BAOTAYNINH.VN trên Google News

Luật BHYT: Người dân tộc thiểu số chưa quan tâm

Cập nhật ngày: 03/12/2010 - 11:04

Sau một thời gian đi vào cuộc sống, Luật BHYT đã bộc lộ nhiều bất cập, bất hợp lý. Nếu so sánh với một số quy định của Chính phủ trước khi Luật BHYT có hiệu lực thì có thể thấy bộ luật này có những “bước lùi” nhất là ở những quy định liên quan đến người dân tộc thiểu số và người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn.

Thu hẹp đối tượng

Ngày 15.10.2002, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 139/2002/QĐ –TTg (gọi tắt là Quyết định 139) quy định về việc khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Điều 2 của quyết định này ghi: “nhân dân các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (gọi tắt là vùng 135) sẽ được khám chữa bệnh miễn phí, không phân biệt dân tộc Kinh hay dân tộc thiểu số”. Tuy nhiên, theo Luật BHYT hiện hành thì người dân sống tại vùng 135 không còn được hưởng các chế độ theo Quyết định 139 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, theo Chương II, Điều 12 của Luật BHYT có quy định 25 nhóm đối tượng được đóng BHYT. Trong đó, ở mục 14 ghi rõ như sau: “Người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ BHYT”. Như vậy, Luật BHYT đã thu hẹp đối tượng được hưởng chế độ BHYT miễn phí ở vùng 135. Trong khi đó, hiện nay người dân sống tại các vùng này vẫn thiệt thòi hơn so với các khu vực còn lại, nhất là so với đời sống của khu vực thành thị.

Liên quan đến chế độ BHYT dành cho người dân tộc đang sinh sống tại các vùng 135 mà có lẽ những người khi soạn Luật BHYT chưa tính tới. Đó là chuyện trong một gia đình có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số. Với những trường hợp này, luật quy định chỉ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số mới được hưởng chế độ BHYT miễn phí. Ngoài ra, con cái của những cặp vợ chồng này có được hưởng chế độ BHYT miễn phí hay không lại còn tuỳ thuộc vào sự thoả thuận giữa vợ và chồng khi cho con theo họ mẹ hay họ cha. Nếu con cái mang họ của người dân tộc thiểu số thì sẽ được hưởng chế độ BHYT miễn phí, ngược lại sẽ không được hưởng. Do truyền thống văn hoá, phần lớn con cái đều mang họ cha nên nếu cha là dân tộc Kinh thì đương nhiên con cái của họ không được hưởng (trừ trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng BHYT theo quy định chung). Trong đợt giám sát việc thực hiện BHYT dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi của HĐND tỉnh hồi tháng 10 vừa qua, trong số các kiến nghị của mình, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã có một kiến nghị rất đáng chú ý: “đề nghị cấp thẻ BHYT cho tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn”.

Anh Cao Văn Sal chưa hề sử dụng đến 2 tấm thẻ KCB miễn phí của các con

Thêm một điều nữa là Luật BHYT quy định chỉ có người dân tộc thiểu số đang sống tại các khu vực biên giới mới được cấp thẻ BHYT miễn phí, còn đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống trong vùng nội địa thì không được hưởng chế độ này. Điều này giải thích tại sao tổng số người dân tộc thiểu số tham gia BHYT còn ở mức chưa cao. Tại Tây Ninh, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH đến tháng 10.2010, toàn tỉnh có 5.057 người dân tộc thiểu số tham gia BHYT. Trong số này, phần lớn là đối tượng được phát miễn phí, số người dân tộc tham gia BHYT tự nguyện chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Tuyên truyền chưa sâu

Xã Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh là địa phương có nhiều người dân tộc Khmer và Tà Mun sinh sống. Theo thống kê của chính quyền xã, hiện toàn xã có 240 hộ gia đình Khmer với khoảng 1.200 nhân khẩu, trong số này có chưa tới 10 hộ tham gia BHYT tự nguyện. Giải thích về điều này, ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân cho rằng có hai nguyên nhân khiến tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia BHYT tự nguyện thấp là họ không có tiền mua và nhận thức về vấn đề BHYT của bà con còn hạn chế.

Khi được hỏi vì sao không mua thẻ BHYT, ông Cao Văn Xà Rum, một người Khmer năm nay 68 tuổi ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân trả lời giản đơn: muốn mua bảo hiểm nhưng không có tiền. Anh Cao Văn Sal 32 tuổi, người Khmer có 2 đứa con, một đứa 10 tuổi và một đứa 5 tuổi. Hai con của anh Sal đều được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em nhưng anh Sal cho biết chưa khi nào sử dụng, bởi vì không hiểu cái thẻ dùng để làm gì, mặc dù 2 đứa con của anh bị sốt xuất huyết vừa đi nằm viện về. Hiện nay, việc đổi thẻ khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT dành cho trẻ em dưới 6 tuổi gần như đã được thực hiện xong, nhưng anh Sal vẫn không hay biết.

 Từ thực tế trên cho thấy, công tác tuyên truyền về chế độ BHYT trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đạt hiệu quả không cao, bởi vì nhận thức của đồng bào về chăm sóc sức khoẻ còn nhiều hạn chế. Mặt khác, nhiều người dân tộc không nghe được tiếng phổ thông nên gặp khó khăn khi tiếp nhận thông tin. Do vậy, muốn công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao thì công việc này cần phải giao cho chính người dân tộc thiểu số thực hiện, điều này cũng có nghĩa là phải đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trang, Trạm phó Trạm Y tế xã Thạnh Tân cho rằng nếu tất cả người dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT miễn phí thì công tác chăm sóc sức khoẻ cho họ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện cũng có ý kiến cho rằng Nhà nước nên tạo điều kiện hỗ trợ 50% số tiền mua thẻ BHYT dành cho người dân tộc thiểu số, không phân biệt họ sống ở khu vực biên giới hay trong nội địa. Đây cũng là một bước đệm cho việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước là đến năm 2014 sẽ thực hiện BHYT toàn dân.

Như vậy, sau một thời gian được áp dụng, Luật BHYT đã bộc lộ nhiều bất cập. Từ những bất hợp lý thuần tuý về mặt kỹ thuật như việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, thủ tục chuyển viện, thanh quyết toán viện phí, quyền lợi của người tham gia giao thông bị tai nạn… cho đến những bất cập về mặt chủ trương, chính sách về BHYT dành cho các đối tượng khác nhau. Vì luật đã quy định nên các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư khi hướng dẫn thực hiện cũng chỉ là cụ thể hoá những quy định trong luật chứ không thể làm khác luật. Cho nên, giống như một số bộ luật khác, hy vọng nhiều khả năng Luật BHYT sẽ sớm sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Tây Ninh có 17 dân tộc thiểu số chiếm khoảng 1,69% dân số toàn tỉnh. Ngoài dân tộc Kinh, có 4 dân tộc thiểu số đông nhất là: Dân tộc Khmer 7.158 người chiếm 0,65%, dân tộc Hoa 4.542 người chiếm 0,5%, dân tộc Chăm 3.312 người chiếm 0,30% và dân tộc Tà Mun 1.839 người chiếm 0,17%. Ngoài ra, còn một số dân tộc thiểu số khác có số lượng rất ít chiếm tỷ lệ 0,07%. Địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số không tập trung, phân tán rải rác trên 7 huyện, thị của tỉnh (Tân Châu, Bến Cầu, Dương Minh Châu, Hoà Thành, Tân Biên, Châu Thành, Thị xã). Đời sống của họ chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và làm thuê trong nông, lâm nghiệp, một số ít mua bán nhỏ.

VIỆT ĐÔNG