Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lối thoát nào để Chính phủ Mỹ hoạt động trở lại?
Chủ nhật: 16:24 ngày 06/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Quốc hội Mỹ nhiệm kỳ mới, với phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện và phe Cộng hòa nắm quyền ở Thượng viện, ngày 3/1 (theo giờ Mỹ) bắt đầu cuộc họp đầu tiên trong bối cảnh hai chính đảng vẫn bất đồng về vấn đề ngân sách, nguyên nhân dẫn tới việc chính phủ liên bang bước sang ngày thứ 12 liên tiếp phải đóng cửa một phần gồm 9 bộ cùng hàng chục cơ quan.

Cuộc họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ nhiệm kỳ thứ 116 này đã trở thành "trận chiến lớn" giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ liên quan đến "bài toán" ngân sách chi tiêu, chủ yếu là vấn đề cấp ngân sách cho "bức tường an ninh" trên biên giới Mỹ-Mexico theo đề xuất của Tổng thống Donald Trump.

Đảng Dân chủ đưa ra kế hoạch bao gồm một dự thảo cấp tiền cho Bộ An ninh nội địa theo mức hiện tại tới hết ngày 8/2 , cấp 1,3 tỷ USD cho việc xây hàng rào biên giới và 300 triệu USD cho các hạng mục an ninh biên giới khác như trang bị camera và thiết bị công nghệ. Phần thứ 2 của đề xuất là việc cấp quỹ cho các cơ quan liên bang hiện không có ngân sách bao gồm các Bộ Tư pháp, Thương mại và Giao thông cho tới ngày 30/9.

Thượng nghị sĩ Công hòa Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, tuyên bố Thượng viện sẽ không thông qua một biện pháp ngân sách nào không được Tổng thống Donald Trump ủng hộ. Trong khi đó, Nhà Trắng cũng ngay lập tức thẳng thừng bác bỏ sáng kiến của phe Dân chủ là "không có tương lai" do "không chi tiền để bảo đảm an ninh quốc gia và bảo vệ các gia đình Mỹ khỏi các vấn nạn như tội phạm, buôn người và thuốc phiện"… Trong tuyên bố trên Twitter, ông Trump tiếp tục bảo vệ kế hoạch xây dựng bức tường biên giới với Mexico, khẳng định Mỹ sẽ không có an ninh biên giới thực sự nếu không có bức tường này.

Thư ký Nhà Trắng Sarah Sanders nêu rõ Tổng thống Trump giữ vững lập trường tìm kiếm một giải pháp giúp chính phủ mở cửa trở lại song không ảnh hưởng tới an ninh của nước Mỹ.

Do vậy, cho dù được thông qua tại Hạ viện vì đảng Dân chủ chiếm đa số, kế hoạch chi tiêu này sẽ không được Thượng viện, nơi phe Cộng hòa kiểm soát 57/100 ghế, chấp thuận.

Trước cuộc họp ngày 3/1, đã có nhiều nỗ lực nhằm mở đường cho các cuộc thương lượng để tháo gỡ thế bế tắc hiện nay, trong đó phải kể đến cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với bà Nancy Pelosi, nghị sĩ đảng Dân chủ và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer - lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện. Tuy nhiên, vấn đề bức tường biên giới vẫn là trở ngại chính khiến cuộc gặp không đạt tiến triển.

Việc phe Dân chủ từ chối yêu cầu của Tổng thống Trump cấp ngân sách trị giá 5 tỷ USD để xây bức tường biên giới ngăn người di cư được cho là đang "chặn đường" một cam kết ông Trump từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Người đứng đầu Nhà Trắng đang gia tăng sức ép để Quốc hội thông qua kế hoạch trên khi ông và phe Cộng hòa đã bắt đầu "chiến dịch" hướng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Tuy nhiên, đây cũng là lần thứ ba trong vòng 13 tháng, chính phủ liên bang dưới sự điều hành của Tổng thống Donald Trump phải đóng cửa vì mâu thuẫn về vấn đề an ninh biên giới.

Nhiều khả năng lần này, hai bên sẽ tìm tới sự thỏa hiệp tạm thời để nối lại hoạt động cho chính phủ. Mặt khác, tính cấp bách trong gói ngân sách chi tiêu sẽ đẩy Tổng thống Trump và các thành viên Cộng hòa bảo thủ vào thế khó, bởi việc không nhân nhượng đồng nghĩa với việc họ đang lấy một số cơ quan chính phủ và 800.000 nhân viên liên bang làm "con tin" để đổi lấy bức tường biên giới.

Có thể nói, vấn đề mấu chốt lúc này sẽ không còn là ngân sách chi tiêu cho bức tường biên giới mà đang trở thành “chiến trường” giữa phe Dân chủ và phe Cộng hòa về các mục tiêu trong tương lai.

Thách thức đối với Tổng thống Trump khi Quốc hội nhiệm kỳ 116 đi vào hoạt động sẽ là những kế hoạch của đảng Dân chủ xúc tiến các cuộc điều tra mới nhằm vào vị Tổng thống của Đảng Cộng hòa trong hàng loạt các vấn đề lâu nay đã được đề cập.

Các nhà quan sát cho rằng, chính trường Mỹ trong thời gian tới sẽ càng thêm rối ren, phức tạp khiến cho các mục tiêu mà Tổng thống Donald Trump đặt ra càng khó thực hiện.

Đây không phải là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ rơi vào thế đối đầu giữa phe Dân chủ và Cộng hòa trên nhiều vấn đề, trong đó có ngân sách.

Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ là cả phe Dân chủ lẫn phe Cộng hòa đều tỏ ra không mấy mặn mà với việc hàn gắn bất đồng, mà chỉ nhượng bộ nhau mang tính tạm thời để hướng tới những mục tiêu xa hơn, đó là cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020. 

Hay nói cách khác là lợi ích đảng phái trong nhiều trường hợp sẽ được đặt trên lợi ích của người dân và điều đó sẽ chi phối hoạt động của Quốc hội Mỹ nhiệm kỳ 116 này. 

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục