BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xét xử vụ TNGT ở Trường Đông, thị xã Hoà Thành:

Luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra lại 

Cập nhật ngày: 26/07/2020 - 14:08

BTN - Sáng 22.7, TAND thị xã Hoà Thành đưa ra xét xử bị cáo Hồ Đức Thái trong vụ tai nạn giao thông làm vợ sắp cưới là chị Nguyễn Thị Kim Ngân tử vong. Tại phiên toà, Viện KSND Thị xã đề nghị HĐXX phạt bị cáo Thái 3 năm tù tội Vi phạm về tham gia giao thông đường bộ, cho hưởng án treo.

Hội đồng xét xử.

Chủ toạ phiên toà là thẩm phán Dương Thuý Hằng, đại diện Viện Kiểm sát là ông Hồ Chí Dũng. Tham gia bào chữa cho bị cáo Thái là luật sư Nguyễn Văn Thao (Đoàn luật sư Long An) và Nguyễn Thanh Diệp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

Lời khai còn nhiều mâu thuẫn

Trả lời HĐXX, bị cáo Thái cho biết, khoảng 12 giờ 30 phút, ngày 1.9.2019, sau khi uống khoảng 2 lon bia Tiger, bị cáo đi ngủ. Khoảng 15 giờ 30, bị cáo chở chị Ngân lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh với tốc độ khoảng 50-60km/giờ. Khi đến giao lộ Nguyễn Văn Linh - hẻm 95, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành, Thái thấy ông Trần Văn Ba chạy từ hẻm 95 ra với tốc độ khoảng 50-60km/giờ, bị cáo tránh vào lề phải, nghe tiếng va chạm phía sau nhưng không biết va chạm vào vị trí nào của xe. Xe chao đảo, tiếp tục chạy xuống đường mương cắt ngang đường, rồi vọt lên đống đất, va vào trụ xi măng, bị cáo té xuống bất tỉnh. Khi tỉnh lại, Thái cùng mọi người đưa chị Ngân đi cấp cứu nhưng chị đã tử vong tại bệnh viện.

Chủ toạ phiên toà công bố bút lục lời khai tại CQĐT thể hiện Thái khai không va chạm xe ông Ba. Bị cáo cho biết, tại CQĐT không bị ép cung nhưng do bị cú sốc tinh thần nên chưa nhớ rõ sự việc. Khi nhận bản kết luận điều tra và cáo trạng, bị cáo thấy rằng những lời khai tại CQĐT là chưa đúng. Bị cáo cho rằng, nội dung cáo trạng đúng phần bị cáo có lỗi khi có uống bia mà điều khiển xe nhưng khẳng định, lúc đó vẫn đủ tỉnh táo để cầm lái. Khi chạy đến nơi xảy ra TNGT, bị cáo thấy ông Ba khoảng 10-15 mét, nếu giảm ga hay thắng lại sẽ gây tai nạn nên tránh vào lề phải theo hướng đi của mình.

Nhân chứng Phan Văn Mão cho biết, ông chạy từ hướng cầu Đoạn Trần Kiều về xã Trường Đông, gần tới giao lộ thấy xe ông Ba và xe Thái chạy tốc độ nhanh nhưng không biết bao nhiêu. Khi tai nạn xảy ra, khoảng cách vị trí xe anh Thái và xe ông Ba khoảng 20cm. Ông Mão nhìn thấy xe ông Ba cách lề đường Nguyễn Văn Linh, phía bên phải khoảng 2- 3 tấc; xe của Thái, bánh trước nằm dưới lề đường, bánh sau nằm ngay vạch lề đường, nhưng ông không nhìn thấy rõ hai xe có va chạm hay không. Ông Ba có dừng lại, nhìn thấy tai nạn, rồi chạy đi. Chủ toạ phiên toà nhiều lần hỏi vì sao tại CQĐT khai ông Ba không dừng xe lại, ông Mão vẫn nói: “Điều tra viên xuống nhà tôi lấy lời khai 2 lần, tôi đều khai ông Ba có dừng xe lại”.

Nhân chứng Trần Văn Ba khai, khi đi đến giao lộ, ông chạy vận tốc khoảng 20-30km/giờ, nghe tiếng xe bị cáo Thái chạy qua “cái vù”. Bánh xe trước của ông Ba chưa qua tim đường, không va chạm xe của Thái. Ông Ba cũng cho biết, ông Út Phúc (không phải ông Phúc, cha chị Ngân-NV) và ông Chiêu hăm doạ, kêu ông xuống nhà cha chị Ngân xin lỗi, sẽ bỏ qua mọi chuyện nên ông đến thắp nhang và khẳng định không có nói gì tại nhà ông Phúc. Khi được toà hỏi về tuổi, ông Ba cho biết, ông đã 71 tuổi, tai không nghe rõ, mắt cũng không nhìn thấy rõ.

Trả lời chủ toạ phiên toà, Viện KS và luật sư, ông Nguyễn Minh Quân khai rằng, ông chạy phía sau ông Ba khoảng 4-5m, vận tốc khoảng 50-60km/giờ, thấy xe ông Ba va chạm xe bị cáo Thái. Khi toà công bố bút lục ông Quân khai với CQĐT, Thái chạy vận tốc 60km/giờ, ông Ba chạy 40km/giờ, ông nói: “Cái nào em cũng khai tốc độ cao chứ không có cái nào thấp hết. Thấy sao là em khai vậy”. Ông Quân cũng xác định, xe ông Ba va chạm xe của Thái, cách vạch trắng lề đường khoảng 2-3 tấc. Sau đó, xe dừng lại, ông Ba nhìn và bỏ chạy luôn vào Xóm Mới.

Trả lời Viện Kiểm sát, ông Quân cho rằng, ông khai với CQĐT nội dung xe ông Ba có va chạm xe Thái, trong khi biên bản khai tại CQĐT thể hiện ông Quân khai xe ông Ba không va chạm xe bị cáo Thái. Ông Quân cũng cho biết thêm, khi ông đi làm, điều tra viên S điện thoại yêu cầu ông đến ký biên bản dựng hiện trường, ông thấy dựng hiện trường sai vẫn ký tên, nhưng không nói với điều tra viên mà nói cho ông Phúc - cha chị Ngân biết. Ông Quân cũng thừa nhận ông đọc và ký tên vào biên bản lấy lời khai, không bị ai ép buộc.

Có dấu hiệu biên bản lấy lời khai khống?

Trả lời luật sư chung quanh việc ông Ba đến nhà, ông Phúc được HĐXX cho phép công bố file ghi âm nội dung lời ông Ba nói tại nhà mình. Ông còn đưa ra tấm hình cắt ra từ video clip cảnh ông Ba quỳ lạy ông và bàn thờ chị Ngân. Khi được hỏi về việc có bị ép cung hay không, ông Phúc cho biết, không bị CQĐT ép cung nhưng ông Phúc phát hiện, điều tra viên S sửa lại hiện trường vụ tai nạn, không đúng như nhân chứng thấy. Làm việc với điều tra viên, ông Phúc cung cấp chứng cứ, đề nghị khởi tố hình sự ông Ba, bồi thường dân sự cho con ông nhưng điều tra viên không ghi. Ông Phúc nhắc thì điều tra viên nói: “Hồi nãy không ghi thì bây giờ ghi”. Ông Phúc cho biết, khi ông phản ứng như vậy, điều tra viên “ghi không đầu không đuôi gì hết”, nên yêu cầu thay đổi điều tra viên. Sau đó, ông Phúc cung cấp bằng chứng cho HĐXX việc có gửi chứng cứ cho điều tra viên. 

Chủ toạ phiên toà công bố biên bản ghi lời khai lúc 11 giờ 30 ngày 2.9.2019. “Hỏi: ông Phúc có biết vụ TNGT xảy ra như thế nào không?  Đáp: Tôi, Phúc trình bày. Tôi không chứng kiến sự việc khi bị TNGT. Thái điện thoại nói cho tôi biết, Thái chở con tôi là Ngân chạy nhanh, tự té ngã xuống đường, không có đụng hay va chạm xe nào khác”. Sau khi nghe chủ toạ đọc biên bản lời khai, ông Phúc khẳng định: “Ngày 1.9.2019, con tôi bị TNGT. Ngày 2.9, tôi ở bệnh viện, có cả công an, Viện KS luôn. Tôi đang lo cho con tôi làm gì có lấy lời khai”.

Khi được chủ toạ phiên toạ hỏi về những lời khai của nhân chứng và ý kiến trình bày của ông Phúc tại toà, điều tra viên S nói: “Tôi khẳng định không có những vấn đề như ông Phúc, cũng như ông Quân vừa nêu. Tại phiên toà hôm nay, trong hồ sơ vụ án đã thể hiện, điều tra viên đã tiến hành hoạt động điều tra theo đúng quy định trên tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, không thù oán cá nhân và thận trọng. Tôi xin hết”. Chủ toạ lặp lại nội dung mà ông Phúc cho rằng vào ngày 2.9, điều tra viên không lấy lời khai ông Phúc, đề nghị điều tra viên có ý kiến, S nói: “Điều tra viên khẳng định là hoạt động điều tra đã tiến hành điều tra theo đúng trình tự thủ tục quy định… Việc này là đúng quy định”.

Trả lời câu hỏi luật sư, ông Phúc cho rằng ngày dựng hiện trường, ông thấy không đúng nên chụp hình nhưng điều tra viên ngăn cản. Sau đó, ông vẫn âm thầm tìm cách chụp được hình ảnh dựng hiện trường, cảnh chiếc xe bị cáo Thái quay đầu song song với đường Nguyễn Văn Linh là không đúng thực tế hiện trường xảy ra. Ông Phúc cung cấp bức ảnh này cho HĐXX. Trong ảnh này, ông Phúc vẽ một mũi tên vào chiếc xe Vision, hướng mũi tên song song đường Nguyễn Văn Linh và ghi chú hiện trường như ảnh là sai với sự thật. Bức ảnh thứ hai, CQĐT dựng hiện trường, vẽ hướng chiếc xe Vision, từ lề đường đến điểm chiếc xe ngã là không đúng so với camera thu từ nhà dân mà CQĐT công bố tại phiên toà.

Trả lời chủ toạ phiên toà về chữ ký trong biên bản dựng hiện trường của từng nhân chứng, ông Quân cho biết, ông có ký tên nhưng không xem lại và giải thích với HĐXX: “Tại vì bữa đó, Đại uý S nói, anh ký giùm đi rồi anh về lo công việc của anh, còn để đây tự em lo”.

HĐXX công bố một video clip thu thập từ nhà dân, tại vị trí gần nơi xảy ra tai nạn, góc quay camera không thấy hết được toàn cảnh diễn biến vụ tai nạn, chỉ thấy xe bị cáo Thái chạy xuống đường mương, vọt lên đống đất và nạn nhân té vào chiếc xe SH dựng bên đường. Toà đề nghị điều tra viên có ý kiến, S thừa nhận góc quay không bao quát hết ngã tư và nói: “Những cái gì thể hiện, điều tra viên đã kiểm tra bằng biên bản trong hồ sơ vụ án. Những lời khai của ông Ba, những người có liên quan khác và đoạn camera có thể hiện một người mặc đồ trắng chạy qua ngã tư ngay thời điểm cho thấy xe mô tô chở nạn nhân Ngân”. Khi luật sư đề nghị ông Ba cho biết, lời khai của nhân chứng xác định xe ông va chạm xe bị cáo Thái và kết luận của điều tra viên về đoạn camera có một người mặc đồ trắng chạy qua không dừng lại, nội dung nào đúng, ông Ba nói: “Nhưng (người trong) camera có phải là tôi không?”.

Bào chữa cho bị cáo Thái, các luật sư cho rằng, bị cáo có tình tiết giảm nhẹ cần được HĐXX xem xét; còn hành vi ông Ba, cần được CQĐT tiếp tục làm rõ. Việc ông Phúc, ông Quân có đơn khiếu nại, tố cáo nhưng không nhận được quyết định giải quyết là vi phạm tố tụng. Những lời khai của bị cáo, của nhân chứng tại toà và tại CQĐT còn nhiều mâu thuẫn, cần làm rõ, nên đề nghị HĐXX hoãn phiên toà, trả hồ sơ Viện KS điều tra lại, để bảo đảm khách quan, đúng quy định.

Đại diện Viện KS cho rằng, CQĐT có biên bản làm việc với từng nhân chứng, thể hiện khách quan, đúng quy định pháp luật nên việc luật sư đề nghị hoãn phiên toà là không có căn cứ. Viện KS cho biết, có nhận các đơn khiếu nại, tố cáo, nhưng vụ án đang được điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử, khi bản án có hiệu lực pháp luật, ai là người có tội, ai là người không có tội sẽ xử lý đơn theo quy định. Tuy nhiên luật sư không đồng tình, vì trong BLTTHS quy định rõ về việc giải quyết khiếu nại.

Khi được hỏi bị hại có yêu cầu gì, ông Phúc nói: “Vào lúc 9 giờ 14 phút ngày 20.9.2019, tôi giao bằng chứng cho cơ quan điều tra. Ngày 11.11.2019, tôi đã làm đơn khiếu nại. Ngày 6.12.2019, tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại dựng hiện trường không đúng sự thật. Ngày 1.1.2020, tôi làm đơn yêu cầu thay đổi điều tra viên. Vì vậy, tôi yêu cầu HĐXX xét xử làm rõ: Vì sao tôi đã nộp bằng chứng rất quan trọng trong vụ tai nạn của con tôi cho điều tra viên S, nhưng CQĐT không đưa vào hồ sơ vụ án. Ngày 21.4.2020, CQĐT làm việc, lấy lời khai ông Quân. Ngày 27.4.2020, CQĐT làm việc với ông Chiêu và ông Mão. Biên bản đó hiện giờ ở đâu, vì sao không đưa vào hồ sơ vụ án. Tôi yêu cầu xử lý người làm sai lệch hồ sơ vụ án, khởi tố hình sự đối với ông Ba, người trực tiếp gây tai nạn cho 2 con tôi ra trước pháp luật…”.

HĐXX cho biết thời gian nghị án sẽ kéo dài và tuyên án vào lúc 15 giờ ngày 28.7.

Khoản 1 Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: 1. Thẩm phán chủ toạ phiên toà ra quyết định trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp: a) Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên toà được; c) Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can; d) Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

ĐỨC TIẾN


Liên kết hữu ích