Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Luật Đất đai 2024: Đáp ứng yêu cầu thực tế, tháo gỡ cơ bản vướng mắc tại địa phương
Thứ tư: 17:53 ngày 20/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo đại diện UBND các tỉnh, thành phố, Luật Đất đai 2024 đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và tháo gỡ cơ bản các vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Đất đai 2013. Luật được triển khai sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế, tháo gỡ vướng mắc tại các địa phương.

Luật đã có chính sách ổn định tiền thuê đất hàng năm
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân, Luật Đất đai đã trải qua 9 lần sửa đổi. Luật là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.

Thứ trưởng cũng cho biết, Luật Đất đai 2024 có những điểm mới bám sát Nghị quyết 18 của Trung ương và được cụ thể hóa như: Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; bổ sung, quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền lựa chọn của đơn vị sự nghiệp công lập; quy định về nhận chuyển nhượng đất lúa; chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận, giá đất…

Trong đó, về tài chính giá đất, Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật đã có chính sách ổn định tiền thuê đất hàng năm. Cụ thể, tiền thuê đất hàng năm được áp dụng ổn định cho chu kỳ 05 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất gắn với việc chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.

Tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ vào bảng giá đất của năm xác định tiền thuê đất tiếp theo. Trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước thì tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh nhưng không quá tỷ lệ do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn. Tỷ lệ điều chỉnh do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn không quá tổng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm cả nước của giai đoạn 05 năm trước đó…

Về phương pháp định giá đất, Luật quy định cụ thể các phương pháp định giá đất, bao gồm: Phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất, đồng thời giao Chính phủ quy định phương pháp định giá đất khác 4 phương pháp trên sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng cho biết, theo tinh thần của Luật Đất đai 2024, nhiệm vụ chủ yếu của Bộ Tài nguyên và Môi trường là tham mưu Chính phủ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, còn tất cả các nội dung quản lý nhà nước khác, Luật đã giao, phân cấp về các địa phương.

Bộ sẽ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, thanh, kiểm tra, hướng dẫn. Do đó, các địa phương cần nghiên cứu kỹ, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 để Dự thảo đảm bảo chất lượng, tính hiệu lực, hiệu quả trong thi hành.

Ảnh minh họa: Bích Liên 

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, việc Quốc hội khóa XV thông qua Luật Đất đai vừa qua có ý nghĩa chính trị to lớn, thể hiện quyết tâm, thống nhất về quan điểm, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ trong việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, theo Quyết định 222/QĐ-TTg, Bộ TN&MT được giao xây dựng trình Chính phủ 6 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 4 Thông tư. Hiện nay, Bộ đang khẩn trương xây dựng các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành và lấy ý kiến các địa phương để hoàn thiện.

Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao đầy đủ các nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cần tập trung vào việc chỉ đạo rà soát và ban hành các văn bản theo thẩm quyền, trong đó tập trung vào nhiệm vụ xây dựng bảng giá đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không giấy tờ; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai; rà soát đất nông lâm trường… để khi Luật có hiệu lực, đảm bảo sự đồng bộ, giải quyết các tồn tại, vướng mắc.

Bộ trưởng cho hay, hiện nay các địa phương rất mong chờ Luật Đất đai có hiệu lực sớm và tin tưởng rằng Luật khi có hiệu lực sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với giải quyết các vướng mắc, tồn tại trên thực tế.

Đáp ứng yêu cầu thực tế, gỡ vướng mắc cho địa phương

Tại Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 do Bộ TN&MT vừa tổ chức mới đây, đại diện UBND nhiều tỉnh, thành phố đánh giá Luật Đất đai 2024 đã bám sát tinh thần Nghị quyết 18, giải quyết được những vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Đất đai 2013.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn, thực hiện Luật Đất đai 2013, những năm qua, công tác quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là các công trình giao thông, xây dựng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Luật cũng bộc lộ hạn chế, tồn tại, thiếu đồng bộ, dẫn đến nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu phát triển đất nước, đặc biệt có nhiều văn bản còn chồng chéo, chưa thống nhất.

Luật Đất đai 2024 đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và tháo gỡ cơ bản các vướng mắc, tồn tại khi thi hành Luật Đất đai 2013. “Tôi tin tưởng rằng Luật 2024 sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế, tháo gỡ vướng mắc ở địa phương”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng đề nghị sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật để địa phương thực hiện đảm bảo sự thống nhất. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đai để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bố trí kinh phí thực hiện đo đạc địa chính…

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho hay, Luật Đất đai 2024 đã bám sát thể chế Nghị quyết 18, báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và đồng bộ với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở làm cơ sở để địa phương thực hiện. Với hiệu ứng Luật Đất đai và luật liên quan, 2 tháng đầu năm 2024, số hồ sơ nhà đất cần giải quyết tăng hơn 18.000 hồ sơ so với năm 2023, nguồn thu thuế tăng 45% so với cùng kỳ, góp phần tổng thu của thành phố tăng khoảng 13%.

Ông Cường cũng cho biết, thành phố đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Luật và các ý kiến góp ý đã được Bộ TN&MT tiếp thu tối đa. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung góp ý vào các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành và mong muốn sớm ban hành các Nghị định. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định địa phương sẽ ban hành các văn bản theo thẩm quyền được giao trong Luật Đất đai 2024; đồng thời kiến nghị Bộ sớm tổ chức các đoàn công tác, tập huấn về những nội dung mới của Luật.

Ông Đinh Ngọc Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, 3 điểm mới của Luật Đất đai 2024 mà người dân mong chờ là chuyển đổi mục đích sử dụng, từ đất trồng cây lâu năm sang đất nông nghiệp khác, không cần thủ tục gì mà người dân có quyền chủ động. Thứ hai, việc sử dụng đất đa mục đích được quy định rõ trong Luật, đất nông nghiệp được sử dụng đa mục đích, xây dựng các công trình phục vụ mục đích sản xuất nông nghiệp.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm, trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ TN&MT đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các địa phương và khi được ban hành, Luật có nhiều đổi mới, nhất là về phân cấp thẩm quyền, cải cách hành chính. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình mong muốn các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cần quy định cụ thể các nội dung Luật chưa nêu rõ thì hướng dẫn cần làm rõ hơn, cụ thể hơn các đối tượng, và đặc biệt tài chính về đất đai, để minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và sớm ban hành để Luật đi vào cuộc sống.

Ông Liêm đề xuất xây dựng văn bản dưới Luật để những nội dung trong luật nêu không rõ thì hướng dẫn cần làm rõ, cụ thể hơn các đối tượng và đặc biệt là tài chính về đất đai minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn./.

Nguồn dangcongsan.vn

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục