Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021, gồm 4 Chương với 42 Điều. Đây là một cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án, giúp các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp mà không cần phải mở phiên toà xét xử, rút ngắn thời gian giải quyết các vụ, việc, tiết kiệm kinh phí của Nhà nước và các bên.
Học viên tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định của Luật.
Theo đó, ngay sau khi nhận đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn khởi kiện vụ án hành chính và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại thực hiện nhiệm vụ chỉ định Hòa giải viên; trừ trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, vụ việc không được hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính hoặc khi nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện không đồng ý hòa giải, đối thoại.
Thời hạn hòa giải, đối thoại là không quá 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Trường hợp các bên tham gia hòa giải, đối thoại thống nhất kéo dài thì thời hạn hòa giải, đối thoại không quá 2 tháng.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại, hòa giải viên luôn luôn phải tôn trọng sự tự nguyện của đương sự, các nội dung thỏa thuận, thống nhất phải phản ánh đúng ý chí của các bên tham gia hòa giải, đối thoại; tuyệt đối không được đe dọa, ép buộc, các thỏa thuận phải thống nhất. Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Khi kết thúc hòa giải, đối thoại, hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả. Nội dung biên bản thể hiện rõ kết quả hòa giải thành, kết quả đối thoại thành; những nội dung hòa giải không thành, đối thoại không thành, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên, người đại diện của họ, người phiên dịch và hòa giải viên, thẩm phán tham gia phiên họp.
Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Trường hợp hòa giải, đối thoại không thành thì chuyển hồ sơ vụ việc sang cho Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, tố tụng hành chính.
Quyết định này có thể bị xem xét lại theo đề nghị của các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án, theo kiến nghị của Viện kiểm sát nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này.
“Những năm qua, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng tăng về số lượng và phức tạp về tính chất. Các tranh chấp dân sự chủ yếu về ly hôn, hợp đồng vay tài sản; khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai chiếm tỷ lệ cao.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án có hiệu lực là bước tiến lớn trong đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, để giải quyết các tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, hành chính mà không cần thông qua quá trình giải quyết cũng như các thủ tục tố tụng thông thường.
Việc này vừa giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội, vừa hạn chế tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài; đồng thời còn giúp giảm tải công tác xét xử của các tòa án trong tình hình số lượng biên chế còn thiếu như hiện nay”, một lãnh đạo TAND tỉnh cho biết.
Ông Võ Văn Ngầu – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng, TAND tỉnh cho biết, hòa giải viên được lựa chọn từ những người đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có sức khoẻ tốt và kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại.
Sau tổng kết công tác năm, căn cứ vào số lượng vụ, việc thụ lý, Chánh án TAND cấp huyện có văn bản đề nghị Chánh án TAND cấp tỉnh giao số lượng hoà giải viên. Chánh án TAND cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu, đề xuất số lượng hoà giải viên của TAND cấp tỉnh và huyện gửi về TAND tối cao. Sau khi TAND tối cao phê duyệt, Chánh án TAND cấp tỉnh ban hành quyết định giao số lượng hoà giải viên đối với từng Toà án thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp.
Hiện TAND hai cấp tỉnh đã lên phương án tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị có sẵn tại đơn vị để phục vụ thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Về việc thu hút hoà giải vên, TAND hai cấp đã thông báo tuyển chọn và đăng tải công khai trên các phương tiện đại chúng của địa phương, niêm yết tại trụ sở Toà án, để tuyển chọn ra những hoà giải viên vừa đáp ứng yêu cầu công việc, vừa đảm bảo tiêu chuẩn luật định.
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng cho biết thêm, do Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa hoàn toàn mới mẻ, các Toà án cũng vừa thực hiện, vừa học hỏi.
Việc phân bổ hoà giải viên theo hướng dẫn của TAND Tối cao là dựa vào số lượng án mà Tòa án thụ lý trong năm. Chẳng hạn, án ít hơn 300 vụ, việc sẽ có 5 hoà giải viên, từ 300 đến dưới 1.000 vụ, việc/năm có tối đa 15 hoà giải viên, có số lượng thụ lý từ 1.000 vụ, việc/năm trở lên thì cứ tăng thêm 100 vụ, việc thì bổ sung 1 hoà giải viên.
Vừa qua, TAND tối cao đã tổ chức khai giảng khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo hình thức trực tuyến, trong đó có 35 học viên của TAND hai cấp Tây Ninh tham gia.
Sau khoá bồi dưỡng, các hoà giải viên được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại. Sau khi các trường hợp học khoá bồi dưỡng đã được cấp chứng chỉ, Tòa án nơi nhận hồ sơ lựa chọn người có đủ điều kiện và có văn bản đề nghị Chánh án TAND cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm.
Chánh án TAND cấp tỉnh thành lập Hội đồng tư vấn lựa chọn Hòa giải viên tổ chức họp xem xét, thống nhất và ra nghị quyết lựa chọn người có đủ điều kiện làm hòa giải viên. Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng tư vấn, Chánh án TAND cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên.
Thiên Di