BAOTAYNINH.VN trên Google News

Truyện ngắn

Lồng đèn trái thị

Cập nhật ngày: 04/09/2018 - 06:22

BTN - Lồng đèn trái thị có lẽ là loại lồng đèn dễ làm nhất trong tất cả các loại lồng đèn. Vì chỉ cần năm vòng trúc, gồm hai vòng nhỏ hơn nằm trên đầu và đáy lồng. Ba vòng to hơn lần lượt ghép thành hình tam giác sao cho tạo thành hình quả tròn.

Thằng Bin chạy qua chạy lại “vùng cấm địa” khi ba nó đang giơ cao cây rựa róc thật mạnh lóng trúc sao cho đường dao chẻ ngọt để miếng nan không bị vạt qua một bên. Tìm được cây trúc này khó lắm luôn đó, vì ba thằng Bin đã phải đi vài chục cây số về vùng quê mới có trúc để vác về nguyên cây còn cả lá cho con trai mình nhìn mà biết “cây trúc là cây gì”. Bởi nhà Bin ở thành thị, bốn mét chiều ngang, hơn hai chục mét chiều dài, chi chít đồ vật của bốn con người, khoảnh sân nhỏ như tấm nệm thì làm gì có chỗ trồng trúc trồng tre.

Thằng Bin chạy qua chạy lại “vùng cấm địa” khi ba nó đang giơ cao cây rựa róc thật mạnh lóng trúc sao cho đường dao chẻ ngọt để miếng nan không bị vạt qua một bên. Tìm được cây trúc này khó lắm luôn đó, vì ba thằng Bin đã phải đi vài chục cây số về vùng quê mới có trúc để vác về nguyên cây còn cả lá cho con trai mình nhìn mà biết “cây trúc là cây gì”. Bởi nhà Bin ở thành thị, bốn mét chiều ngang, hơn hai chục mét chiều dài, chi chít đồ vật của bốn con người, khoảnh sân nhỏ như tấm nệm thì làm gì có chỗ trồng trúc trồng tre.

Mà thật ra hồi đó nhà ông nội Bin có nhiều trúc lắm. Những hàng trúc cách nhau một con mương cạn, xanh um cả công đất: đào mương như vậy là để hàng cây này không “ăn phân” của hàng kia. Trúc dùng để đan mê bồ, rổ rá… Sau này còn đan cả vỉ phơi bánh tráng nữa. Những hàng trúc đó là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình nhà nội của Bin. Ngoài giờ đi học, ba và các cô chú của Bin sẽ phải chẻ nan đan bồ. Ôi cái công việc chẻ nan cũng chẳng dễ gì đâu nhé, đừng tưởng cây trúc róc sạch, rồi lia cái rựa vô là ra cọng nan, mà phải xem kỹ coi cây trúc bao lớn, vừa ra bốn hay sáu cọng nan, rồi nhè nhẹ lách đầu cây trúc chẻ nhỏ ra, sau đó cho “trái khế” vào các khe đó, dùng bề sống của cây rựa róc xuống tận ngọn trúc, nan mới ra đều.

Bao năm qua, gia đình nhà nội Bin đã sống bằng nghề đan lát như thế. Rồi cuộc sống thay đổi, vườn trúc đã phải chia thành những thửa đất 4 mét ngang tăm tắp để cho những cô, chú Bin cất nhà sinh sống.

Ba của Bin lập gia đình, ở quê giờ ít việc quá, không thích hợp với chàng trai khoẻ mạnh nữa, nên ba Bin đưa vợ lên thị thành sinh sống để được tay năm tay mười mua bán, làm công nhân, chở giao hàng…

Bin được sinh ra ở thành phố nên chẳng biết cây trúc là cây gì. Bảy năm qua Bin chơi lồng đèn điện, nhưng mùa trung thu này nhà trường yêu cầu mỗi học sinh phải dùng lồng đèn giấy đi rước đèn chứ không sử dụng đèn pin như mọi lần. Bin phải nhờ ba làm cho. Chậc, ba làm đổ mồ hôi còn Bin chỉ ngồi nhìn ba làm kèm những câu hỏi huyên thuyên:

- Ba ơi, sao cây trúc chẻ ra cái gọi là cọng nan hả ba?

- Chứ con muốn gọi là gì?

- Phải là “cọng trúc chẻ” chứ.

 - Ừ há, cũng hay nhưng hơi dài so với “cọng nan” hén?

- Dạ… thôi thì gọi là nan nha ba.

- Ba ơi, sao mình không chẻ cọng nan dẹp mà ba cực công vuốt cho nó tròn vậy ba?

- Ừ, vì đây là lồng đèn trái thị nên phải là nan tròn con trai à.

- Còn lồng đèn ngôi sao như bạn Khoa thì nan xẹp hả ba?

- Nan dẹp chứ không phải nan xẹp.

- Vậy lồng đèn trái dừa nan gì hả ba?

- Lồng đèn trái dừa… ba chưa làm. Nhưng chắc trái gì thì nan cũng tròn hết á!

- Vậy xong cái trái thị này, ba làm trái dừa nha!

- Chi vậy con? Có một cái cho cu Bin mà ba mệt lắm nè, tay xém đứt nữa nè…

- Ðể con cho bạn Ngọc Anh, tội nghiệp bạn đó hông có ba nên không ai làm lồng đèn cho hết đó ba.

- Bạn Ngọc Anh ngồi gần với con à?

- Chung bàn luôn đó ba. Bạn đó nhỏ xíu như búp bê mà cái miệng lanh như bà tám vậy đó ba.

- Ha ha… ừ được rồi… ba sẽ làm cho “bà tám” của con một cái lồng đèn trái thị y như con luôn!

- Trái thị bạn đó phải bự hơn của Bin chút nha ba.

- Chi vậy?

- Vì bạn ấy là con gái, mình là con trai, phải nhường cho bạn cái bự hơn.

- Ồ…con trai ba biết ga- lăng ghê ta!

- Ga-lăng là gì vậy ba?

- Là… là cho bạn nhiều hơn mình đó. Thôi ngồi xích ra chút, ba chẻ lóng trúc khác làm cho bạn Ngọc Anh cái lồng đèn nữa.

Khi ba lúi húi chẻ trúc, vót nan thì Bin chạy đi lấy nước. Nó thấy vệt mồ hôi trên mặt ba chảy dài xuống tận cằm nên pha luôn ly nước chanh vì có lần mẹ Bin bảo: “Khi đổ mồ hôi thì nên uống chanh muối để bù lại lượng mồ hôi chảy ra”. Vậy là nửa trái chanh nhé, hai muỗng đường luôn, ly thì vẫn là ly cao hằng ngày nhưng cu cậu không biết dùng bao nhiêu muối cho vừa nên… múc đại nửa muỗng muối cho vào ly nước chanh.

- Ba ơi, uống nước chanh muối nè ba.

- Ui trời… con trai tui biết làm chanh muối à?

- Dạ, vì có lần con nghe mẹ nói, đổ mồ hôi phải uống nước chanh muối.

- Ừ! Cảm ơn con.

Ba Bin cảm ơn nhưng vẫn cắm cúi vót nan khiến cu cậu sốt ruột vì muốn biết thành quả của mình được khen tới đâu nên giục:

- Ba, uống nước đi ba.

- Ừ, từ từ ba uống

- Từ từ gì, ba mệt rồi, uống nước đi coi ngon không ba?

Trước lời mời tha thiết và ánh mắt trong veo nhìn mình, ba Bin cũng bưng ly nước và hớp một hớp thật to vào miệng nhưng rồi… anh phải… á khẩu bởi nó… quá mặn. Nuốt vào thì không được, nhả ra thì sợ con buồn, ngậm đó thì không yên. Cuối cùng ba Bin chọn giải pháp sát khuẩn khoang miệng bằng cách… nuốt hết hớp nước rồi bảo con:

- Ồ ngon thật… nhưng con có nếm thử trước khi mời ba không?

- Dạ không! Con uống trước mất hiếu sao được? Mà… ngon không ba?

- Ồ… vậy ba uống trước rồi, con không sợ mất hiếu nữa, uống thử đi, ngon lắm!

- Dạ!- Cu Bin bưng ly nước, hớp rồi phun phèo ra:

- Mặn vậy mà ba nói ngon gì ba?

- Ủa mặn ha? Sao ba nghe ngọt quá vậy ta?

Bin chạy lại đấm bình bịch lên lưng ba, phụng phịu: “Ba ghẹo con… ba ghẹo… mặn lè mà nói ngọt”. Ba Bin cười khì khì, rằng ngọt là ngọt tình cha con đó con trai à! Chứ có ly nước chanh muối nào nêm hai muỗng đường, một muỗng muối mà ngọt cho được.

Bây giờ Bin mới cười bẽn lẽn, chạy đi.

Lồng đèn trái thị có lẽ là loại lồng đèn dễ làm nhất trong tất cả các loại lồng đèn. Vì chỉ cần năm vòng trúc, gồm hai vòng nhỏ hơn nằm trên đầu và đáy lồng. Ba vòng to hơn lần lượt ghép thành hình tam giác sao cho tạo thành hình quả tròn. Bước đầu tiên dùng kẽm siết sao cho vòng hai nhỏ và nằm trên hai đỉnh đầu vòng tròn to. Sẽ phải cố định bằng bốn mối kẽm nha. Rồi lần lượt hai vòng nan to còn lại, sẽ kết tiếp quanh vòng nan ban đầu. Thành hình quả rồi thì dùng giấy màu phết bột hồ dán lên.

Ở vòng trúc nhỏ, nơi đáy lồng đèn, sẽ có một thanh nan trúc cột ngang, trên thanh nan đó được đôi bàn tay khéo léo của ba Bin cuốn một cái lò xo sao cho vừa cây đèn cầy để mai này lúc xách lồng đèn đi chơi, Bin sẽ đốt cây đèn cho quả thị lung linh.

Ở vòng trúc trên đầu quả thị có một sợi dây kẽm để đầu này cột vào lồng đèn, đầu kia của dây kẽm cột cái đọt trúc làm cây cầm cho Bin khỏi nóng tay. Cơ bản vậy là xong quả thị. Nhưng như thế thì đơn điệu lắm, phải có tí tua rua xanh đỏ chứ! Thế là ba của Bin lại tìm mấy sợi chỉ màu trong hộp đồ may vá của mẹ Bin, cắt đều nhau rồi kết lại thành chùm, cột tua rua đó xuống dưới đáy quả thị, gió làm cho nhúm dây màu xanh đỏ đó phất phơ đẹp ơi là đẹp.

Chiếc lồng đèn của Bin màu xanh, của bạn Ngọc Anh màu đỏ, ba Bin bảo, như thế cho dễ phân biệt nhau chứ thật ra một tấm giấy bóng kiếng màu này, dán tới ba chiếc lồng đèn mới hết. Bin nhanh nhảu:

- Ba ơi ba! Còn giấy kiếng, thôi hông ấy ba làm luôn bốn cái lồng đèn nữa cho các bạn Thuý Quỳnh, Quốc Tiến, Ngọc Lan, Sỹ Hiền trong tổ con luôn đi!

- Ôi trời! Sao mà ba đắt sô dữ vầy nè? Giấy thì nhiều nhưng trúc có lẽ không đủ đâu con!

- Vậy trúc đủ mấy cái lồng đèn nữa hả ba?

- Chừng 2 cái…

- Vậy ba làm cho con nha! Con cho bạn Thuý Quỳnh và Ngọc Lan thôi ạ!

Ba Bin lại lui cui chẻ trúc, vót nan. Con dao làm bếp không phải chuyên dùng cho việc vót trúc nên cũng mấy lần suýt đứt tay. Nhưng nghĩ đến ánh mắt trong veo đầy hân hoan của con khi nhận chiếc lồng đèn là lòng người cha rộn ràng vui vẻ.

Ð.P.T.T