Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lớp học tình nguyện
Thứ sáu: 07:10 ngày 28/03/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO)- Đã hơn 17 năm nay, mỗi buổi chiều, tiếng học bài, tiếng cười lại vang lên từ lớp học tình nguyện ở Khu phố 2, Phường III, thành phố Tây Ninh do cô Trần Thị Nhung tổ chức tại nhà.

Lớp học này được cô Nhung mở từ năm 1997, từ khi có vài đứa trẻ hoàn cảnh khó khăn ở phường cầm sách vở đến nhờ cô chỉ giùm những chỗ khó của môn Anh văn.

Lúc mới mở lớp, cô Nhung vẫn đang công tác tại Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Tây Ninh với vai trò là cán bộ công đoàn chuyên trách.

Năm 2013 cô mới chính thức nghỉ hưu. Dù chưa được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, nhưng học theo gương Bác Hồ, ngoài vốn tiếng Nga khá vững, cô đã chủ động nghiên cứu, tự học tiếng Anh.

Vừa đi làm vừa sắp xếp lên lớp cho các em là cả vấn đề, nhưng với cô Nhung mọi chuyện thật dễ dàng. Vì cô đã xem đó là niềm vui, là lẽ sống của mình.

Lớp học tình nguyện ở nhà cô Trần Thị Nhung.

Học trò của cô có đủ mọi lứa tuổi. Từ em mới được khoảng 3 tuổi đến các học sinh THPT. Nhưng điểm chung của các em, hoặc là có niềm đam mê học Anh văn mà không có điều kiện đi rèn thêm, hoặc là mất căn bản môn học này.

Em Phan Kim Ngân, học sinh lớp 4 Trường TH Võ Thị Sáu cho biết, em rất vui khi được học ở nơi này. Được cô Nhung chỉ dạy, em hiểu và rất thích học môn Anh văn.

Mỗi dịp hè đến, em cùng các bạn còn được các anh chị tình nguyện viên hướng dẫn các trò chơi, kỹ năng sống rất vui và bổ ích.

Chú Thái Tấn Trung, nhà ở xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành có đứa cháu theo học lớp của cô Nhung đã 3 năm, chân thành nói, cô Nhung có lòng nhiệt tình muốn đào tạo cho lớp trẻ kiến thức về ngoại ngữ để sau này tụi nhỏ có điều kiện phát triển.

Không chỉ truyền đạt lại cho các em sự ham học từ chính mình mà cô còn tự nghiên cứu để có phương pháp dạy hiệu quả.

Trước tiên, cô Nhung giảng các nội dung theo sách giáo khoa cho cả lớp. Sau đó, cô sẽ chọn những em khá hơn kèm cặp cho những em yếu, học theo nhóm để tự kiểm tra, trả bài lẫn nhau và cô sẽ là người kiểm tra, cho điểm cuối cùng để khích lệ tinh thần cho các em.

Qua thời gian hơn 17 năm mở lớp, hiện tại cùng song hành với cô là một nhóm học sinh, sinh viên tình nguyện với trên 10 bạn.

Các bạn này đều là học trò của cô trước đây, nay đến hỗ trợ cô kèm thêm cho các em khác. Và số học sinh của lớp học cũng tăng lên đến gần cả trăm em, được chia lịch ra học rất bài bản.

Cô Nhung hướng dẫn các trò cách đọc từ vựng.

Em Thái Thanh Việt, học sinh lớp 10A7 trường THPT Tây Ninh là một tình nguyện viên ở lớp học của cô Nhung. Nhà khó khăn, ba mẹ làm thuê nên Việt không có điều kiện đi học thêm.

Sau khi người anh trai của Việt được cô Nhung dạy đã thi đậu vào trường đại học, Việt đã đến xin cô tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ cho mình.

Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của cô Nhung mà môn tiếng Anh đã không còn là “nỗi ám ảnh” của Việt nữa, mà em mạnh dạn xác định khối thi đại học sắp tới của mình là khối A1, lấy môn Anh văn làm môn chủ đạo. Hàng ngày, sau thời gian đến trường, khoảng hơn 5 giờ chiều là Việt lại chạy xe đạp đến phụ đạo thêm cho các em khác trong lớp.

Nhờ có sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, hiện nay, ngoài việc học tiếng Anh, lớp học của cô Nhung còn phụ đạo thêm các môn khác như tiếng Việt, Toán, Lý, Hóa… cho các em học yếu môn này.

Bên cạnh việc dạy các em học Anh văn, vào dịp hè, cô cùng các bạn tình nguyện viên còn rèn cho các em về kỹ năng sống như giao tiếp, ứng xử, bảo vệ môi trường, về âm nhạc… Không những thế, cô còn vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp tặng học bổng, xây nhà nhân ái, tặng tập vở cho các em có hòan cảnh khó khăn.

Hiện nay, cô Nhung đang cho sửa sang, mở thêm một phòng dạy học trong nhà để các em thuận tiện trong học tập, không phải học bên mái hiên. Cô còn mua thêm bàn ghế, bảng đen, phấn trắng. Tất cả kinh phí đó cũng do cô tự bỏ tiền túi ra làm.

Đó là khoản lương hưu hàng tháng, là thu nhập có được từ việc bán hoa kiểng cho các shop hoa của cô. Cô cũng được sự hỗ trợ từ bạn bè, từ Phòng GD-ĐT thành phố, từ lãnh đạo Phường III để có thêm những bộ bàn ghế cho các em ngồi học.

Trong quá trình duy trì lớp, cô luôn nhớ đến lời nhắn nhủ của Bác, giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Các học trò của cô, phần lớn đều ngoan ngoãn, biết yêu thương lẫn nhau, học hành đỗ đạt. Nhìn các em trưởng thành, cô như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục đứng lớp, giúp các em có thêm một điểm tựa trong cuộc đời.

Xuân Vũ

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục