Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hôm về dự Đại hội Kiến trúc sư Tây Ninh vào đầu tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn đã thốt lên trong bài phát biểu của mình: “Các bạn có một đô thị - thị xã Tây Ninh xanh tươi quá!”.

Hôm về dự Đại hội Kiến trúc sư Tây Ninh vào đầu tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn đã thốt lên trong bài phát biểu của mình: “Các bạn có một đô thị - thị xã Tây Ninh xanh tươi quá, hoàn toàn xứng với một thành phố sinh thái một ngày không xa nữa…”. Thưa vâng! Đấy là ông mới chỉ đi lướt qua mấy đại lộ hay phố lớn. Ông còn chưa biết đến những hẻm phố luồn sâu trong lòng phường, xã. Phố lớn chỉ như những động mạch chủ, còn vô vàn tĩnh mạch êm đềm lặng lẽ dưới làn da đô thị Tây Ninh- nơi cuộc sống rì rào, bền bỉ suốt hàng thế kỷ qua. Thâm trầm như ngói cũ. Mà luôn tươi mới với cỏ cây và những đổi thay đôi lúc khiến người quen cũng thấy ngỡ ngàng.
Sự đổi thay thú vị nhất có lẽ là ở trong từng con hẻm nhỏ. Ô hay! Thế phố đường to chẳng đổi thay sao? Thưa, có đổi nhưng nó chầm chậm diễn ra trước mắt mọi người mỗi ngày, nên đã trở thành quen thuộc. Còn trong hẻm? Chính là nhờ sự nghiệp giao thông theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” của Đảng bộ Tây Ninh, nên những cảnh con đường lầy lội đầy rác rưởi đã dần biến mất chỉ sau có mấy năm, mới thật sự là cuộc đổi thay cho tất cả mọi người dân Thị xã. Tôi còn nhớ khoảng 3 năm trước đây, Báo Tây Ninh có đăng chuyện một gia đình ở mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám đã hiến cả hơn mét đất mặt tiền cho phường xây hẻm phố. Đủ biết lòng dân thị xã Tây Ninh hoan hỉ biết mấy khi thực hiện chủ trương này.
![]() |
Có lẽ phải mất đến cả tháng mới đi cho hết hẻm. Đành đợi cho đến lúc đủ tư liệu cho một bài dài. Đại thể là hẻm phố Tây Ninh không quá nhỏ như ở một vài đô thị lớn. Bề rộng từ 2 đến 4 mét, mặt đường bê tông êm thuận, phẳng phiu. Làm xong, người ta còn cẩn thận làm thêm một barie ở đầu hẻm, không cho xe tải đi vào… Nay tôi mới chỉ dám kể đến vài hẻm phố nhỏ thôi. Như ở trước Công ty Dược phẩm Tây Ninh trên đường Nguyễn Thái Học có một con hẻm nhỏ mà suốt mùa hè qua, lần nào đi qua tôi cũng không thể không bị hút mắt vào. Đấy là do ở đầu hẻm có một cây phượng luôn bừng bừng hoa đỏ. Ngay dưới gốc phượng ấy có cong cong ngói cũ cổng quán cà phê Cõi Riêng. Rồi hẻm từ đường Cách Mạng Tháng Tám vào đền Trần Hưng Đạo thật khó nhận ra lối vào vì lô nhô nhà cửa mặt tiền nhưng vô được một đoạn rồi bỗng thấy bừng lên sắc điệp đỏ, vàng hai màu rực rỡ. Đó là cây điệp từ sân đền đã lớn vượt rào hăm hở xoè ra. Hẻm lớn và dài, nối thông hai phố lớn Nguyễn Trãi và Hoàng Lê Kha là hẻm số 1 (bên phía đường Nguyễn Trãi) và hẻm 15 ở phần còn lại. Nhiều khúc ngoặt quanh co, để không gian luôn luôn biến đổi. Khi thì rung rinh bông mướp vàng; khi tím mát bằng lăng. Nhà thì đơn sơ nhưng hầu như cái nào cũng đẹp. Vì ở đâu cũng có một vuông vườn chông chênh bóng những tàu dừa trên cao và dưới thấp muôn loài cỏ hoa.
Mải tả cảnh hẻm người, lại nhớ ra hẻm có nhà tôi ở. Ừ nhỉ! Có gì đâu, vì hẻm ngắn chứa được có bốn căn nhà tập thể khi xưa. Vậy mà cũng có phất phơ vài chùm bông bụt đỏ, dưới một hàng cây ngọc lan sực nức hương hoa…
Đời sống phát triển, nhiều hẻm phố đã không còn tĩnh lặng bình yên nữa. Nhiều quán karaoke, nhà hàng, cà phê sinh thái… cũng đã mọc lên.
Tại Đại hội Kiến trúc sư bữa ấy, đáp lại lời kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, ông Trịnh Ngọc Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Tân Chủ tịch Hội Kiến trúc sư khoá mới vẫn còn một nỗi băn khoăn: “Làm sao giữ gìn cho được đặc trưng sinh thái của kiến trúc đô thị Tây Ninh trước sức ép ngày một tăng của làn sóng đô thị hoá!”.
NGUYỄN QUANG VĂN