Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
SÔNG VÀM CỎ ĐÔNG, ĐOẠN QUA XÃ THÀNH LONG, HUYỆN CHÂU THÀNH:
Lục bình lại dày đặc
Chủ nhật: 08:29 ngày 09/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại hội nghị tiếp xúc đại biểu HĐND hai cấp mới đây ở xã Thành Long, huyện Châu Thành, cử tri Nguyễn Văn Lềnh - ngụ ấp Nam Bến Sỏi cho biết, hiện nay lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn ngang địa bàn xã ùn ứ dày đặc, khó khăn cho việc qua lại trên sông. Ông Lềnh đề nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng tìm cách xử lý lục bình sao cho hiệu quả hơn.

Lục bình dày đặc mặt sông Vàm Cỏ Đông (ảnh chụp ngày 10.1.2020, tại cầu Bến Sỏi).

Đúng như ông Lềnh phản ánh, trên đoạn sông Vàm trước cửa nhà ông ở ấp Nam Bến Sỏi, lục bình dày ken, xuồng ghe khó lưu thông. Ông Lềnh cho biết: “Những năm trước, thấy có tàu vớt lục bình. Năm nay, không hiểu vì sao tiến độ vớt lục bình quá chậm, lục bình nghẽn ngày càng nhiều. Hiện giờ, tạm thời ghe, xuồng vẫn đi lại được, nhưng có thể thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến người dân sang sông thu hoạch lúa”.

Ở ấp Bắc Bến Sỏi, tình hình lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông cũng đáng lo ngại. Chiều ngày 5.2, một đoạn sông dài cả cây số ngang địa bàn này đều bị phủ kín. Giao thông đường thuỷ hầu như bị tê liệt. Nhiều xuồng ghe của người dân địa phương phải neo đậu lại dọc hai bên bờ. Thỉnh thoảng trên sông, có một chiếc tàu chở nông sản hoặc một chiếc vỏ lãi của người dân đi thăm đồng trở về, nhưng phải nổ máy hết công suất mới chen qua được thảm lục bình. 

Anh Sĩ, 45 tuổi, vất vả điều khiển chiếc vỏ lãi đi đánh bắt cá trên sông về tới nhà. Cột chiếc vỏ lãi vào bến nước, đưa tay quệt những giọt mô hôi lấm tấm trên mặt, người nông dân này cho biết, lục bình nghẹt sông như thế này đã kéo dài khoảng 1 tháng nay. Gia đình anh có 7 công ruộng cách đây chỉ hơn nửa cây số, nhưng mỗi lần đến thăm ruộng là một lần vất vả. Mùa mưa, ít lục bình trên sông, dễ dàng đi lại bằng xuồng.

Lúc có lục bình như mùa này thì phải chở phân tro đến ruộng bằng xe gắn máy. Tới mùa thu hoạch lúa cũng là lúc lục bình dày đặc mặt sông, phóng lúa xong, không chở về được, đành phải bán lúa ướt tại chỗ cho thương lái. “Những thương lái miền Tây đi bằng ghe có máy công suất lớn mới vẹt lục bình đi được, còn ghe xuồng nhỏ như tụi tôi thì không bó tay không thể nào chở lúa về nhà nổi. Bán lúa ướt tại ruộng rẻ hơn so với lúa khô” - anh Sĩ giải thích. 

Đơn vị tăng cường trục vớt lục bình, nhưng chẳng thấm vào đâu.

Anh Sĩ cho biết thêm, trước tình hình trên, anh đã kiến nghị với chính quyền địa phương, chính quyền cũng đã đề nghị đơn vị trục vớt cho hai chiếc tàu đến trục vớt lục bình từ trước Tết Nguyên đán. Sau thời gian nghỉ tết, hai chiếc tàu tiếp tục vớt lục bình đến nay, nhưng không thấm vào đâu.

Ông Võ Văn Vu- Phó Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành cho biết: “Sau khi cử tri ý kiến về tình trạng lục bình dày đặc trên sông, sáng 6.2, HĐND huyện phối hợp với UB.MTTQVN huyện và một số ban, ngành huyện tổ chức đoàn khảo sát tình hình lục bình. Theo ghi nhận của đoàn công tác, lục bình dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn từ xã Long Vĩnh dài tới Phước Vinh. Sau khi khảo sát, đoàn sẽ tổng hợp ý kiến, báo cáo lên cấp trên và kiến nghị có hướng giải quyết hiệu quả”. 

Ông Huỳnh Vương Trung- Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Vương- đơn vị hợp đồng xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông những năm qua cho biết: “Công ty đang tăng cường cho 2 tàu vớt lục bình ở khu vực Cầu Bến Sỏi. Các tàu hoạt động hết công suất. Mỗi phút, 4 tàu của công ty vớt được 1 tấn lục bình. Đây là công suất cao nhất, không có đơn vị nào thu gom được nhiều như vậy”.

Người dân địa phương vất vả chống chọi với lục bình.

Còn nhớ, thời điểm đầu tháng 3 năm ngoái, hàng chục người dân ở ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành đã tìm đến Báo Tây Ninh nhờ lên tiếng phản ánh vì lục bình dày kín thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, khiến nhiều nông dân không thể qua sông thu hoạch lúa. Sau khi Báo đăng tải thông tin, Công ty TNHH Huỳnh Vương đã đẩy nhanh tiến độ xử lý loài bèo này, nhưng năm nay, tình trạng lục bình dày đặc ở sông Vàm vẫn tái diễn.

Từ thực tế nêu trên cho thấy phương thức xử lý lục bình sông Vàm Cỏ Đông như những năm qua chưa thật sự đem lại hiệu quả như mong muốn. Nên chăng ngành chức năng cần nghiên cứu, áp dụng xử lý lục bình sông Vàm Cỏ Đông theo phương pháp khác để tránh tình trạng năm nào cũng vậy, đến hẹn, lục bình lại lên.

ĐẠI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục