Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lớp học yêu thương
Thứ sáu: 09:24 ngày 20/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một buổi chiều giữa tháng 11, phòng học nhỏ của Trường tiểu học Ðồng Kèn (ấp Ðồng Kèn, xã Tân Thành, huyện Tân Châu) vẫn vang lên tiếng đánh vần, đọc chữ ê a. Trong lớp học này, học sinh có độ tuổi khác nhau, nhỏ nhất 8 tuổi, lớn nhất 18 tuổi. Chênh lệch tuổi tác, nhưng hầu hết đều có cùng mong muốn được học và viết Tiếng Việt. Các em là những học sinh của “Lớp học yêu thương” dành cho trẻ em di cư từ Campuchia về Việt Nam.

Giáo viên “Lớp học yêu thương” tận tình chỉ dạy các em từng con chữ.

Niềm vui của học trò

Theo thầy Trần Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ðồng Kèn, năm 2016, rất nhiều hộ gia đình người gốc Việt sống ở Campuchia di cư về Việt Nam- nhất là vùng biên giới Tây Ninh. Chính quyền địa phương đã bố trí nơi ăn chốn ở cho những người di cư về trong khu tập thể tại ấp Ðồng Kèn, xã Tân Thành. Tại đây, hiện có 183 hộ sinh sống.

 “Theo quy định, trẻ em không có giấy khai sinh hay quốc tịch rõ ràng thì không thể đến trường. Ðiều này rất thiệt thòi cho các em, dẫn đến nhiều hệ luỵ về di cư và ổn định dân cư. Việc ra đời lớp học yêu thương chính là cầu nối giúp các em hiểu về nguồn cội để thêm yêu, gắn bó với quê hương”- thầy Nghĩa chia sẻ về lý do thành lập các lớp học xoá mù chữ dành cho trẻ em di cư.

“Lớp học yêu thương” đầu tiên được tổ chức vào năm 2017 và duy trì cho đến nay. Năm 2020, xã Tân Thành mở thêm 2 lớp xoá mù chữ cho trẻ em di cư từ Campuchia về đang sinh sống trên địa bàn. Lớp học do Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tân Châu phối hợp cùng Công ty TNHH Oneway Media (TP. Hồ Chí Minh) thành lập. Các em được đơn vị tài trợ, nhà trường tạo điều kiện học tập thoải mái nhất có thể. Tất cả đồng phục, sách vở lẫn đồ dùng học tập đều được chuẩn bị chu đáo cho các em.

Hầu hết các em đều có hoàn cảnh giống nhau: Không giấy tờ tuỳ thân, không được đi học, đa số đều theo cha mẹ rày đây mai đó trên ghe thuyền ở vùng Biển Hồ Campuchia, mưu sinh bằng nghề chài lưới. Việc được đi học đối với các em là một điều xa xỉ. Trở về Việt Nam, các em hân hoan khi được đến trường, được học chữ và hiểu thêm về tiếng nói dân tộc.

Theo lời em Ðỗ Thị Hiền (sinh năm 2006, ngụ ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu), một học sinh theo học lớp xoá mù chữ của Trường tiểu học Ðồng Kèn, em sinh ra và lớn lên ở Campuchia, gia đình sinh sống bằng nghề đánh bắt cá.

14 tuổi, Hiền chưa từng được tiếp cận với con chữ, em khao khát biết đọc, biết viết, biết làm Toán. Ðược đến lớp, Hiền rất vui và cố gắng học thật tốt. Sau giờ học, ngoài việc đưa rước em trai đi học, phụ cha mẹ việc nhà, Hiền dành hết thời gian để học chữ, làm toán.

Sau hơn 1 tháng học tập, Hiền trở thành một trong những gương sáng của lớp, được thầy chủ nhiệm giao làm lớp trưởng và kèm các bạn học yếu hơn. “Ðược đến trường, được học chữ, học toán, làm quen nhiều bạn bè mới, em thấy rất vui. Có cùng hoàn cảnh như nhau, chúng em luôn động viên cố gắng học tập để hoà nhập với người dân nơi đây và sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn”- Hiền nói

Từ nhỏ, Nguyễn Thị Cẩm Nguyên (18 tuổi, ngụ ấp Tà Dơ, xã Tân Thành) theo cha mẹ sống lênh đênh ở Campuchia từ nhỏ. Năm 2016, em được cha mẹ dẫn về Việt Nam sinh sống. Nguyên kể, hồi ở Campuchia, em từng được theo học một lớp học tự phát dành cho trẻ em người Việt trong xóm. Học đến lớp 2 thì nghỉ vì phải phụ ba mẹ đánh bắt cá. Trở về Việt Nam, được đến trường, ước mơ trở thành hiện thực, Nguyên cho biết, cô sẽ nỗ lực học thật tốt, rèn luyện để lập thân, lập nghiệp.

Các em học sinh “Lớp học yêu thương” chụp ảnh cùng giáo viên chủ nhiệm.

Tình thương của thầy

Thầy Nguyễn Văn Lý (sinh năm 1987), là một trong hai giáo viên giảng dạy tại “Lớp học yêu thương” cho biết, việc dạy học ở lớp học đặc biệt này là một thử thách, vì các em nói tiếng Việt chưa rành, phát âm chưa chuẩn, nhiều em chưa biết cầm viết nên mức độ tiếp thu của các em cũng rất khác nhau.

Vì vậy, giáo viên phải kiểm tra kiến thức đầu vào để tìm phương pháp giảng dạy cho phù hợp đối với từng nhóm học sinh. Sau đó, giáo viên mới bắt đầu rèn giũa, sửa chữa lỗi phát âm và hướng dẫn các em đọc, viết Tiếng Việt cho lưu loát.

Ngoài ra, để các em đã biết đọc, biết viết không cảm thấy nhàm chán khi vào lớp, thầy Lý sắp xếp cho các em lớn kèm các em nhỏ, khơi dậy tinh thần học tập “Học thầy không tày học bạn”, giúp không khí lớp học thoải mái hơn.

Bên cạnh đó, do thời gian học của các em ngắn hơn rất nhiều so với học chính quy nên giáo viên phải chọn lọc và thiết kế bài giảng sao cho phù hợp, làm sao để các em có thể đọc, viết, hiểu tiếng Việt trong thời gian nhanh nhất.

Hầu hết các em chưa quen với việc định cư, nếp sống sinh hoạt trong cộng đồng, cũng như tuân thủ những quy định tại trường học, nhiều em chưa chuyên cần, thường xuyên nghỉ học. Vì vậy, để duy trì lớp học và khuyến khích các em đi học, nhà trường và giáo viên phải thường xuyên hỏi han, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình các em; động viên, sắp xếp thời gian học phù hợp, tạo điều kiện học tập thoải mái nhất để các em cảm thấy vui vẻ khi đến trường.

“Các học sinh của “Lớp học yêu thương” rất ham học, thích đến trường nhưng khả năng tiếp thu khá chậm. Vì vậy, giáo viên đứng lớp phải là người kiên nhẫn và chịu khó theo sát các em, cầm bút chỉ dạy, uốn nắn các em từ từ. Bên cạnh việc giảng dạy, thầy cô còn là một người bạn tâm lý, tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng để giúp các em vượt qua khó khăn, tạo sự gắn kết giữa thầy và trò”- thầy Lý chia sẻ.

Thầy Lý tận tình hướng dẫn học sinh từng nét chữ, con số.

Sau hơn 1 tháng học tập, hầu hết các em của lớp đã đọc lưu loát tiếng Việt, làm được những bài toán cộng trừ đơn giản. Ðến lớp, các em dần quen với nề nếp học tập, biết lễ phép với thầy cô, giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh lớp học và không còn thường xuyên bỏ học.

Hơn thế nữa, các em đã có thể tự tin giao tiếp, hoà nhập với cộng đồng dân cư tại địa phương. Nhiều lứa học sinh hoàn thành chương trình học đã có thể tìm kiếm việc làm ổn định. Với tinh thần ham học hỏi, các em học sinh đặc biệt này đem đến nguồn động viên to lớn để các thầy cô tại Trường tiểu học Ðồng Kèn thêm nhiệt huyết và hết mình vì lớp học yêu thương.

Thầy Trần Trọng Nghĩa cho biết thêm, các em trong “Lớp học yêu thương” đang tham gia chương trình xoá mù chữ theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Bên cạnh việc thay đổi tư duy của các em học sinh, chương trình xoá mù chữ dành cho trẻ em di cư còn góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân di cư từ Campuchia trở về. Nhiều phụ huynh đã nhận thức được lợi ích của việc học, dần dần cho con em mình đến trường, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

“Lớp học yêu thương” sẽ kéo dài trong 7 tháng (từ đầu tháng 10.2020 đến tháng 4.2021). Hiện các em đang theo học giai đoạn 1 (tương đương chương trình từ lớp 1-3) của chương trình xoá mù chữ. Sắp tới, các em sẽ có bài kiểm tra năng lực và tiếp tục học giai đoạn 2 của chương trình (tương đương chương trình lớp 4-5).

Kết thúc chương trình, các em đạt trình độ tương đương với cấp tiểu học, được trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình xoá mù chữ. Nhà trường sẽ xem xét kết quả học tập của các em còn trong độ tuổi cấp tiểu học và xin ý kiến của lãnh đạo ngành địa phương cho các em tiếp tục tham gia chương trình học chính quy, tạo điều kiện để các em tiếp tục việc học.

Ngọc Bích

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục