BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lúa mùa Khedol 

Cập nhật ngày: 25/12/2023 - 09:09

BTN - Những ngày này, cánh đồng lúa khu vực Khedol chỉ còn trơ gốc rạ vì bà con vừa thu hoạch xong. Năm nay, lúa ít sâu bệnh, được mùa, đem lại niềm vui cho bà con sau bao ngày vất vả chăm sóc

 

Ông Cao Văn Ươn và bó lúa hồn được mang về

Niềm vui từ hạt lúa

Trong căn bếp của gia đình, những bao lúa mới được anh Cao Văn Búp (53 tuổi) mang vào sắp xếp cẩn thận. Năm nay, anh Búp cũng như bà con đồng bào Khmer ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh vui mừng vì lúa được mùa.

Trên những bao lúa được xếp gọn gàng có một bó lúa hạt. Anh Búp cho biết, đây là bó lúa hồn được người trồng cắt về lưu giữ, sang năm hoà cùng lúa giống sạ cho vụ mới. “Việc làm này lâu đời và được truyền lại. Không biết như thế nào, nhưng cha ông mình làm, giờ con cháu làm theo thôi”- anh Búp giải thích.

Những ngày này, cánh đồng lúa khu vực Khedol chỉ còn trơ gốc rạ vì vừa xong đợt thu hoạch. Anh Búp nói: “Một tuần trước, mỗi ngày có khoảng 3-4 máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa cho bà con, kéo dài gần 10 ngày. Năm nay không có mưa nên gặt lúa cũng nhanh hơn”.

Góc bếp đầy lúa của gia đình anh Búp

Ở Khedol, hằng năm có một vụ lúa chính kéo dài 6 tháng. Loại lúa được gieo là lúa mùa, bà con cũng không nhớ giống lúa này có từ bao giờ, vì từ đời cha ông ông đã dùng. Lúa được giữ giống và gieo sạ hằng năm cho đến tận bây giờ.

Mỗi năm, vào tháng 4, tháng 5, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rớt hạt, ruộng đất khô cằn được tưới mát, bà con Khmer lại đem lúa ra gieo. Qua một mùa mưa, lúa mùa phát triển xanh tốt. Theo bà con, lúa trồng ở đây thỉnh thoảng chỉ bón ít phân diêm. “Có khi tôi còn không bón cả diêm vì sợ lúa tốt quá không đơm bông được”- ông Cao Văn Ươn (người uy tín trong đồng bào Khmer) nói.

Sau hơn sáu tháng, những thân lúa mùa vượt cao quá đầu người nông dân. Đến độ tháng 10 là lúa ôm đòng trổ bông. Rồi đến khi gió lạnh hanh hanh là bắt đầu thu hoạch lúa. Nhìn mớ lúa chưa được cất xếp gọn gàng, ông Ươn nói: “Tôi vừa bán hơn 1 tấn lúa. Số còn lại sẽ xếp vào kho để ăn dần trong năm”.

Ông Ươn năm nay 70 tuổi nhưng vẫn còn khoẻ mạnh. Vụ lúa này, ông mướn thêm hơn 4 công ruộng để trồng. Một mình ông chăm sóc hơn 1 ha, thu hoạch khoảng 100 giạ lúa trong năm nay. Đất ruộng của ông Ươn trải dài từ ven suối (cạnh đường đi) đến chân núi. Với khoảng 2 công đất gần suối, có nước quanh năm, sau vụ thu hoạch này ông tính cày rồi sạ thêm một vụ lúa mới. Ông Ươn nói: “Ở đây làm lúa rải rác sẽ khó đạt năng suất tốt như khi làm chung vụ với bà con vì chuột đồng phá hại. Nhưng nếu có thể làm thêm vụ thì tôi cũng trồng, vì đất bỏ hoang rất phí”.

Gia đình anh Búp cũng có khoảng 5 công ruộng làm lúa. Ngoài lúa để dành ăn, anh Búp bán được hơn 1 tấn lúa, với giá 12.000 đồng/kg. Anh nói: “Mình làm lúa ăn nên không tính chuyện lời hay lỗ, chỉ là bán cho bà con có lúa ăn, mình thì có thêm chút tiền thôi”.

Anh Cao Văn Vết (48 tuổi) bày tỏ niềm vui sau thu hoạch lúa: “Nông dân làm lúa thì có năm được năm thất. Năm nay lúa trúng hơn năm ngoái, rất mừng”. Có hơn 6 công đất làm lúa, gia đình ít người vì các con đi học xa, vợ chồng anh Vết không trữ lúa nhiều. Phần lúa dư hơn 1 tấn, anh bán đi.

Ông Phạm Hoàng Thành Nam- Bí thư Chi bộ kiêm trưởng ấp Thạnh Đông cho biết: Nhiều năm nay, vùng đồng bào dân tộc Khmer làm gạo lúa mùa truyền thống, mỗi năm một vụ. Tại khu vực, có 217 hộ Khmer sinh sống, trong đó có khoảng 30% hộ có ruộng để sản xuất lúa. Lúa làm ra để phục vụ bà con là chủ yếu, số lượng bán ra bên ngoài rất ít. Tại khu vực có 2 nhà máy chà lúa phục vụ bà con. Theo ông Nam, cánh đồng lúa Khedol này đã có từ rất lâu đời. Thời gian sau này, những mảnh ruộng cao dần chuyển sang trồng mãng cầu, nhưng chỉ số ít, còn lại đồng bào vẫn giữ đất trồng lúa.

Mùa lúa xưa và nay

Với đồng bào dân tộc Khmer tại đây, hạt lúa như bảo chứng cho sự no đủ của gia đình mình. Cho nên, mỗi năm một vụ lúa luôn được bà con duy trì dù hiệu quả kinh tế không cao. Họ làm để có gạo ăn và chia sẻ cho bà con quanh vùng là chủ yếu. Những năm nay, danh tiếng gạo ngon của lúa mùa Khedol được nhiều người biết đến. Vì vậy, không chỉ bà con quanh vùng, những người ở nơi khác cũng tìm đến mua.

Một góc cánh đồng sau vụ thu hoạch lúa

Theo anh Vết, ngày gặt lúa trên đồng có người đi ngang ghé hỏi mua. Có những người dân Khedol đi xa cũng trở về mua lúa để trữ. Anh Búp chia sẻ: “Tôi mang cơm gạo mùa đi làm, có người ăn chung và khen ngọt ngon. Vui lắm chứ. Nhưng lúa làm ra chỉ đủ ăn và dư một ít, không đủ bán đâu”.

Những người có hàng chục năm gắn bó cùng đồng ruộng như ông Ươn, anh Búp, anh Vết, những mùa lúa qua đi mang theo nhiều thay đổi. “Tôi thấy việc làm lúa hiện giờ nhẹ hơn thời ông già tôi làm nhiều lắm”- anh Búp nói.

Theo anh Búp, ngày xưa, đến mùa lúa, người nông dân phải quần quật ngoài ruộng để cày đất hay nhổ cỏ, sau đó là cắt, đập, phơi lúa, giê lúa. Bây giờ đã có máy móc lo hết, nông dân đỡ vất vả.

Ông Ươn chia sẻ: “Ngày xưa, đến mùa lúa, các con tôi còn nhỏ, đi học, chỉ có vợ chồng tôi làm tới tối mịt. Mùa thu hoạch lúa ngày xưa có thể kéo dài cả tháng cho đến tết nguyên đán luôn". Bây giờ thì khác rồi, người nông dân Khmer không còn nhọc công cấy lúa hay cày đất, vì đã có máy móc hỗ trợ sức người. Những mớ rơm trên đồng sau gặt, nông dân không phải mang về hay đốt đồng nữa mà có thể bán luôn tại ruộng.

Những ngày này, ngang qua xóm nhà của đồng bào Khmer, không còn cảnh quây bồ chứa lúa như trước. Mỗi mùa lúa về, người nông dân Khmer đã bớt đi những vất vả, nhọc nhằn; sau mùa gặt, ai nấy vui vẻ, phấn khởi, an tâm vì lúa về đầy nhà.

Vi Xuân