Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Lớp học được khai giảng vào ngày 23.8.2011 với 14 học sinh gồm 4 nam, 10 nữ. Lớp học vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6, học 3 tiếng mỗi ngày.
(BTNO)- Ở lớp học này, mỗi em một hoàn cảnh, mỗi em đều mang trong mình những căn bệnh khác nhau nhưng em nào cũng ước mơ được đi học, được biết chữ. Và những ước mơ tưởng chừng không thể thực hiện của các em đã được cô giáo Phạm Thị Xuân gieo mầm…
Tình thương của người mở lớp
Tìm đến lớp học sau cơn mưa đêm hôm trước, thấy chúng tôi, bọn trẻ đứng dậy “chào thầy ạ”. Lạc trong lời đồng thanh ấy vẫn nghe những tiếng nói khó khăn...
Lớp học tình thương của cô giáo Xuân |
Đón tiếp chúng tôi là cô giáo Phạm Thị Xuân (sau khi xuất ngũ cô vào Nam, dạy ở trường Tiểu học Kim Đồng – Thị xã Tây Ninh), người đã đề nghị “khai sinh” ra lớp học đặc biệt này. Cô cho biết: sau khi về hưu, cô có điều kiện tham gia công tác xã hội ở địa phương, quá trình đi khảo sát tình hình ra lớp của các em hằng năm, cô không khỏi chạnh lòng khi ở địa phương còn nhiều em thất học, mù chữ, hay không thể học được ở các trường khác do bệnh tật… Đó là lý do vì sao lớp tình thương này được thành lập. Để lớp được mở, cô Xuân tìm đến các cơ quan, đơn vị để vận động. Rất may, đã có nhiều nơi tích cực giúp đỡ nên lớp học tình thương được ra đời và có cơ sở khang trang như ngày hôm nay. Để có địa điểm dạy, cô phải hy sinh một phần thu nhập từ việc cho thuê phòng trọ, dành riêng một phòng để sửa chữa, trang trí làm lớp học cho các em.
Đa số học sinh của lớp đều thuộc diện gia đình nghèo khó. Có em bị thiểu năng trí tuệ, em bị bệnh đao, em bị liệt, em mắc chứng tự kỷ… nhưng được cái em nào cũng chăm chỉ đến lớp. Không thể tự đi, em Nguyễn Thị Hồng Nhung (7 tuổi) cũng được bà ngoại đưa đến lớp, bất kể những hôm trời mưa. Chân tay teo tóp, không thể tự ngồi được, mọi sinh hoạt trong lớp Nhung đều phải nhờ vào cô giáo. Bù lại, em viết chữ khá đẹp, đọc chữ rất tốt, tiếp thu rất nhanh trong học toán. Còn bé Nguyễn Thị Thu Trang (7 tuổi, nhà ở Hiệp An, Hiệp Tân, Hoà Thành) bị bệnh tim bẩm sinh và hội chứng đao từ nhỏ, từ khi đến lớp này bé khá hơn, đã biết nói, viết được chữ. Ngày nào mẹ bận không chở đến lớp là Trang khóc hoài…
Cô Xuân bảo, những ngày đầu dạy bọn trẻ vất vả đủ bề, chúng chưa quen nhau, phá phách, bỏ lớp đi lung tung, có khi cô phải huy động cả con dâu ra lớp quản phụ. Giờ thì đã ổn thoả, bọn trẻ đã vào nế nếp. Với các em này phải ân cần, gần gũi, nhẹ nhàng, phải thương chúng hết mực, xem chúng như con, như cháu mình thì mới dạy được chúng.
Dù ngồi rất khó khăn nhưng bé Nguyễn Thị Hồng Nhung vẫn thích đi học |
Dạy lớp vỡ lòng cho trẻ bình thường đã khó thì một lớp học đặc biệt này càng khó gấp bội lần. Ở đây, không chỉ dạy cho bọn trẻ biết nói, biết cái chữ, mà cô còn dạy cho chúng biết lễ phép, biết nhường nhịn nhau, biết tự làm những việc nhỏ cho mình...
Cần thêm nhiều sự quan tâm của xã hội
Ông Lê Thanh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND phường 3, Thị xã cho biết: khi cô Xuân đề nghị cho mở lớp, tôi cũng băn khoăn lắm. Tuy nhiên thấy cô Xuân quyết tâm vì các em có hoàn cảnh đặc biệt này, nên chúng tôi cũng ủng hộ và giao cho hội khuyến học của Phường phụ trách. Lớp học hoạt động khá hiệu quả và được sự đồng tình của người dân, vì vậy sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, vận động hỗ trợ cho lớp.
Đồng hành với lớp học từ những ngày đầu, bên cạnh sự giúp đỡ của một số mạnh thường quân còn có các bạn đoàn viên của Chi đoàn phòng Hồ sơ Công an Tây Ninh. Chị Ngô Thị Hồng Liên – Bí thư chi đoàn cho biết: vì ở cùng địa phương, nên khi nghe thông tin cô Xuân dự định mở lớp, Ban chấp hành chi đoàn thống nhất sẽ đồng hành cùng lớp học. Trước khi “khai giảng”, chi đoàn đã cử đoàn viên đến phát hoang, sửa lại lớp học. Từ đó, đến nay chi đoàn còn thường xuyên tổ chức sinh hoạt, tặng quà cho các em và cử đoàn viên xuống dạy kỹ năng cho các em vào ngày thứ 3 và thứ năm hàng tuần. Chị Liên còn cho biết: trong dịp xuân này sẽ tổ chức cho các em tham gia dã ngoại tại Long Điền Sơn.
Cô Xuân trải lòng: “Dù tôi mang trong mình nhiều bệnh tật nhưng hễ còn sức khỏe tôi sẽ duy trì lớp học này. Mỗi đứa trẻ đều có quyền được học tập của chúng, dù cho chúng là những đứa trẻ đặc biệt…”
Hải Nam