Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyên trang Hội Luật gia tỉnh
Luật Dân số được ban hành: Sẽ tạo hành lang pháp lý giải quyết toàn diện công tác dân số ở nước ta
Luật gia Anh Tuyết
Xem các bài viết của tác giả
Thứ sáu: 19:20 ngày 08/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vào lúc 6 giờ 35 phút ngày 11.7.1987, tại thành phố Zagreb, một cậu bé người Nam Tư ra đời đã đặt dấu mốc nhân loại đạt 5 tỷ người.

Lúc bấy giờ, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức lễ kỷ niệm, coi đó là một chiến thắng mà loài người đã đạt được trong cuộc đấu tranh chống lại những thế lực đã kìm hãm sự sinh trưởng trong lịch sử.

Tuy nhiên, với dân số 5 tỷ người, loài người cũng nhận thức được hiểm hoạ lớn xảy ra do bùng nổ dân số đưa đến. Do đó, ngày thế giới đạt 5 tỷ người được coi là tiếng chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở mọi người trên trái đất về sự cạn kiệt tài nguyên, môi trường sống bị ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái và các quyền của con người không đủ điều kiện để thực hiện.

Vì vậy, tại hội nghị quốc tế về dân số và phát triển tổ chức tại Amrterdam (thủ đô Hà Lan) vào tháng 11.1989, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã quyết định lấy ngày sinh của em bé người Nam Tư ngày 11.7 là Ngày Dân số thế giới. Từ đó, ngày 11.7 hằng năm là dịp để con người nhìn nhận, đánh giá trách nhiệm và đưa ra giải pháp cho những thách thức đến từ việc gia tăng dân số.

 Ở nước ta, ngày 19.5.1997, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 26.12 hằng năm làm Ngày Dân số Việt Nam nhằm tập trung sự quan tâm của toàn xã hội cho công tác này, điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, trước mắt và lâu dài.

Pháp lệnh Dân số năm 2003 được ban hành và được sửa đổi, bổ sung năm 2008 đã góp phần tạo hành lang pháp lý bảo đảm cho việc triển khai thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đạt hiệu quả. 

Theo đó, Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và toàn xã hội; bảo đảm việc chủ động, tự nguyện, bình đẳng của mỗi cá nhân, gia đình trong kiểm soát sinh sản, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, lựa chọn nơi cư trú và thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số; kết hợp giữa quyền và lợi ích của cá nhân, gia đình với lợi ích của cộng đồng và toàn xã hội; thực hiện quy mô gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

Công dân có quyền được cung cấp thông tin về dân số; được cung cấp các dịch vụ dân số có chất lượng, thuận tiện, an toàn và được giữ bí mật theo quy định của pháp luật; được quyền lựa chọn các biện pháp chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số và lựa chọn nơi cư trú phù hợp với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, công dân cũng phải có nghĩa vụ thực hiện kế hoạch hoá gia đình; xây dựng quy mô gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; thực hiện các biện pháp phù hợp để nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần của bản thân và các thành viên trong gia đình; tôn trọng lợi ích của Nhà nước, xã hội, cộng đồng trong việc điều chỉnh quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân cư, nâng cao chất lượng dân số; thực hiện các quy định của pháp luật về công tác dân số.

Nhà nước có chính sách, biện pháp để triển khai công tác dân số, thực hiện xã hội hoá công tác dân số, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho công tác dân số phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, nâng cao chất lượng dân số, ưu tiên đối với người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Cơ quan quản lý nhà nước về dân số có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện công tác dân số; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận để triển khai công tác dân số; thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về dân số.

Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm lồng ghép các yếu tố dân số trong quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền, vận động thực hiện công tác dân số; cung cấp các loại dịch vụ dân số và tổ chức thực hiện pháp luật về dân số trong cơ quan, tổ chức mình.

Nhà nước nghiêm cấm cản trở, cưỡng bức việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình; lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp phương tiện tránh thai giả, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, quá hạn sử dụng, chưa được phép lưu hành; di cư và cư trú trái pháp luật; tuyên truyền, phổ biến hoặc đưa ra những thông tin có nội dung trái với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, có ảnh hưởng xấu đến công tác dân số và đời sống xã hội; nhân bản vô tính người.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác dân số thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư có biện pháp khuyến khích khen thưởng những cá nhân, gia đình thực hiện tốt công tác dân số.

Người nào có hành vi vi phạm các quy định của Pháp lệnh Dân số và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến công tác dân số thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, từ khi có Pháp lệnh Dân số, công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh... 

Tuy nhiên, mức sinh giữa các vùng còn chệnh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng; tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với việc già hóa dân số; chất lượng dân số còn thấp; phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập…

Vì thế, cần thiết phải ban hành Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác dân số hiện nay và đáp ứng với yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới.

Dự án Luật Dân số đang được dự thảo, sau khi chính thức được Quốc hội thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý để giải quyết toàn diện công tác dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số; chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Luật gia Anh Tuyết

Tin cùng chuyên mục