Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lúa được mùa, được giá, nông dân vẫn lỗ vốn 

Cập nhật ngày: 02/11/2021 - 11:54

BTNO - Nông dân Tây Ninh đang vào vụ thu hoạch lúa Mùa. Theo tính toán của bà con nông dân, trong vụ lúa này, lợi nhuận sau thu hoạch không nhiều, thậm chí bị lỗ vì giá vật tư đầu vào tăng quá cao.

Thu hoạch lúa tại xã Phan, huyện Dương Minh Châu.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), dự kiến năng suất-sản lượng của vụ Mùa năm nay đều tăng, trong đó, năng suất ước đạt 53 tạ/ha, tăng 1,85% so cùng kỳ; sản lượng đạt 164,3 tấn, tăng 8,87% so cùng kỳ.

Năm nay thời tiết thuận lợi hơn những năm trước nên lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tuy nhiên, do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng làm cho chi phí sản xuất “đội” lên rất nhiều so với những vụ trước đó. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến khan hiếm lực lượng lao động đi theo máy cắt, tiền thuê nhân công tăng, khiến cho chi phí thuê máy cắt tăng cao.

 “Chưa bao giờ giá phân bón tăng đến chóng mặt như thế này. Từ trước đến nay, giá các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu có tăng cũng chỉ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng. Nhưng chỉ trong vài tháng nay mà giá vật tư đã tăng vọt. Dù năm nay được mùa, được giá nhưng tôi vẫn lỗ”- ông Lê Văn Phát, một nông dân thu hoạch lúa tại ấp Phước Long 1, xã Phan, huyện Dương Minh Châu chia sẻ.

Theo ông Phát, giá phân bón tăng liên tục từ đầu vụ lúa mùa đến nay, đơn cử như phân Ure đầu năm chỉ khoảng 5.000 đồng/kg thì nay tăng lên 16.000 đồng/kg; phân NPK từ 8.000 đồng/kg tăng lên 19.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá lúa trên thị trường không đồng nhất và không ổn định, dao động từ 4.600 - 5.300 đồng/kg. Theo nhiều nông dân, với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu được lợi nhuận  khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/công.

Hiện nay, phần đông nông dân trồng lúa làm ăn theo hình thức “ăn trước, trả sau”. Nghĩa là, đầu vụ những hộ canh tác lúa tìm đến các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp để “nhờ” họ đầu tư phân, thuốc, lúa giống… Các khoản chi phí đầu vào này sẽ được thanh toán vào cuối vụ. Tuy nhiên, do giá vật tư đầu vào tăng liên tục, các chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp không “bao vụ” nữa mà yêu cầu nông dân thanh toán toàn bộ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, khiến người nông dân càng thêm khó khăn. 

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT khuyến cáo, người dân nên căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón một cách tiết kiệm nhưng mang lại hiệu quả tốt nhất; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần phân bón hoá học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, giúp bảo vệ sức khoẻ, môi trường xung quanh.

Vũ Nguyệt