Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lòng hồ mùa nước cạn
Thứ bảy: 00:06 ngày 13/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tháng hai, tháng ba, tháng tư… nước hồ dần cạn, một nhịp sống mới trên lòng hồ lại bắt đầu. Bạn có thể rong ruổi xe máy xuống tận đáy hồ xanh mướt cỏ như thảo nguyên bao la; tìm đến những vạt rừng tràm toả bóng mát rượi và thu vào máy ảnh những cảnh đẹp đến ngỡ ngàng của cát vàng, cỏ xanh...

Một góc bãi đá trong Lòng hồ.

Hằng năm, khi mùa mưa dứt, những cánh đồng lúa vụ Đông Xuân cần “chi viện” nước, hồ Dầu Tiếng bắt đầu làm nhiệm vụ tưới tiêu. Đập mở, nước chảy về những con kênh, tràn qua đồng lúa.

Tháng hai, tháng ba, tháng tư… nước hồ dần cạn, một nhịp sống mới trên lòng hồ lại bắt đầu. Bạn có thể rong ruổi xe máy xuống tận đáy hồ xanh mướt cỏ như thảo nguyên bao la; tìm đến những vạt rừng tràm toả bóng mát rượi và thu vào máy ảnh những cảnh đẹp đến ngỡ ngàng của cát vàng, cỏ xanh...

Màu xanh nơi Bến Quỷnh

Từ dốc đê thuộc xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, theo con đường mòn nhỏ xíu, quanh co giữa bạt ngàn đồng cỏ, rẫy mì, chúng tôi tìm vào bến Quỷnh. Theo lời truyền miệng của người dân nơi đây, quỷnh là một loại cây rừng. Ngày xưa nơi đây cây quỷnh mọc nhiều, vậy là thành tên bến Quỷnh dù nơi đây đã không còn cây quỷnh nào.

Mùa này, bến Quỷnh được bao quanh bởi những đám mì xanh um và hơn 40 ha rừng tràm nước. Chủ nhân của những vạt rừng tràm là một người yêu rừng- anh Võ Văn Triết (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu). Anh Triết nói rằng anh đã có hơn hai mươi năm trồng rừng nơi Lòng hồ.

Dạo gần đây anh trồng thử nghiệm hơn 2 hecta cây gáo để tạo sự phong phú cho hệ sinh thái. Chúng tôi len lỏi vào những vạt rừng tràm mát rượi, nghe tiếng chim ríu rít, tận hưởng một cảm giác mát rượi và thật bình yên.

Ngửa mặt nhìn trời xanh, cái nắng gắt gần 40 độ cũng như dịu hơn dưới những tán lá tràm xanh mướt -mái nhà của rất nhiều loài chim. Trải khắp Lòng hồ, hàng chục hecta tràm Úc, cây gáo nhiều lứa tuổi không ngừng vươn cao. Vài nơi, những cây con đang được trồng xuống để tiếp tục phủ xanh.

Dạo một vòng giáp khoảng rừng tràm gần 40 hecta, chúng tôi còn nghe tiếng máy cày rầm rập, phá tan sự tĩnh lặng giữa bạt ngàn mênh mông, thỉnh thoảng là sự xao động của bầy chim rừng, những con bọ cánh.

Những trái tràm xám xịt rủ xuống, đung đưa khiến người không thể lướt vội qua. Đôi lúc, anh Triết dừng xe để chúng tôi được thăm thú những mảng xanh của các loại rau mà những người giữ rẫy đã trồng bỏ lại, là những hồ nước nhỏ mà đến mùa sẽ rợp bông súng hồng tươi.

Anh Triết nói sắp tới sẽ cho sửa sang lại mấy căn chòi xung quanh để có chỗ lưu trú mỗi khi có người tìm đến rừng. Chúng tôi còn được trải nghiệm cảm giác chòng chành, không kém phần thú vị khi ngồi trên máy cày vượt qua những vũng nước ngập bánh.

Ghi lại khoảnh khắc đẹp trên hồ Dầu Tiếng.

Căn chòi nhỏ giữa rừng tràm, là nơi trú tạm của anh Triết, cũng là nơi chứa vật tư dùng sản xuất nông nghiệp. Anh Triết nói, những ngày vào mùa trồng mì, làm cỏ, người làm công đổ vào rất đông, rôm rả tiếng người.

Xung quanh căn chòi, anh Triết thả vài dây dưa hấu đã ra trái tròn mẩy, hay những khóm tre gai đang kỳ đâm chồi. Anh nói: “Cây trồng ở đây không dùng thuốc gì nhưng vẫn lớn khoẻ. Có trái mang về tặng mọi người trong xóm vui lắm!”. Dưới ao nước cạnh căn chòi, mùa nước đi qua những con cá đủ loại tụ về đây rất nhiều, chỉ cần xuống ao sục sạo một lúc là có cá tươi ngon.

Anh Triết nói, thỉnh thoảng có vài người khách đến thăm, được tiếp đãi cũng là điều thú vị. Anh còn bật mí, mỗi mùa trong Lòng hồ đều mang đến một vẻ đẹp khác nhau. Anh hẹn: “Khi nước lên, tầm tháng 10 dương lịch, các bạn hãy đến trải nghiệm lướt vỏ lãi xuyên rừng ngắm hoa tràm nở trắng xoá”.

Kỳ thú lòng hồ

Sáng sớm, mặt trời vừa ló dạng, anh Võ Thanh Hiệp (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) mang bộ đồ nghề câu cá ra ngã ba Lòng hồ cùng những anh em trong nhóm xuất phát, hướng về đập chính.

Thỉnh thoảng anh Hiệp và mọi người chạy chậm lại, rồi dừng hẳn xe. Thì ra, mọi người phát hiện những tổ mối nằm dưới những bụi cây ven đường. Dùng chiếc rựa nhỏ mang theo, anh Hiệp nạy vòng quanh chân tổ mối, đào lên, cho lên xe chở đi. Anh Hiệp lý giải: “Tổ mối này sẽ được thả dưới đáy hồ, khu vực mình sẽ thả câu để làm mồi nhử cá lại gần”.

Điểm câu của anh Hiệp hôm ấy là bãi câu nằm cạnh cửa cống số 1. Tại đây có khá nhiều người đến câu. Anh Hiệp cho biết, nhà anh bán hủ tiếu chay buổi chiều. Buổi sáng rảnh rỗi, anh đi câu giải trí.

Ngồi cạnh bên anh Hiệp là ông Hai Nô, 60 tuổi. Ông Nô vừa đến hồ, thả mồi không bao lâu đã câu được 2 con cá rô phi to bằng bàn tay. Ông Hai cười nói: “Nhà tui trồng mãng cầu, mì. Hôm nào rảnh rỗi, không phải tưới nước, bón phân, tui cũng theo mấy anh em đi câu cho vui. Hôm nào câu được nhiều cũng có hơn 10kg cá, có hôm cũng về tay không”.

Mùa cạn, hồ Dầu Tiếng có nhiều bãi câu cá hấp dẫn mà bãi đá là một trong những nơi được nhiều dân câu cá biết đến. Đây còn là một điểm đến không thể bỏ qua với những ai thích trải nghiệm, săn ảnh thiên nhiên. “Có nhiều đường để vào bãi đá. Các bạn mướn đò chạy qua, giá tầm 25 ngàn đồng/người, hoặc chạy xe máy ven mép nước. Đi xe máy có thể dừng lại chụp ảnh, thích hơn!”, anh Hiệp căn dặn.

Khung cảnh bình yên trên hồ.

Đi sâu vào Lòng hồ, càng đi, chúng tôi càng ngỡ ngàng trước khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Sát mép nước, bãi cát trắng, lấp lánh những vỏ hến trải dài. Cạnh bãi cát, những vạt cỏ vừa đến độ nở ra những cánh hoa li ti màu xanh cốm, thênh thang một góc hồ.

Đường từ hồ vào bãi đá chỉ hơn 5km, nhưng phải mất hơn 1 giờ để đến nơi. Phần vì mùa mưa, đường lầy, phần do những cảnh đẹp trên đường cứ cuốn lấy kẻ phương xa. Chúng tôi muốn dừng lại, thu tất cả vào tầm mắt.

Ngọn núi Bà quen thuộc hằng ngày giờ trở nên thơ mộng trên thảm cỏ xanh, đỉnh vờn mây trắng. Thi thoảng trên đường, chúng tôi lại bắt gặp những đàn trâu hàng trăm con lang thang gặm cỏ, hay một “gia đình” trâu tận hưởng sự mát mẻ dưới những vũng nước còn đọng lại. Tất cả tạo nên một cảnh quê yên ả, trong lành.

Bãi đá hiện ra lô xô nổi trên mặt nước càng làm choáng ngợp lòng người. Dưới nắng chiều, bãi đá rực vàng, xa xa là núi Cậu xanh thăm thẳm. Cảnh sắc nơi đây làm người ta như “lạc trôi” đến miền duyên hải xa xôi.

Phóng tầm mắt bao quanh, chúng tôi còn thấy khoảng 5 hòn đảo lớn nhỏ khác. Có hòn nằm sát đất liền, xe có thể chạy qua. Nhưng cũng có hòn nằm chơ vơ giữa lòng nước, phải lội bộ hoặc dùng ghe chèo ra.

Một góc bãi đá trong lòng hồ.

Đi cùng chúng tôi còn có anh Hữu Long, phóng viên ảnh của Tạp chí Du lịch thành phố Hồ Chí Minh. Anh tranh thủ ghi lại những bức ảnh cuối ngày trên bãi đá. Anh Hữu Long cho biết, qua một người bạn, anh biết hồ Dầu Tiếng đang vào mùa khô.

Tranh thủ ngày cuối tuần, anh đến đây ghi lại những khoảnh khắc đẹp, chuẩn bị cho phóng sự ảnh sắp tới của tạp chí. Anh chia sẻ: “Tôi đã đi qua hồ Dầu Tiếng nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tôi đến vào mùa nước cạn. Thật không nghĩ có thể bon bon chạy xe giữa đáy hồ như thế này. Những bãi cỏ mơn man ngập lối, những đàn trâu gặm cỏ và cả các bãi đá nơi đây cũng thực sự cuốn hút. Hồ Dầu Tiếng mùa khô quá đẹp!”.

Nếu là người yêu thiên nhiên, thích trải nghiệm, bạn chẳng cần đi đâu xa, hãy thử một lần vào Lòng hồ tận hưởng cảnh đẹp tuyệt diệu mùa nước cạn, để thấy quê mình đẹp lắm!

Ghi chép: Vi Xuân - Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục