Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Long Trung- quê của thành hoàng 

Cập nhật ngày: 24/10/2018 - 07:55

BTN - Người Long Trung vốn cần cù thương khó, lại nhanh nhạy với cái mới nên ta có thể tin vào quyết tâm xây dựng đô thị tương lai của lãnh đạo huyện Hoà Thành. Một ví dụ đây, cũng ở giữa đất Long Trung. Ðấy là khu vui chơi giải trí sinh thái Long Trung, hiện ở rất gần với ngôi miếu thờ Quan thánh; cũng là gần với khu nhà xưa của cụ tổ họ Trần.

Khu vui chơi giải trí sinh thái Long Thành Trung.

Nhiều người Tây Ninh đã biết vị thành hoàng ấy được thờ tại đình Long Thành, nay thuộc xã Long Thành Nam của huyện Hoà Thành. Long Thành cũng là thôn làng xưa thiết lập dưới triều vua Thiệu Trị (1844), là đất gốc gác của cả ba xã: Long Thành Nam, Long Thành Trung và Long Thành Bắc hiện nay.

Báo Tây Ninh ngày 13.8.2018 có bài: “Công bố quy hoạch chung đô thị Hoà Thành”. Và đô thị ấy thuộc loại cấp IV, nói nôm na thì sẽ là thị xã Hoà Thành vào năm 2020. Theo quy hoạch: “Các khu trung tâm đô thị: khu trung tâm tổng hợp hành chính, văn hoá, thương mại, thể dục thể thao tại xã Hiệp Tân và Long Thành Trung… Ngoài ra, còn hình thành trung tâm du lịch tâm linh, văn hoá Gò Kén - Thiền Lâm gắn kết với không gian sinh thái sông Vàm Cỏ Ðông…”.

Như vậy là, các trung tâm trọng yếu của đô thị tương lai này đã nhắm đến Long Thành Trung, quê hương của cụ Trần Văn Thiện- người chỉ huy khai phá đất Long Thành từ giữa thế kỷ 19, đến nay gần 175 năm. Nhà cụ xưa ở ấp Long Trung, ngay bên con đường trục nối thị trấn Hoà Thành ra quốc lộ 22B.

Từ Thị trấn, theo đường Thượng Thâu Thanh đi ra, dễ nhận thấy ngôi miếu Quan thánh Ðế quân mái ngói đỏ óng ở ven đường, trước một ngôi trường mẫu giáo. Ðấy là một trong những di sản còn lại từ thời mở đất lập làng, do chính cụ và những người chung chí hướng xây nên. Dĩ nhiên, ngôi miếu cũng đã được tu sửa, xây mới lại vài lần, nên cũng chẳng còn những hình xưa bóng cũ.

Chỉ biết, ngôi miếu được xây đầu tiên năm 1848, đến nay đã đúng 170 năm. Thực ra, cụ có quê gốc ở thôn Trung Lập, huyện Bình Long, Gia Ðịnh. Ðến năm 1844, cụ mới cùng phụ thân đến Tây Ninh và góp của góp công xây dựng thôn mới Long Thành.

Nhưng tại sao lại là miếu thờ Quan thánh Ðế quân? Một trong những hậu duệ của cụ Trần là ông Trần Văn Chì (nhà ở phường 2, TP. Tây Ninh), sinh thời đã có lần giải thích:- Ðấy là do cụ Thiện người gốc Hoa- Minh Hương. Ði tới đâu, người có nguồn gốc ấy đều lập đền, miếu thờ Quan thánh- chính là Quan Vân Trường trong truyện Tam Quốc Chí. Ngài đã hoá thánh thần và luôn phù hộ cho những người trung nghĩa. Nhiều chùa Việt ở Tây Ninh đến nay cũng có thờ ngài.

Long Thành Trung là một trong những xã đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới từ rất sớm. Nếu như các ấp Long Thới, Long Kim, Long Chí với các trục trung tâm đô thị Hoà Thành, như đường Tôn Ðức Thắng, hay trục Phạm Hùng thì ấp Long Trung lại bám theo hai trục đường quốc lộ 22B và Thượng Thâu Thanh sát tới bờ rạch Tây Ninh. Nếu như các ấp kể đầu tiên đã được đô thị hoá cao, thì riêng ấp Long Trung vẫn giữ được nhiều hình ảnh quê kiểng hồn nhiên, mộc mạc.

Những công trình của vị thành hoàng để lại, hoạ may cũng chỉ tìm thấy ở Long Trung. Ngoài ngôi miếu đã kể, Long Trung còn dấu tích những bờ đê ngăn nước sông Vàm mỗi mùa lũ lớn. Dân địa phương gọi là những bờ sa nhỏ và sa lớn, do việc tận dụng bờ để đắp làm sa bắt cá. Một bờ sa các cụ Ban Hội đình Long Thành còn nhớ là ở ngang qua khu chùa Gò Kén.

Một bờ sa nữa nay ở giữa những ruộng lúa nằm sâu trong đất ấp Long Trung, nơi giữa đồng nhô lên vài cây thốt nốt trơ vơ làm dấu mốc (gần hầm cá nhà ông Sáu Nhiệm). Long Trung dường như vẫn là một ốc đảo xanh kề bên những trục đường đô thị náo nhiệt, ồn ào. Vậy mà vẫn còn những phần đất, nước của Long Trung chưa mấy người Tây Ninh được biết.

Ðấy là nhờ cây cầu mới bắc qua kênh Séville phía sau chùa Gò Kén. Cầu đã xây xong vào khoảng giữa năm 2018. Và con đường dẫn từ trước chùa tới cầu cũng đang được hối hả tôn cao bằng sỏi đỏ trong những ngày cuối tháng 9.2018. Tấm bảng mới tinh sơn xanh, trắng gắn ở hai đầu cho biết đấy là cầu Gò Kén, chiều rộng 4m, chiều dài 52,25m. Chỉ tiếc, do tên xã quá dài chăng! Mà người ta phải viết tắt là xã Thành Trung, huyện Hoà Thành.

Con kênh này, theo ông Huỳnh Minh, tác giả Tây Ninh xưa là: “Một con kinh đào đáng kể nhất trong tỉnh… kính hoàn thành vào năm 1902, do sáng kiến của Tỉnh trưởng Pháp thời bấy giờ tên là Séville” (Tây Ninh xưa, Nxb, tái bản 2001). Kênh này dài gần 5km, nối cảng Bến Kéo với rạch Tây Ninh ở đoạn cách cầu Hiệp Hoà trên quốc lộ 22B gần 500m phía hạ lưu.

Cái tên Séville không còn nữa, mà dân Gò Kén quen gọi là kênh Lò Gạch, do đây là đường chuyên chở nguyên liệu, hàng hoá cho khoảng 20 cái lò gạch từng nghi ngút cháy quanh gò hơn 10 năm về trước. Có cầu kênh, nên mới biết Long Trung còn một phần đất như một dải cù lao nằm giữa kênh Séville và rạch Tây Ninh.

Người Long Trung nhanh nhạy! Nên đã có vài hộ dân lên luống, đào mương, lập vườn trồng cà na giống Thái Lan. Vài hộ khác quây lưới nuôi vịt xiêm hay vịt cỏ. Xa xa, ở phía Nam cầu nổi lên một cụm rừng toàn cây sao cổ thụ. Ðấy là rừng của bác Ba U trồng từ trước năm 1975. Bác Ba đã mất, con cái vẫn giữ khoảng rừng gần 4 ha này như một kỷ niệm của người cha.

Sinh thái là ở đây, chứ còn đâu nữa! Dải cù lao có điểm đầu nhọn như một mũi tên được gọi là gò Nhọn, những dải bờ sông xanh ngắt rặng tràm cho nhiều cánh cò chiều chiều bay về nghỉ tạm. Bên kia rạch Tây Ninh thuộc xã Thanh Ðiền còn có gò Cổ Lâm lưu dấu tích ngàn năm. Bên này là Thiền Lâm - Gò Kén, sau hơn 10 năm “tôn tạo phát huy” đã trở thành một trung tâm văn hoá của Phật giáo tỉnh nhà.

Người Long Trung vốn cần cù thương khó, lại nhanh nhạy với cái mới nên ta có thể tin vào quyết tâm xây dựng đô thị tương lai của lãnh đạo huyện Hoà Thành. Một ví dụ đây, cũng ở giữa đất Long Trung. Ðấy là khu vui chơi giải trí sinh thái Long Trung, hiện ở rất gần với ngôi miếu thờ Quan thánh; cũng là gần với khu nhà xưa của cụ tổ họ Trần.

Giữa tháng 9, mùa thu mà những ao sen trong ấy vẫn ngời xanh sắc lá sen và những đoá sen tở mở tươi hồng. Chỉ từ một khu ao đầm thôi, chủ quán đã tạo tác nên một khung cảnh tuyệt vời thơ mộng. Những mái lá cao lớn lợp toàn dừa nước trầm ngâm soi bóng mình trên mặt nước. Từng dãy lều câu cá, cũng lá buông rèm trên vài cột cây nhẹ nhõm thanh tao.

Hoa lá rủ đầy sau, trước. Cả một lối đi buông đầy những rèm xanh mát mắt của dây trầu. Dưới lắt lẻo cầu tre là vài chiếc xe đạp nước. Thêm vài tiểu cảnh xinh xinh với lục bình, lọ gốm cùng bánh xe quay con nước. Bờ các hồ ao lá tràn xanh thắm, hoa vàng tươi những rặng keo, tràm. Ðây chỉ là một phần rất nhỏ của ấp Long Trung, quê hương của cụ thành hoàng. Con cháu của cụ đến nay đã 6-7 đời người vẫn sống trên đất hương hoả cha ông để lại.

TRẦN VŨ