Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Việc dạy và học chữ Khmer rất được các địa phương chú trọng, duy trì với các hình thức khác nhau.
Với đồng bào Khmer Nam Bộ, việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc không chỉ để bảo tồn mà còn là nhân tố quyết định cho sự tồn tại và phát triển của bản sắc văn hoá dân tộc. Do đó, việc dạy và học chữ Khmer rất được các địa phương chú trọng, duy trì với các hình thức khác nhau. Bên cạnh việc dạy chữ ở các trường có học sinh DTTS, hiện nay, một số địa phương với sự hỗ trợ từ người dân, các sư trong chùa… nhiều lớp học chữ tiếng Khmer được mở và duy trì phát triển.
Lớp học chữ Khmer tại chùa Botum Kirirangsay.
Tại ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh cũng có một lớp học như thế dành cho các em nhỏ DTTS Khmer. Cứ nghỉ hè được vài hôm, lớp học chữ Khmer tại sân chùa Khedol Botum Kirirangsay được khai giảng. Mỗi chiều, từ 13 giờ 30, Gạch Văn Dết và khoảng hơn 30 em nhỏ tập trung đến chùa Botum Kirirangsay để học chữ. Mỗi bạn cầm trên tay một quyển tập, cây viết, vậy là đã có thể đến lớp. Lớp học khoảng 2 tiếng, sau đó sẽ đến lớp khác vào.
Theo sư Kiên Sô Phát- Sư cả của chùa Botum Kirirangsay, cách nay đã 20 năm, chùa đã có những lớp dạy chữ Khmer đầu tiên cho bà con, em cháu trong xóm học. “Hồi xưa, các trường chưa có lớp dạy tiếng dân tộc nên các em không biết chữ Khmer đâu. Chúng tôi thấy vậy nên mở lớp, dạy cho các em học sinh, người lớn, ai muốn học cũng được”, sư Kiên Sô Phát nói.
Những lớp học ngày đó, theo sư Phát, rất đông học viên. Ai cũng muốn học để biết đọc, biết viết. Thầy giáo cũng là những sư trong chùa. Người trước dạy người sau. Dần dần, sau này, trong các trường học trên địa bàn có thêm các tiết học tiếng DTTS. Tuy nhiên, việc dạy học chữ Khmer vào những ngày hè vẫn được triển khai và thực hiện đều đặn mỗi năm.
Năm nay, lớp do sư Cao Văn Rươnl đứng dạy. Lớp 1 vỡ lòng và lớp 2 dành cho các em đã biết qua, được dạy vào ban ngày. Buổi tối có thêm một lớp dành cho các sư. “Chúng tôi được những người đi trước dạy, rồi từ những kiến thức có được, chúng tôi truyền lại cho các em nhỏ”- sư Cao Văn Rươnl cho biết.
Vừa tập đọc xong phần chữ cái, em Gạch Văn Dết cho biết, đây là lần đầu tiên, Dết học chữ Khmer tại chùa do sư dạy. “Em mới học lớp 1 chữ Khmer của sư. Đi học chữ rất vui. Em chưa biết viết nhiều, chỉ nhìn theo bảng rồi viết theo thôi. Đọc cũng chưa giỏi. Em cố gắng học để biết đọc, biết viết”- Dết nói.
Cạnh bên Dết là em Cao Văn Minh Ha, hiện là học sinh lớp 7 của Trường PTDT Nội trú. Minh Ha cho biết, dù đã biết được chữ Khmer, nhưng ngày hè, em vẫn tranh thủ cùng bạn bè trong xóm đến với lớp của sư Rươnl.
Sư Rươnl cho biết, lớp học dạy cho các em từ căn bản với những phụ âm, nguyên âm, cách ráp ghép vần để sau đó có thể tự đọc, tự viết. Đây cũng là cách để các sư góp phần cùng địa phương giữ gìn nét văn hoá, bản sắc của đồng bào Khmer.
Lớp học kéo dài 3 tháng hè. Khi năm học mới bắt đầu, lớp học chữ Khmer ở chùa Botum Kirirangsay tạm dừng. Và lại tiếp tục mở ra vào mùa hè năm sau. Mỗi năm một lần, mỗi lần vài chục em được học chữ, cứ thế, lớp học chữ ở Thạnh Đông đang dần gieo mầm ý thức vào các bạn nhỏ: ý thức bảo vệ văn hoá dân tộc, ý thức để chữ viết Khmer được trường tồn.
Sư Cao Văn Rươnl dạy chữ cho các em nhỏ.
Từ những lớp học chữ, từ những buổi họp mặt trong những dịp lễ hội, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp cùng nhà chùa để tuyên truyền, nhắc nhở người dân, đoàn viên, thanh niên, học sinh chấp hành tốt những quy định của pháp luật. Mọi người hiểu được rằng, những giá trị văn hoá xã hội tốt đẹp ngàn đời của dân tộc cần được gìn giữ và phát huy. Những chữ viết, tiếng nói, điệu múa, những phong tục, tập quán cưới hỏi… vẫn đang được các thế hệ trẻ từng ngày tiếp cận và ý thức lưu truyền. Cùng với đó, mọi người cũng nhận ra rằng, có những hủ tục không còn phù hợp với cuộc sống hiện nay, cần loại bỏ. Đó là việc kết hôn với người trong gia đình có huyết thống gần nhau, là việc gả vợ lấy chồng khi trẻ còn nhỏ tuổi. Những điều đó chỉ làm cho thế hệ sau bị ảnh hưởng cả thể chất và trí tuệ.
Khải Tường