Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tại phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng có một lớp dạy đờn ca tài tử dành cho các em nhỏ được thành lập từ tâm huyết của những người trẻ với mong muốn gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật văn hoá truyền thống của dân tộc.
Điền Quốc Bảo- Người chịu trách nhiệm chính đứng lớp, truyền dạy kiến thức cho học viên.
Từ tháng 6.2023, lớp “Đồng ấu Gia Bình” đã có những tiết dạy đầu tiên với gần 40 học viên. Những kiến thức đờn ca tài tử, cải lương, ngũ cung như: hò, xự, xang, xê, cống và bản “Dạ cổ hoài lang” được các thầy, cô trẻ tận tuỵ truyền dạy đến các em.
Đam mê ca hát và ôm ấp ước mơ trở thành ca sĩ, nên khi lớp Đồng ấu Gia Bình khai giảng, em Lê Hà Thảo Tiên đã không chần chừ đăng ký tham gia. Mỗi tuần đều đặn hai ngày thứ hai và chủ nhật, em cùng các bạn đến lớp để học đờn ca tài tử và rèn luyện giọng hát.
Lê Hà Thảo Tiên chia sẻ: “Hồi nhỏ con có ước mơ làm ca sĩ, nên giờ thấy có mở lớp con rất hào hứng tham gia, tại vì con muốn gìn giữ giá trị văn hoá về đờn ca tài tử của Việt Nam”.
Em Nguyễn Ngọc Như Ý lớp học đờn ca tài tử giúp em hiểu và thêm yêu những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Những ngày hè em đã có thêm một hoạt động giải trí vừa lành mạnh, vừa bổ ích.
“Trước đây chưa biết đờn ca tài tử, con chỉ hát mấy bài lý, giờ được học thêm hò và dạ cổ hoài lang. Con cảm thấy rất vui vì đã biết thêm được những bài ca cổ của Việt Nam”. Như Ý bộc bạch.
Lớp Đồng ấu dạy đờn ca tài tử là tâm huyết của anh Phí Thành Phát- Phó Bí thư Đoàn phường Gia Bình. Với mong muốn từ những giai điệu của dân tộc, từng lời ca, tiếng hát sẽ hun đúc trong các em tình yêu với quê hương, đất nước.
Nghệ sĩ Nguyễn Thị Lệ Thuỷ hát mẫu cho các em học viên.
“Tôi nghĩ thế hệ trẻ ngày nay cần dành nhiều sự quan tâm hơn đến những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Những nét đẹp này, nếu không được gìn giữ, không có lớp kế thừa rất dễ mai một”. Anh Phát bày tỏ.
Lớp học hoàn toàn miễn phí, với tổng số 24 buổi giảng dạy vào thứ hai và chủ nhật hằng tuần và được duy trì từ tháng 6 năm 2023. Điền Quốc Bảo- người chịu trách nhiệm chính trong giảng dạy.
Mang trong mình tình yêu mãnh liệt với âm nhạc dân tộc, anh Bảo tích cực tìm tòi, nghiên cứu về đờn ca tài tử để dạy cho các em thiếu nhi. Từng kiến thức của nghệ thuật đờn ca tài tử được người bạn biên soạn sao cho có thể truyền tải thật đơn giản, dễ hiểu đến các em nhỏ.
Lớp học nhận được sự giúp đỡ của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân.
Quốc Bảo cho biết: “Để học và thuần thực đờn ca tài tử cũng còn thuộc về năng khiếu. Có những bé ca khá hay và cũng chưa hay, nhưng sau thời gian trao dồi đa phần các em đều có thể hát được cơ bản. Điều mà tôi cảm thấy tâm huyết nhất chính là mình đã truyền được lửa đam mê, tình yêu loại hình nghệ thuật dân tộc đến với các em”.
Lớp học được mở ra từ sự tâm huyết của những người trẻ và được tiếp sức từ những thế hệ đi trước. Với sự tận tình giúp đỡ của các nghệ sĩ, nghệ nhân, đã khơi dậy trong các em niềm đam mê đờn ca tài tử.
Em Lê Hà Thảo Tiên chăm chỉ đến lớp để nuôi ước mơ trở thành ca sĩ.
“Cô rất mừng vì di sản của dân tộc vẫn được các bạn trẻ yêu quý và gìn giữ, nên khi nhận được lời mời tham gia lớp cô đồng ý ngay. Học viên tuy nhỏ tuổi nhưng rất giỏi, mới hướng dẫn thôi đã thuộc được các bản lý. Cô rất cảm ơn các em đã tổ chức những lớp như thế này và mời cô tham dự và cũng để cô được dịp trao đổi, học hỏi thêm những kiến thức mới. Nếu những năm tiếp theo, lớp được duy trì cô vẫn không ngần ngại góp sức”- nghệ sĩ Nguyễn Thị Lệ Thuỷ chia sẻ.
Những giai điệu, từng lời ca, tiếng hát đã hun đúc trong các em nhỏ tình yêu với quê hương, đất nước. Lớp trước gìn giữ, lớp sau kế thừa, tất cả đều đồng lòng trong việc gìn giữ không để nét tinh hoa của dân tộc bị mai một.
Hoà Khang - Ngọc Diêu