Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Long Giang- miền cổ tích Bến Cầu
Thứ năm: 09:01 ngày 18/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thoạt tiên, tôi cứ đinh ninh là miền cổ nhất huyện Bến Cầu phải là Long Thuận. Bởi Long Thuận có chợ Cầu. Chợ liền với Bến. Từ đó mà thành ra tên huyện Bến Cầu.

Nhưng, đọc kỹ sách Từ điển hành chính Nam bộ, NXB Chính trị quốc gia năm 2008 của nhà nghiên cứu Nam bộ Nguyễn Đình Tư mới rõ, thì ra Long Giang chính là thôn làng cổ nhất của huyện Bến Cầu. Đây nhé, trong mục từ Long Giang (trang 561) là: “thôn thuộc tổng Giai Hóa, h. Quang Hóa, p. Tây Ninh, t. Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836)…”.

Cây đa chùa Bàu Tượng.

Năm ấy, cũng là năm miền đất Tây Ninh chính thức được khai sinh, với cơ cấu hành chính đầu tiên, phủ Tây Ninh thuộc tỉnh Gia Định gồm 2 huyện Tân Ninh, Quang Hóa. Năm 2016, tỉnh Tây Ninh đã kỷ niệm trọng thể sự kiện 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển. Tháng 8 năm ấy cũng khánh thành cầu Bến Đình, nối đôi bờ Cẩm Giang- Tiên Thuận. Từ đây, ai từ bên tả ngạn sông Vàm muốn sang Long Giang thật tiện. Từ quốc lộ 22B đoạn qua Cẩm Giang chỉ cần phóng xe máy chừng nửa giờ thì ta đã có mặt ở giữa thành bảo Long Giang- di tích một thời xưa người Long Giang đánh giặc giữ quê hương.

Dưới tán lá bồ đề và những tán cây dầu cổ thụ cao ngất giữa trời cao là một ngôi miếu nhỏ. Tường gạch xây, rêu phủ ngói nâu. Lúc nào cũng có hương hoa, nhang đèn khói tỏa. Đấy là miếu thờ một vị anh hùng từng lấy ngôi thành bảo này làm căn cứ chống giặc khi quân Pháp vào chiếm 3 tỉnh miền Đông năm 1862. Ông là Lê Đình Két, mà người địa phương thường gọi là Lãnh binh Két, hay ông thần Đầu Đỏ.

Chùa Bàu Tượng.

Sau miếu vài chục mét là bờ thành đất cũ, trên mọc đầy những cây ruối già nua, tuổi tác quá trăm năm. Chính là thành bảo Long Giang, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 1998. Thế nhưng, đã hơn 20 năm từ khi công nhận, ngôi di tích này vẫn chưa từng được bảo trì. Trong khi sức ép của phát triển kinh tế đã lan đến tận chân bờ thành. Mặt phía Bắc đã có cả nhà lầu ép sát; phía nam ruộng lúa cũng xén bờ tới sát chân thành, hoặc có thể đã lạm vào khu đất đã khoanh vùng bảo vệ.

Long Giang có chùa Bàu Tượng, có ấp Xóm Khách- những cái tên gợi những hồn xưa bóng cũ của Long Giang. Xin lưu ý, rằng thoạt đầu Long Giang có thể là toàn bộ vùng đất Bến Cầu. Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838) mới tách lập ra các thôn Long Chữ và Long Thuận (sách đã dẫn, trang 401). Đến năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực mới tách, lập ra thêm hai thôn Long Khánh và Tiên Thuận. Cũng là từ cái nền móng đầu tiên là miền đất cổ Long Giang.

Miếu thờ, thành bảo Long Giang.

Trước đó nữa thì đây chính là rừng Quang Hóa. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép, rừng này: “Ở phía tây huyện Quang Hóa (bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ- NV), gò đồi trùng điệp, rừng rú liền dăng, cây cối cao lớn chọc trời, rậm rạp hàng vài trăm dặm…”. Rừng để lại cái tên cho chùa Bửu Long, mà dân vẫn quen gọi là chùa Bàu Tượng, do trước chùa xưa là cái bàu lớn voi thường quần tụ cả bầy xuống tắm.

Trong chùa vẫn còn khoảng 10 cây cổ thụ, trong đó có một cây đa lớn và đẹp tuyệt, bởi nhiều cụm rễ cây từ cành rủ xuống cũng đã thành thân gốc lớn. Nhưng tôi vẫn còn tiếc hàng cây ruối cổ, mà có lẽ nó đã có từ lâu trước khi người đến lập chùa (khoảng 1872). Trước mặt tiền chùa cũng còn vài cây dầu lớn gồ ghề hang hốc. Trong ấy thế nào cũng có vài con cú mèo đang ngủ lim dim.

Miếu Bà ấp Xóm Khách.

Nhưng, dấu tích rừng rõ nhất là ở vài ngôi miếu thờ Bà Chúa xứ. Nhất là ngôi ở ấp Xóm Khách- Long Giang. Đất cũng còn hẹp thôi nhưng rợp bóng cây rừng và cả dây leo chằng chịt, cây bụi, tầm gửi như ở rừng nguyên sinh.

Đấy mới là những ngôi thờ đầu tiên khi lưu dân Việt khai phá rừng hoang, làm nhà, cấy lúa. Bởi người dân luôn tin có một bà Chúa Xứ, còn gọi là bà chúa Ruộng Đồng. Nên công việc đầu tiên là phải lập ngôi thờ Bà, để Bà phù hộ mọi sự làm ăn.

Sau khi xóm ấp đã định hình, dân cư đông lên, đủ tài lực mới tính chuyện xây đình. Đình Long Giang nay cũng ở liền một bến sông trên bờ rạch Bảo.

Ruối cổ trên bờ thành bảo.

Ai người thành phố muốn tìm lại chút thư thái trong lòng thì cứ về miền đất cổ Long Giang. Theo lối cầu Gò Chai, đường 786 hoặc theo quốc lộ 22B qua bến Đình đều êm bánh xe lăn, đường thảm bê tông nhựa. Miền đất này vẫn ắp đầy cây trái, ruộng lúa vườn cây.

Tôi đã từng thấy những ruộng bắp lai hay ruộng thuốc lá vàng cao ngập đầu người điểm trang cho những cánh đồng lúa dài đến chân trời xa tắp. Tháng 7 vừa rồi tôi qua, lại gặp cả những ruộng thanh long kề với đầm ao bát ngát sen hồng.

Làng quê Long Giang

Đất Long Giang thật tốt, dù đã cùng người miệt mài mưa nắng mấy trăm năm. Đấy là câu nói của anh bạn trẻ đang chăm sóc thanh long. Hỏi về sen, anh bảo: - Trồng gì đâu anh! Chỉ thả chơi có hai bụi mà nay đã lan thành cả một đầm sen.

Đất Long Giang có diệu kỳ không, thưa bạn!

Nguyễn Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục