BAOTAYNINH.VN trên Google News

Long Khánh: Đầu tư cho CSHT là tiền đề xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 04/06/2011 - 11:09

Ngôi trường tiểu học Long Khánh A được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia với kinh phí đầu tư hơn 16 tỷ đồng do Công ty Him Lam tài trợ

Long Khánh là một xã nghèo vùng biên giới của huyện Bến Cầu, đa số người dân trong xã sống bằng nông nghiệp (chiếm 80% tổng số hộ), số còn lại kinh doanh mua bán nhỏ lẻ. Xã Long Khánh có đường biên giới dài 4,4 km giáp với xã Norum của huyện Svay- Tiệp, tỉnh Svay Riêng, Vương quốc Campuchia. Dân số toàn xã  gồm 1.454 hộ, 6.251 nhân khẩu, diện tích tự nhiên là 2.843,52 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 1.781 ha.

Nhìn lại quá trình phát triển và xây dựng lại từ những tổn thất, mất mát sau chiến tranh của xã Long Khánh, mới thấy hết được sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Chính nhờ sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi đó, giờ đây đời sống người dân xã Long Khánh có bước chuyển biến về đời sống kinh tế, giảm hộ nghèo tăng hộ giàu khá, không còn hộ nhà tranh vách lá xiêu vẹo. Những năm trước đây, mặt bằng kinh tế xã hội của xã phát triển không đồng đều, hạ tầng cơ sở còn nghèo nàn, điện, đường, trường, trạm còn thiếu thốn mọi mặt, đời sống nhân dân trong xã hết sức khó khăn.

Với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước bằng những dự án xoá đói giảm nghèo đầu tư cho các xã nghèo biên giới trong đó có xã Long Khánh, hằng năm số hộ nghèo trên địa bàn xã được kéo giảm đáng kể. Chỉ tính từ năm 2005 toàn xã có 1.227 hộ thì số hộ nghèo đã là 441 hộ. Trong đó hộ nghèo theo tiêu chuẩn TƯ chiếm 321 hộ. Năm 2006 giảm xuống còn 225 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo theo tiêu chuẩn TƯ chiếm 155 hộ. Và năm 2007 toàn xã chỉ còn 221 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo theo tiêu chuẩn TƯ chiếm 142 hộ. Có được những thành tựu như hiện nay chủ yếu là nhờ việc thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn xã được quan tâm đầu tư đúng mức.

Tính từ năm 2005 cho đến nay, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào các công trình phúc lợi trên địa bàn xã để vực dậy nền kinh tế với tiềm năng sẵn có của xã Long Khánh. Cụ thể là Nhà nước đã đầu tư nâng cấp mở rộng bến tàu Long Khánh để người dân trong và ngoài xã có điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng thương mại dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm cho số lao động nhàn rỗi sau mùa vụ. Đầu tư dự án đê bao vùng bán ngập khu vực Đìa Sấu (thuộc khu vực Cầu Lớn, ấp Long Châu, xã Long khánh) với diện tích là 27 ha để nông dân phát triển sản xuất và nuôi cá xen canh. Đầu tư dự án nâng cấp mở rộng vùng tưới trạm bơm Long Khánh từ vài chục ha lên 220 ha, trong đó xây dựng nhà trạm và bê tông hoá hệ thống kênh tưới và kênh tiêu với các hạng mục công trình gồm: 1 kênh chính với chiều dài 222 mét, 2 kênh tiêu chiều dài 3.228 mét, ngoài ra còn có hệ thống kênh cấp I gồm 5 tuyến kênh với chiều dài 4.713 mét, hầu hết đều được bê tông hoá để nông dân mở rộng diện tích sản xuất.

Hệ thống kênh tưới trạm bơm xã Long Khánh được bê tông hoá để phục vụ tưới tiêu trên cánh đồng xã Long Khánh

Về y tế, giáo dục cũng được cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng trạm y tế, trường học đạt chuẩn quốc gia. Cụ thể là công trình mà người dân trong xã hết sức phấn khởi đó là công trình xây dựng mới Trường tiểu học Long Khánh A theo tiêu chuẩn quốc gia với kinh phí hơn 16 tỷ đồng do Công ty Him Lam tài trợ. Hiện nay xã Long Khánh đang đầu tư xây dựng mới một sân vận động đúng theo tiêu chuẩn để phục vụ hoạt động thể dục thể thao của nhân dân.

Bên cạnh đó, về mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn xã hầu hết các tuyến đường trong các khu dân cư đều được trải sỏi phún và còn có đường nhựa dài hơn 5 km nối liền với xã Norum (Campuchia) để nhân dân hai nước qua lại trao đổi mua bán hàng hoá. Tất cả những sự đầu tư đáng kể đó là tiền đề thuận lợi cho xã Long Khánh xây dựng xã nông thôn mới theo tiêu chí của Chính phủ.

Minh Tiên