Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vụ lúa mùa năm nay, toàn tỉnh đã xuống giống được 57.251 ha, đạt 114,5% kế hoạch và bằng 107% so với cùng kỳ năm trước.

Một nông dân xã Thanh Phước (Gò Dầu) đang thu hoạch lúa vụ mùa cho biết, cách đây vài ngày lúa khô loại tốt (giống lúa trâu nằm), thương lái mua với giá từ 6.000 đồng đến 6.200 đồng/kg. Hiện nay (18.11.2010) giá lúa giảm xuống chỉ 5.500 đồng/kg. So với vụ hè thu vừa qua, giá lúa tăng khoảng 2.000 đồng/kg. Mặc dù giá lúa có tăng, nhưng nhiều nông dân vẫn không vui.
Theo người này, lúa bán được giá khá cao nhưng do vụ mùa năm nay thời tiết bất lợi, năng suất lúa ở một số nơi đạt thấp, nhất là ở những cánh đồng chỉ độc canh 3 vụ lúa/năm. Bên cạnh đó do mua phải thuốc diệt cỏ giả, nên vụ mùa này ruộng lúa của anh bị cỏ dại tấn công, làm cho năng suất càng kém hơn. Mặt khác, giá lúa lên xuống bất thường, mới đầu vụ lúa mùa giá trên 6.000 đồng/kg, nay lại tuột xuống còn 5.500 đồng/kg, khi đến giữa vụ mùa chưa biết giá ra sao. Ngoài ra, cùng với giá lúa tăng, thì giá vật tư nông nghiệp và rất nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng theo. Theo tính toán của nông dân, với giá lúa như hiện nay, nếu ruộng lúa đạt năng suất được 4 tấn/ha thì nông dân có lãi khoảng trên 10 triệu đồng/ha (chưa tính công lao động trong gia đình). Còn năng suất đạt thấp hơn thì huề vốn, hoặc lãi chút đỉnh. So với nhiều loại cây trồng khác, thì mức lãi của cây lúa vẫn còn rất thấp.
![]() |
Nông dân Gò Dầu đang thu hoạch lúa mùa |
Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Tây Ninh, vụ lúa mùa năm nay, toàn tỉnh đã xuống giống được 57.251 ha, đạt 114,5% kế hoạch và bằng 107% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, nông dân đã thu hoạch gần 5.000 ha, năng suất trung bình từ 3,5-4,7 tấn/ha. Theo chúng tôi được biết, năng suất này thấp hơn so với bình quân chung của cả nước. Vấn đề đặt ra hiện nay là các ngành chức năng, các nhà khoa học cần nghiên cứu và hướng dẫn tạo điều kiện làm thế nào để nông dân hạ được hoặc giữ nguyên mức “đầu vào” mà tăng được năng suất cho cây lúa. Nếu chỉ cần tăng năng suất lên 500 kg/ha thì vụ mùa này nông dân thu lãi thêm được vài triệu đồng/ ha. Số tiền này là không nhỏ đối với nông dân.
Cũng theo báo cáo của ngành BVTV, vừa qua các đơn vị chức năng phối hợp (thực hiện công tác thanh tra liên ngành) tiến hành thanh tra 15 đại lý bán thuốc BVTV. Kết quả có 3 cơ sở vi phạm. Trong đó có 2 đại lý mua bán thuốc BVTV giả và một đại lý bán thuốc BVTV không rõ nguồn gốc (một đại lý ở xã Tân Phú (Tân Châu) bán 13 lít thuốc Gramoxone 20SL giả; một đại lý ở Tân Hiệp (Tân Châu) bán 28 lít Gramoxone 20SL và 5 lít Anvil 5SC giả). Ngành chức năng đã chuyển hồ sơ cho công an làm rõ hành vi vi phạm. Còn đại lý mua bán thuốc BVTV không rõ nguồn gốc ở xã Tân Bình (Thị xã), ngành chức năng đã xử phạt 3 triệu đồng. Trước đó, trong đợt thanh tra tháng 10.2010, ngành chức năng đã xử lý phạt tiền 3 đại lý (2 ở Châu Thành, 1 ở Tân Biên), với tổng số tiền là 45 triệu đồng.
Hiện nay, ngoài nỗi lo về giá vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao, giá lúa hàng hoá lên xuống bấp bênh, nông dân còn luôn phập phồng với vấn nạn phân bón, thuốc BVTV giả, hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa (như trường hợp anh nông dân ở xã Thanh Phước mua phải thuốc diệt cỏ giả nêu ở trên). Thiết nghĩ ngành chức năng cần tăng cường nhiều hơn nữa công tác thanh tra các đại lý mua bán phân bón, thuốc BVTV; đồng thời có biện pháp xử lý mạnh hơn nữa đối với các cơ sở mua bán phân bón, thuốc BVTV giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo trọng lượng và chất lượng ghi trên bao bì. Ngoài việc xử phạt nặng, ngành chức năng cũng cần thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở vi phạm để cho nhiều người được biết.
D.H