Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Từ 1.7.2024, khi Luật Căn cước có hiệu lực, người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam, độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải làm thủ tục cấp thẻ; công dân dưới 14 tuổi nếu có nhu cầu thì thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã biểu quyết thông qua Luật Căn cước năm 2023. Luật Căn cước năm 2023 sẽ thay thế cho Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014, gồm 7 chương, 46 điều, có hiệu lực từ ngày 1.7.2024. Luật Căn cước với nhiều quy định mới, cụ thể về căn cước, định danh điện tử cho công dân... giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Nhiều điểm mới đáng chú ý
Song song với việc đổi tên Luật CCCD thành Luật Căn cước, tên thẻ CCCD cũng được đổi thành thẻ căn cước cho ngắn gọn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, khoản 1, khoản 9, Điều 3 Luật Căn cước có giải thích rõ về nghĩa của thuật ngữ căn cước và thẻ căn cước. Theo đó, căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người. Thẻ căn cước là giấy tờ tuỳ thân chứa đựng thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của luật này. Việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.
Điều 46 Luật Căn cước quy định, thẻ CCCD đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, được cấp đổi sang thẻ căn cước khi công dân có yêu cầu. Do đó, người dân đang có thẻ CCCD cấp trước ngày 1.7.2024 không phải đổi sang thẻ căn cước mà được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ. Người dân đang có thẻ CCCD nếu muốn đổi sang thẻ căn cước mới sẽ được thực hiện thay đổi.
Bên cạnh quy định về thời hạn sử dụng CCCD đang còn giá trị sử dụng, khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước cũng có thông tin về giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân. Chứng minh nhân dân còn thời hạn thì được sử dụng đến hết ngày 31.12.2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ CCCD vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng. Như vậy, mọi chứng minh nhân dân chỉ được sử dụng đến hết 31.12.2024 dù còn hạn hay đã hết hạn sử dụng.
So với Luật CCCD năm 2014, thông tin về quê quán, vân tay đã được lược bỏ, không cần thể hiện trên thẻ căn cước mới. Thay vào đó, quê quán của công dân sẽ được tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc bỏ vân tay trên bề mặt thẻ bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng; bỏ thông tin quê quán để bảo đảm tính riêng tư, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ và vướng mắc trong xác thực thông tin.
Hiện nay chỉ cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, từ 1.7.2024, khi Luật Căn cước có hiệu lực, người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam, độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải làm thủ tục cấp thẻ; công dân dưới 14 tuổi nếu có nhu cầu thì thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Như vậy theo quy định mới, người dưới 14 tuổi từ ngày 1.7.2024 có thể được cấp thẻ căn cước nếu có nhu cầu.
Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại cấp xã, cấp huyện (nếu không có đơn vị hành chính cấp xã) từ 6 tháng trở lên được cấp giấy chứng nhận căn cước. Đây là điểm mới hoàn toàn so với quy định cũ tại Luật CCCD năm 2014. Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tuỳ thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của luật này. Giá trị sử dụng để chứng minh về căn cước, thực hiện giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn 1 năm.
Một trong những nội dung đáng chú ý khác của Luật Căn cước là bổ sung căn cước điện tử. Mỗi công dân sẽ chỉ có 1 căn cước điện tử, được thể hiện qua tài khoản định danh điện tử. Sau khi đã có căn cước điện tử, công dân có thể thực hiện tích hợp thông tin vào thẻ căn cước thông qua việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước hoặc ứng dụng VNeID. Thông tin trong căn cước điện tử gồm: thông tin về căn cước như thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (họ tên chữ đệm khai sinh; số định danh cá nhân; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo…); thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay, mống mắt, giọng nói); nghề nghiệp; trạng thái. Thông tin được tích hợp gồm: thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, đăng ký kết hôn hoặc giấy tờ khác trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp. Thông tin được xác thực từ cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo đề nghị của công dân.
Thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong khi đó, theo quy định cũ, thời hạn được chia theo các trường hợp: tại thành phố, thị xã cấp mới và cấp đổi không quá 7 ngày, cấp lại không quá 15 ngày làm việc; tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo thời gian thực hiện không quá 20 ngày áp dụng cho tất cả các trường hợp; tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày cho tất cả các trường hợp.
Theo luật mới, thông tin về quê quán, vân tay không cần thể hiện trên thẻ căn cước mới.
Những hành vi bị nghiêm cấm trong luật mới
So với quy định của Luật CCCD năm 2014, những hành vi bị nghiêm cấm của Luật Căn cước có một số thay đổi, bổ sung. Những hành vi bị nghiêm cấm này không chỉ người dân mà ngay cả cán bộ, người tham gia vào công tác quản lý cũng như thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến căn cước cũng có quy định.
Điều 7, Luật Căn cước quy định những hành vi bị nghiêm cấm gồm: cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật. Giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
Nhũng nhiễu, gây phiền hà, phân biệt đối xử khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước. Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về căn cước, thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp không chính xác, cung cấp trái quy định của pháp luật thông tin, tài liệu về căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước.
Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước khi đã đủ 14 tuổi trở lên đối với công dân Việt Nam. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, huỷ hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.
Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xoá, huỷ, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử trái quy định của pháp luật. Khai thác, chia sẻ, mua bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Thượng tá Nguyễn Văn Nước- Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: “Hơn 6 tháng nữa, Luật Căn cước sẽ chính thức có hiệu lực trên toàn quốc. Luật Căn cước có một số điểm mới thể hiện tính nhân văn, tính khoa học, tính pháp lý và tính thẩm mỹ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình phát triển khoa học công nghệ như hiện nay, bảo đảm sau khi người dân có thẻ căn cước sẽ ứng dụng vào trong tất cả thủ tục hành chính, giao dịch dân sự được thuận lợi, nhanh chóng hơn”.
Phương Thảo