BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lúa giống tốt - “bệ phóng” cho năng suất, chất lượng

Cập nhật ngày: 06/09/2013 - 10:01
HTML clipboardTuy nhiên, hiện khâu cung ứng giống ở tỉnh ta còn nhiều hạn chế. Do đó, vấn đề này đang được UBND tỉnh quan tâm đề ra hướng khắc phục trong những năm tới.

Cánh đồng cao sản (ảnh minh hoạ)

(BTN) - Giống là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Sử dụng giống tốt, giống đạt chất lượng để sản xuất sẽ giảm được chi phí đầu tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...), giảm các tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, nâng cao giá trị và chất lượng lúa gạo hàng hoá. Tuy nhiên, hiện khâu cung ứng giống ở tỉnh ta còn nhiều hạn chế. Do đó, vấn đề này đang được UBND tỉnh quan tâm đề ra hướng khắc phục trong những năm tới.

ThiẾu lúa giỐng chẤt lưỢng cao

Theo UBND tỉnh, diện tích canh tác lúa hằng năm của Tây Ninh ổn định khoảng 154.000 ha. Cây lúa được xem là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Do áp dụng các tiến bộ về giống, kỹ thuật canh tác nên năng suất lúa ngày càng tăng. Bình quân năm 2012, năng suất lúa Tây Ninh đạt gần 5 tấn/ha, sản lượng lúa đạt 776.118 tấn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lương thực theo hướng hàng hoá lớn phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và tiến tới tham gia xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong sản xuất lúa còn bộc lộ nhiều tồn tại dẫn tới năng suất lúa của tỉnh ta còn thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa xác định được bộ giống chủ lực của tỉnh phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thích ứng với sự biến đổi thời tiết; khâu sản xuất, cung ứng giống có năng suất, chất lượng cao chưa đáp ứng được nhu cầu; hệ thống nhân giống lúa chưa phủ khắp các huyện, Thị xã; trang thiết bị vừa thiếu vừa lạc hậu; trình độ cán bộ chưa đáp ứng, một số điểm nhân giống còn sử dụng cán bộ chuyên môn chưa qua trường lớp đào tạo…

Theo thống kê của ngành chuyên môn, tại Tây Ninh tình hình sản xuất 3 vụ lúa trong năm như sau: Vụ Đông Xuân có diện tích biến động từ 42.000 - 45.000 ha, năng suất bình quân đạt 50,7 tạ/ha, sản lượng lúa đạt 219.267 tấn; Vụ Hè Thu, diện tích biến động từ 51.000 - 52.000 ha, năng suất bình quân đạt 46,5 tạ/ha, sản lượng lúa đạt 241.575 tấn; Vụ mùa, diện tích biến động từ 56.000 - 57.500 ha, năng suất bình quân đạt 45,8 tạ/ha, sản lượng lúa đạt 262.880 tấn.

Với năng lực sản xuất như thế, nhu cầu lúa giống hằng năm trên địa bàn tỉnh là khá lớn, từ 13.000 – 15.000 tấn và cần 3.000 ha để sản xuất giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh… phục vụ phát triển sản xuất lúa của tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm qua, Trung tâm Giống nông nghiệp, các công ty, đại lý và kể cả các hộ dân tham gia Chương trình nhân giống lúa cộng đồng chỉ cung ứng được khoảng 3.000 tấn lúa giống, đáp ứng chỉ khoảng 20% nhu cầu giống cho sản xuất lúa trong tỉnh.

Đa phần người nông dân chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng hạt giống; sử dụng giống tự sản xuất hoặc trao đổi giữa các nông dân với nhau. Thậm chí nhiều người còn dùng lúa thịt làm giống để giảm bớt chi phí đầu tư. Vì vậy lúa giống bị lẫn tạp, thoái hoá, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng lúa gạo.

Cho đến nay, trang thiết bị phục vụ nhân giống lúa so với nhu cầu thực tế còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Trang thiết bị phục vụ công tác quản lý giống hiện chỉ có 1 hệ thống sấy và làm sạch lúa giống được đầu tư từ năm 2004, đến nay đã quá cũ, lạc hậu, sử dụng không còn hiệu quả; 1 hệ thống xử lý hạt giống, sấy có công suất thấp (4 tấn/ngày) không thể xử lý kịp thời và được đặt trong nhà kho xuống cấp (tường bị nứt) không còn sử dụng được; sân phơi lúa có diện tích quá nhỏ không đáp ứng yêu cầu khi thu hoạch tập trung (1.000m2); trang thiết bị, dụng cụ gồm máy sấy ẩm độ, cân điện tử, máy lạnh đã bị hỏng, phòng kiểm nghiệm xuống cấp (tường bị nứt); các thiết bị kiểm nghiệm, hệ thống sấy, làm sạch, sân phơi, nhà kho… phục vụ nhân giống lúa trong dân hiện chưa có.

Nguồn nhân lực làm công tác quản lý giống cũng rất hạn chế về số lượng. Hiện trong tỉnh có một số cộng tác viên tham gia công tác tuyển chọn và sản xuất lúa giống nhưng phần lớn chưa qua đào tạo, tập huấn. Còn các đại lý kinh doanh giống đa số không có chuyên môn và chưa qua trường lớp đào tạo. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho phát triển công tác giống nói chung, giống lúa nói riêng còn rất hạn hẹp, chủ yếu là trợ giá giống theo mùa vụ mà chưa quan tâm đến đầu tư cho khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ... Vì vậy cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành giống tỉnh ta đang còn rất lạc hậu, các công đoạn phơi sấy, chế biến, bảo quản đang còn nặng tính thủ công.

Ngoài ra, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong quản lý sản xuất kinh doanh giống chưa thật sự đồng bộ. Công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu về tầm quan trọng sử dụng giống mới, giống có chất lượng để nâng cao năng suất, sản lượng lúa chưa thường xuyên; chưa hỗ trợ sản xuất giống được nhiều. Từ đó dẫn đến một bộ phận lớn nông dân còn thiếu vốn sản xuất nên vẫn còn tự để giống, sử dụng giống có phẩm cấp thấp.

Chú trỌng đúng mỨC công tác cung ỨNg lúa giỐng

Nhằm tổ chức sản xuất lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và có khả năng thích ứng với khí hậu thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đang xúc tiến thành lập đề án “Xây dựng mạng lưới nhân giống lúa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020”.

Việc lập và thực hiện đề án này nhằm mục tiêu chủ động đáp ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng lúa giống với giá cả hợp lý. Đồng thời, thông qua sản xuất giống lúa để đạt được cơ cấu giống tiến bộ của tỉnh, nâng cao trình độ về quản lý, sản xuất cho cán bộ địa phương và người dân, làm tiền đề hình thành cánh đồng mẫu lớn và từng bước hoàn chỉnh hệ thống sản xuất giống lúa theo hướng xã hội hoá công tác giống.

Việc sử dụng giống lúa “chính thống” sẽ làm tăng nhanh năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân một cách bền vững. Từ đó từng bước thay đổi, đi đến xoá bỏ tập quán tự để giống chất lượng thấp trong các nông hộ.

Dự kiến đến năm 2016, Tây Ninh phấn đấu có khoảng 1.500 ha lúa giống để cung ứng đảm bảo 65% nhu cầu giống chất lượng tốt cho nông dân; lượng lúa do người dân tự để giống dưới 35%. Đến năm 2020, tỉnh mở rộng thêm 1.000 ha sản xuất và cung ứng giống, bảo đảm trên 90% nhu cầu giống chất lượng cao cho nông dân; lượng giống do người dân tự để giống dưới 10%.

Cụ thể, dự kiến trong năm 2014 tới đây, tỉnh phấn đấu có 35% (52.500 ha) diện tích trồng lúa sử dụng giống chất lượng cao; năm 2015 là 75.000 ha; năm 2016 là 97.500 ha; đến năm 2020 là trên 135.000 ha.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh sẽ xây dựng tại 7 huyện trọng điểm sản xuất lúa, các tổ hoặc hợp tác xã sản xuất và cung ứng lúa giống đảm bảo thuận lợi nhất cho người sản xuất lúa. Ưu tiên thành lập tổ hoặc hợp tác xã sản xuất lúa giống ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện để thực hiện công tác nhân giống lúa; đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật; tăng cường thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nhân lực tham gia công tác nhân giống lúa.

TRẦM QUỲNH DU