BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lục bình lại bao vây sông Vàm Cỏ Đông

Cập nhật ngày: 13/03/2015 - 05:35

Sông Vàm Cỏ nhìn từ cầu Bến Sỏi (xã Thành Long, huyện Châu Thành).

Ghe lớn cũng phải nằm bờ

Tại một bến tập kết diêm tro thuộc xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu), ông Tô Văn Nhàn ngao ngán nhìn ra mặt sông dày đặc lục bình. Ghe của ông có trọng tải 50 tấn, đã chất đầy các bao diêm nhưng đành nằm bờ. Ông cho biết: “Ghe tôi trọng tải lớn nhưng cũng không càn lục bình chạy được, nằm bờ hai ngày nay rồi. Tôi chờ xà lan lớn chạy qua thì bám theo, may ra đi được. Ghe nhỏ thì chịu chết, không chạy được đâu”.

Ông Nhàn quê ở Sa Đéc, Đồng Tháp, có thâm niên chở diêm tro buôn bán ở Tây Ninh đã hơn chục năm nay. Ông Nhàn cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, sông Vàm Cỏ Đông thường xuyên bị lục bình vây kín nên việc làm ăn ngày càng khó khăn. Nhiều bạn đồng nghiệp của ông đã bỏ nghề hoặc làm cầm chừng.

Những ngư dân sống nhờ sông Vàm Cỏ Đông cũng đã phải bỏ nghề hoặc phơi lưới chờ lục bình rút xuống hạ nguồn. Anh Văn Tuấn (ngụ xã Thành Long, Châu Thành) cho biết: “Thường thì tới tháng 4 âm lịch, vô mùa khô lục bình mới nhiều. Năm nay lục bình lên sớm quá tui hết làm cá được”.

Bốn năm qua, tỉnh Tây Ninh đã tiến hành đấu thầu, hợp đồng với nhiều đơn vị khác nhau để trục vớt lục bình. Nhưng sau đó các đơn vị này đều bị cắt hợp đồng do không “giải vây” được cho sông Vàm Cỏ.

Ghe trọng tải 50 tấn của ông Nhàn đành phải nằm bờ vì mặt sông phủ kín lục bình.

Vẫn chưa có cách “giải cứu” sông Vàm Cỏ

Một trong những nguyên nhân khiến lục bình phát triển với mật độ dày đặc, theo các chuyên gia, là bởi dòng sông đã bị ô nhiễm. Nước thải của nhiều nhà máy mì, cao su và nước thải sinh hoạt đều đổ vào sông Vàm Cỏ. Trong năm 2014, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở TN-MT tỉnh đã kiến nghị dùng hết số tiền của các doanh nghiệp đóng phí xả thải để trả tiền cho các đơn vị tham gia trục vớt lục bình. Vừa qua, ông Xuân cho biết, nhiều điểm quan sát trên sông, chất lượng nước đã đạt loại A. Tuy nhiên, lục bình vẫn chặn nghẽn sông Vàm Cỏ Đông.

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Lo- Phó Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban chỉ đạo xử lý lục bình tỉnh cho biết, sau khi đơn vị cuối cùng là Công ty Thanh Sơn bị tỉnh Tây Ninh cắt hợp đồng, Ban chỉ đạo đã giao trách nhiệm cho các huyện. Các huyện đã dùng nhiều biện pháp như thuê các đơn vị trục vớt lục bình, huy động sức dân.

Một số địa phương chọn cách căng dây qua nhiều khúc sông để chặn lục bình, đợi nước lớn tháo dây dồn lục bình xuống hạ nguồn. Nhưng cách này đã bị tỉnh Long An phản đối. Ông Lo cho biết: “Mình dồn lục bình xuống Long An họ không chịu. Vậy nên phải theo TP.HCM là tiếp tục trục vớt. Tuy nhiên, trục vớt bằng cơ giới như những năm qua thì không được, cần phải có thiết bị đặc dụng. Đã có nhiều nhà đầu tư đến trình bày nhưng tôi chưa thấy có phương án nào khả thi để có thể báo cáo với UBND tỉnh”.

Về thiết bị đặc chủng, theo ông Lo, cần phải có công suất đủ lớn, vớt lục bình xong phải đóng khối lại và vận chuyển đưa đi nơi khác. Tuy nhiên, mức hỗ trợ kinh phí của tỉnh các năm qua chỉ trên 1 tỷ/năm là quá thấp nên những đơn vị lớn còn e ngại. Vì vậy, giải pháp giải cứu cho sông Vàm Cỏ Đông là vẫn phải… tiếp tục chờ đợi.

Tiểu Ngô