trung Quốc tạo ra một mối đe dọa an ninh dài hạn nghiêm trọng nhất mà nước này phải đối mặt. Một mối quan hệ kinh tế được xây dựng trong 4 thập niên qua thực sự rất có giá trị, nhưng nếu tiếp tục củng cố cho đối thủ của mình thông qua chuyển giao thương mại và công nghệ, đối với Mỹ sẽ là tự sát. Sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ được minh họa cụ thể qua vụ việc liên quan đến tập đoàn Huawei của Trung Quốc.
Ngoài việc Canada bắt giữ CFO của Huawei Mạnh Vãn Chu và chờ ngày dẫn độ, Mỹ còn cảnh báo các đồng minh không sử dụng công nghệ 5G của Huawei vì lý do bảo mật. Thế nên, theo Giáo sư Minxin Pei, “ý nghĩ một thỏa thuận thương mại có thể bảo vệ thế giới khỏi cuộc chiến tranh lạnh Mỹ - Trung Quốc có thể xem là một suy nghĩ ngây thơ”.
Nguồn SGGPO